Hậu Giang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số

Thứ tư, 22/11/2023 14:20
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Xác định chuyển đổi số là giải pháp có tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn nên thời gian qua các địa phương trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã triển khai thực hiện nhiều kế hoạch, giải pháp đồng bộ.
 Cán bộ khuyến nông xã Thạnh Xuân  (bìa phải) xuống tận nhà để hướng dẫn người dân đăng tải sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. (Ảnh: Thanh Mai)

* Việc triển khai chuyển đổi số tại xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang  được thực hiện từ năm 2022 và đạt nhiều kết quả tích cực. Theo báo cáo của UBND xã, từ đầu năm 2023 đến nay, tổng số hồ sơ dịch vụ công trực tuyến đạt tỷ lệ 100% với 7.868 hồ sơ. Hiện nay, việc áp dụng thu phí không dùng tiền mặt đang được xã thực hiện bằng cách ký kết với Ngân hàng Liên Việt. Với cách này, ngân hàng sẽ cung cấp cho xã mã QR để người dân đăng nhập, quét mã hoặc chuyển tiền qua tài khoản khi thực hiện hồ sơ dịch vụ công, số tiền này do ngân hàng tạm thu.

Thời gian qua, xã đã thành lập 9 tổ chuyên môn, với mục đích thúc đẩy chuyển đổi số cộng đồng. Các tổ này thường xuyên xuống các ấp trên địa bàn để vận động người dân, hộ gia đình cài đặt các tài khoản dịch vụ công, đồng thời mở các ví điện tử như viettel money, momo,… hoặc mở các tài khoản internet banking của các ngân hàng. Hiện nay, xã Thạnh Xuân đã có 2.802 hộ đều có tài khoản để thực hiện nhiều giao dịch như trả tiền điện, nước, giao dịch điện tử. Các cán bộ xã cũng đã trực tiếp đến nhà để hỗ trợ những hộ gia đình có người lớn tuổi không có khả năng sử dụng điện thoại thông minh, để giúp người dân tiếp cận nhanh chóng với các dịch vụ trực tuyến.

Bên cạnh đó, các tổ chuyên môn này còn thường xuyên xuống địa bàn hướng dẫn các hộ dân sản xuất hàng hóa nông sản đăng tải thông tin, hình ảnh, bán hàng online trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT). Cách làm này giúp các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế, thúc đẩy tiêu thụ nhanh, góp phần tránh ùn ứ nông sản khi cao điểm thu hoạch, giúp người dân giữ giá nông sản, tránh phụ thuộc vào thương lái, trung gian.

Ông Phạm Quốc Việt, Chủ tịch UBND xã Thạnh Xuân, cho biết: Hiện nay, chuyển đổi số mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, cần phải tiếp tục thay đổi xu hướng xã hội thông qua công tác chuyển đổi số, từng bước thay đổi tư duy của người dân để đạt được thành công. Đồng thời, thực hiện đồng bộ việc chuyển đổi số để góp phần phát triển xã hội theo kỷ nguyên số, mọi tầng lớp nhân dân, mọi người dân đều biết đến, thực hiện và áp dụng được vào cuộc sống.

Những kết quả đã đạt được trong công tác chuyển đổi số tại xã Thạnh Xuân là minh chứng cho sự quan tâm và đầu tư của chính quyền địa phương, cũng như sự tích cực và sáng tạo của người dân trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào cuộc sống. Đây cũng là động lực để xã Thạnh Xuân tiếp tục phấn đấu và hoàn thiện hơn nữa trong công tác chuyển đổi số, góp phần xây dựng một xã hội thông minh, hiện đại và bền vững.

 Việc thực hiện chuyển đổi số trong các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh Hậu Giang diễn ra mạnh mẽ, quyết liệt. (Ảnh: Phú Minh)

* Nhằm thục hiện xây dựng Kế hoạch phát triển hạ tầng số trên địa bàn huyện Phụng Hiệp, giai đoạn 2023 - 2025, UBND huyện Phụng Hiệp đã xây dựng Kế hoạch phát triển hạ tầng số.

Mục tiêu cụ thể, đến năm 2025, huyện đầu tư hạ tầng viễn thông băng rộng: tỷ lệ ấp, khu vực được phủ băng rộng di động; băng rộng cố định (FTTH); cấp xã kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng đạt 100%; tỷ lệ dùng chung vị trí trạm BTS đạt 10%; dùng chung cột treo cáp đạt 50%; tỷ lệ dùng chung cống bể cáp đạt 10%... Sử dụng dịch vụ viễn thông, số thuê bao băng rộng di động/100 dân đạt 85 thuê bao; tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh (SMP)/tổng thuê bao điện thoại di động đạt 85%; tỷ lệ người sử dụng Internet, băng rộng cáp quang đạt 80%; 95% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh; mạng băng rộng di động (4G) với tốc độ trung bình đạt 70Mb/s; mạng băng rộng cố định với tốc độ trung bình đạt 100Mb/s; 100% hạ tầng thiết yếu như giao thông, điện, nước, có khả năng tích hợp cảm biến và ứng dụng Internet vạn vật (IoT).

Về Hạ tầng công nghệ số: ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chuỗi khối (blockchain), Internet vạn vật kết nối (IoT) vào các lĩnh vực kinh tế và xã hội, nhờ vậy đã hỗ trợ hiệu quả cho chương trình chuyển đổi số của huyện, đặc biệt phát triển kinh tế số, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hệ thống quản trị số địa phương và năng lực quản trị. Hướng đến mục tiêu có 100% cơ quan, tổ chức nhà nước và 70% doanh nghiệp sử dụng nền tảng số phục vụ chuyển đổi số.

Để đạt được mục tiêu trên, huyện đang rà soát tập trung đầu tư, xây dựng, phát triển hạ tầng băng rộng di động chất lượng cao  trên phạm vi toàn huyện; thực hiện lộ trình dừng công nghệ di động cũ và thúc đẩy sử dụng điện thoại thông minh cho người dân. Thúc đẩy ứng dụng công nghệ số (AI, blockchain, IoT) trong các lĩnh vực dịch vụ công, như: nông nghiệp, giao thông, lưu trữ dữ liệu và quản trị số, hỗ trợ tính minh bạch, dịch vụ công trực tuyến...

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát về hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận chương trình phổ cập điện thoại thông minh, dịch vụ viễn thông công ích. Làm tốt công tác truyền thông, phổ biến các kỹ năng số cơ bản cho người dân, như: truy nhập và sử dụng Internet, thư điện tử, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân; phổ biến kết quả, thành tựu của các địa phương, doanh nghiệp tiêu biểu trong hỗ trợ, xây dựng, phát triển hạ tầng số trong thời gian tới./..

Phú Đức (t/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực