Khi văn hóa kết hợp với kết nối liên vùng

Thứ năm, 16/07/2020 19:31
(ĐCSVN) – Với lợi thế về vị trí địa lý, lịch sử, văn hóa kết hợp với tăng cường kết nối liên vùng sẽ giúp 4 tỉnh Bắc Trung Bộ: Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình phát triển kinh tế, du lịch.

Vùng Bắc Trung Bộ nói chung và 4 tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình nói riêng có vị trí quan trọng, sở hữu tài nguyên du lịch phong phú với bờ biển dài và nền văn hóa đặc sắc. Nơi đây tập trung các Di sản thế giới được UNESCO công nhận là Thành nhà Hồ, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, dân ca Ví - Giặm Nghệ Tĩnh, ca trù Cổ Đạm. Đặc biệt, 4 tỉnh Bắc miền Trung nằm gọn trên dải đất hẹp nhất của Việt Nam với đường bờ biển dài, cùng nhiều cửa khẩu giáp với nước bạn Lào, nhờ đó, các tỉnh này có cơ hội phát triển du lịch liên vùng cũng như phát triển kinh tế và du lịch trên hành lang Đông – Tây với các nước trong khu vực.

Hiện nay, việc liên kết, hợp tác phát triển du lịch là xu hướng tất yếu. Để tiếp tục tăng trưởng bền vững và khai thác hết các thế mạnh của địa phương, cần tăng cường liên kết, nhất là liên kết liên vùng. Du lịch của Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình nhiều năm trở lại đây đã có nhiều bước phát triển rõ rệt. Từ những bãi biển hoang sơ với dịch vụ hạn chế, nhiều nơi đã “thay da đổi thịt” với các dự án nghỉ dưỡng, khách sạn – nơi nghỉ ngơi nhiều lượt du khách tham gia nhiều tour du lịch nghỉ dưỡng, khám phá.

Hiện nay, tại 4 tỉnh Bắc miền Trung, các sản phẩm du lịch đang tập trung phát triển như: du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch khám phá hang động, du lịch về nguồn, du lịch di sản…, góp phần quan trọng vào sự phát triển du lịch của cả nước và kinh tế - xã hội của khu vực.

 Hang Én - Quảng Bình (Ảnh: quangbinhtravel.vn)

Năm 2019, hoạt động du lịch của 4 tỉnh Bắc miền Trung có nhiều chuyển biến tích cực, lượng khách và doanh thu du lịch tăng cao, đặc biệt vào các kỳ nghỉ hè, nghỉ lễ. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, hoạt động du lịch ngừng trệ, doanh thu giảm sâu.

Tuy hoạt động kết nối du lịch 4 tỉnh Bắc miền Trung có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn những hạn chế như: Sản phẩm du lịch còn rời rạc, thiếu tính liên kết giữa các tỉnh trong vùng, chưa hình thành được sản phẩm đặc thù của 4 tỉnh để giới thiệu quảng bá “4 địa phương, một điểm đến”. Các chương trình khảo sát mới chỉ dừng lại ở việc kết nối điểm đến, chưa tạo sự khác biệt, cơ sở vật chất kỹ thuật còn thiếu và yếu ở nhiều địa phương, tính thời vụ của sản phẩm du lịch biển…

Nhằm thúc đẩy du lịch phục hồi, phát triển sau dịch COVID-19, thời gian qua, 4 tỉnh Bắc miền Trung đã đẩy mạnh các hoạt động liên kết tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch. Ngành Du lịch của các tỉnh đã chủ động tổ chức đón, làm việc, ký kết hợp tác với các Đoàn Famtrip trong và ngoài nước nhằm liên kết khai thác, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của 4 tỉnh Bắc miền Trung. Qua đó, kết nối, hợp tác phát triển mở rộng ra các tỉnh bạn nhằm tăng cường thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch.

Thời gian tới, Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình cần phát triển các sản phẩm du lịch như: Khảo sát, xây dựng sản phẩm đặc trưng của 4 tỉnh để công bố tour du lịch đặc thù, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Xây dựng các chương trình kết nối sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh chung của du lịch 4 tỉnh; phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù để thỏa mãn nhu cầu du khách và tạo ấn tượng sâu đậm, khó quên; liên kết khai thác phát triển sản phẩm du lịch đường bộ cho khách du lịch từ Lào, Thái Lan qua các cửa khẩu, các điểm du lịch nằm trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh qua 4 tỉnh để khai thác phục vụ khách du lịch.

Đồng thời, đưa ra các ưu đãi để kích cầu du lịch như: Giảm giá các chương trình du lịch trọn gói; áp dụng mức giá ưu đãi lớn đối với đơn vị, đại lý có số lượng khách lớn... Cách làm này sẽ mở ra một phương thức phát triển du lịch mới, liên kết chặt chẽ hơn từ lữ hành, vận tải đến điểm tham quan, lưu trú, nhà hàng và dịch vụ tiêu dùng khác, nhằm nỗ lực thu hút du khách.

Sau COVID-19, ngành du lịch mở ra những xu hướng mới cần doanh nghiệp chuyển động để thích ứng. An toàn du lịch trở thành mối quan tâm hàng đầu của du khách cùng với xu hướng lựa chọn các điểm đến gần, du lịch ngắn ngày theo các nhóm nhỏ và du lịch cá nhân. Từ những yếu tố trên, các doanh nghiệp cần có giải pháp phục hồi theo mức độ ưu tiên ứng với khả năng khống chế dịch bệnh của mỗi thị trường mục tiêu, từng bước đưa ngành du lịch quay trở lại. Trong đó, từ nay đến cuối năm ưu tiên thị trường nội địa, tiếp đến là các quốc gia Đông Nam Á sau khi quy định về phòng chống dịch được nới lỏng.

 

Ngọc Khánh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực