Kết nối tiêu thụ và thúc đẩy xuất khẩu ngành hàng xoài

Thứ sáu, 28/04/2023 20:47
(ĐCSVN) - Thời gian qua, ngành hàng xoài tỉnh Đồng Tháp đã có bước tiến quan trọng, trong đó xoài được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới, cả thị trường khó tính; xoài cũng được chế biến để nâng cao giá trị.

 Trong khuôn khổ Lễ hội xoài Đồng Tháp năm 2023, ngày 28/4, đã diễn ra Hội thảo với chủ đề: "Kết nối tiêu thụ và thúc đẩy xuất khẩu ngành hàng xoài".

 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Phước Thiện phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Phước Thiện – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện tỉnh Đồng Tháp có diện tích trồng xoài hơn 14.000 ha, diện tích cho trái 13.300 ha, sản lượng gần 137.000 tấn. Toàn tỉnh có 473 ha xoài đạt chứng nhận VietGAP và 33,1 ha sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, trong đó có 01 ha được chứng nhận hữu cơ. Việc đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho xoài cũng được ngành chuyên môn thực hiện; hiện có 12 sản phẩm OCOP (3 sao, 4 sao) từ xoài. Tỉnh vừa tổ chức thành công Đại hội “Hội ngành hàng xoài Đồng Tháp” lần thứ I.

Hiện tỉnh Đồng Tháp được cấp 296 mã số vùng trồng xoài (tương ứng 8.228,4 ha). Đặc biệt là thực hiện chuyển đổi số trong đăng ký mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc trên nền tảng nông nghiệp số Việt Nam (VDAPES). Đồng thời, sẵn sàng hợp tác, chia sẻ các kết quả này với doanh nghiệp để cùng nâng cao vị thế ngành hàng xoài.

Ngành hàng xoài tỉnh Đồng Tháp đã có bước tiến quan trọng, trong đó xoài được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới, cả thị trường khó tính; xoài cũng được chế biến để nâng cao giá trị.

Thống kê của Cục Trồng trọt, cả nước có hơn 115.000 ha xoài, trong đó khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chiếm nhiều nhất (49.900 ha), sản lượng 610.000 tấn/năm. Đồng Tháp là tỉnh có diện tích trồng xoài nhiều nhất ở khu vực này và đứng thứ hai cả nước, sau Sơn La.

 Các đại biểu trao đổi tại hội thảo.

Bên cạnh thành tựu đạt được, ngành hàng xoài nói chung còn không ít hạn chế. Điển hình, sản xuất xoài còn manh mún, phân tán, gây khó khăn cho công tác đầu tư, quản lý chất lượng, tiêu thụ sản phẩm. Tác động của biến đổi khí hậu, sâu bệnh hại ảnh hưởng năng suất, sản lượng và chất lượng xoài. Sản xuất đạt chứng nhận còn rất khiêm tốn, cũng như sản phẩm xoài chế biến còn ít. Cùng với đó, thiếu liên kết sản xuất, tiêu thụ, giá bán biến động, không ổn định; yêu cầu về an toàn thực phẩm của các thị trường xuất khẩu ngày càng tăng...

Với khó khăn đó, nhiều giải pháp được các chuyên gia đưa ra nhằm nâng cao giá trị và phát triển bền vững ngành hàng xoài. Trong đó, có tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, liên kết giữa nhà vườn và doanh nghiệp, thu hút đầu tư chế biến xoài. Về giải pháp về kỹ thuật, quan trọng nhất là ở khâu người sản xuất phải làm tốt quy trình sản xuất an toàn, rải vụ, tăng cường sử dụng phân hữu cơ...

Các đại biểu cho rằng dù có nhiều lợi thế, song việc sản xuất và  tiêu thụ xoài vẫn còn một số khó khăn như: diện tích sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ; diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, VietGAP, GlobalGAP, được cấp mã số vùng trồng còn quá khiêm tốn so với tổng diện tích canh tác xoài; chưa có nhà đầu tư đủ tiềm lực tham gia xây dựng vùng nguyên liệu, chuỗi liên kết tiêu thụ xoài, trong khi các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của tỉnh đầu tư, áp dụng kỹ thuật công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến và xuất khẩu còn hạn chế, sản phẩm cung ứng ra thị trường chủ yếu dưới dạng tươi, chất lượng đồng đều còn ít, chưa qua sơ chế, chế biến, bảo quản nên khó cạnh tranh trên thị trường; hệ thống logistics chưa phát triển, các cơ sở, công ty còn bị động phụ thuộc vào các đơn vị cung ứng dịch vụ này, giá thành thuê mướn vận chuyển khá cao.

 Toàn cảnh Hội thảo.

Theo đại diện Cục Bảo vệ thực vật cũng thông tin đến các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã trồng xoài một số vấn đề liên quan đến thị trường nhập khẩu xoài của các nước trên thế giới; thực thi Lệnh 248 và Lệnh 249 của thị trường Trung Quốc; điều kiện để xuất khẩu xoài sang thị trường châu Á và các định hướng, chính sách hỗ trợ thu mua xoài của tỉnh Đồng Tháp. Trên cơ sở các thông tin trên, theo các đại biểu, để thúc đẩy tiêu thụ và xuất khẩu ngành hàng xoài cần tăng tỷ trọng sản phẩm chế biến sâu, có giá trị kinh tế cao; nâng cao khả năng đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, thích ứng xu hướng ngày càng cao của thị trường./.

Tin, ảnh: Phú Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực