Lan tỏa mô hình “Tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt”

Thứ sáu, 08/12/2023 11:30
(ĐCSVN) - Với những hiệu quả tích cực mang lại, mô hình “Tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt” đã và đang được triển khai thực hiện tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Tiếp tục nhân rộng mô hình này sẽ là cơ sở để thúc đẩy hoạt động du lịch, dịch vụ, phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; đồng thời, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trên phạm vi cả nước.

Giữa năm 2022, đón đầu xu thế tiêu dùng mới trên cơ sở sự phát triển của khoa học công nghệ, Thành phố Đà Nẵng là một trong những địa phương đầu tiên tổ chức thực hiện mô hình "Tuyến phố thanh toán không tiền mặt"... Theo đó, mô hình được triển khai trên 2 trục đường trung tâm của Thành phố Đà Nẵng là Trần Văn Trứ và Nguyễn Văn Linh, nơi tập trung nhiều cơ sở dịch vụ ăn uống, mua sắm giải trí. Tại tuyến phố này, người dân và du khách đã trải nghiệm hoạt động mua sắm hàng hóa rồi thanh toán không dùng tiền mặt ngay tại các gian hàng với đa dạng loại hàng hóa, như: Thực phẩm, hàng tiêu dùng, thời trang, thủ công mỹ nghệ, dịch vụ ăn uống, cửa hàng tiện lợi, siêu thị, mini-mart, dịch vụ viễn thông...

Đồng thời, người dân và du khách cũng được thụ hưởng nhiều ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, các nhà bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ, từ đó xây dựng thói quen sử dụng thanh toán không tiền mặt; hỗ trợ khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, hộ cá thể…

 Lễ ra mắt tuyến phố không dùng tiền mặt tại Thành phố Đà Nẵng. (Ảnh: Khởi Anh).

Đến nay, sau gần 1,5 năm triển khai thực hiện, mô hình "Tuyến phố thanh toán không tiền mặt" ở Thành phố Đà Nẵng đã thu được nhiều kết quả tích cực, nhất là góp phần thúc đẩy các hoạt động du lịch, dịch vụ của địa phương. Anh Trần Văn Đức, quản lý một cửa hàng tiện ích trên đường Nguyễn Văn Linh (Thành phố Đà Nẵng) cho biết, bản thân rất ủng hộ chương trình tuyến phố không tiền mặt. Theo anh Đức, thực tế từ lâu, các cửa hàng đã chủ động liên kết với đối tác thanh toán triển khai thanh toán không tiền mặt để tạo thuận lợi cho du khách. Hình thức thanh toán này cũng nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ phía du khách. “Hiện nay, khoảng trên 95% du khách mua sắm tại cửa hàng của tôi đã sử dụng các phương thức không tiền mặt như chuyển khoản ngân hàng, ví điện tử, quét mã thanh toán QR,… Doanh số của cửa hàng cũng được nâng dần lên”, anh Trần Văn Đức chia sẻ thêm.

Còn tại Thành phố Hà Nội, quận Hoàn Kiếm là địa bàn có nhiều trung tâm thương mại, các tuyến phố kinh doanh sầm uất, chợ... và hệ thống tổ chức tài chính - ngân hàng lớn trong và ngoài nước. Đây là tiềm năng, lợi thế để quận phát triển kinh tế, tài chính, thương mại, du lịch, dịch vụ. Bên cạnh hình thức trả tiền mặt, hầu hết các cửa hàng, quán ăn trên địa bàn quận đều in mã QR số tài khoản ngân hàng hoặc trang bị máy POS để thuận tiện cho khách trong thanh toán. Vì vậy, quận Hoàn Kiếm đã được UBND Thành phố Hà Nội lựa chọn làm hạt nhân để triển khai thúc đẩy thanh toán số, thí điểm triển khai các tuyến phố không dùng tiền mặt trên địa bàn.

Theo chia sẻ của đồng chí Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, thanh toán không tiền mặt là nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn quận. Hiện nay, khi giao dịch trên các tuyến phố của quận, dù có mức chi phí dưới 10.000 đồng, người dân cũng có thể thanh toán bằng các hình thức chuyển khoản hoặc quét mã QR.

 Người dân thực hiện giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt. (Ảnh: Minh Tuệ).

Tìm hiểu được biết, không chỉ riêng Thành phố Đà Nẵng hay Thành phố Hà Nội, thời gian qua, tại nhiều địa phương khác trong cả nước, mô hình "Tuyến phố thanh toán không tiền mặt" đã được triển khai thực hiện có hiệu quả. Điển hình là tại một số tỉnh như: Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Đắk Lắk, Bình Dương, Bến Tre, An Giang,… và Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo các chuyên gia tài chính, đại dịch COVID-19 đã tạo ra những thay đổi lớn trong thói quen của người tiêu dùng về hình thức thanh toán, chuyển từ dùng tiền mặt sang sử dụng các hình thức thanh toán không tiền mặt như chuyển khoản ngân hàng, ví điện tử, quét mã thanh toán QR,… Cùng với đó, xu hướng số hóa đang dần đi vào đời sống của người dân, xã hội. Vì vậy việc thanh toán không dùng tiền mặt sẽ giúp giao dịch mua bán được nhanh chóng, thuận lợi, an toàn hơn. Do đó, việc nhân rộng mô hình “Tuyến phố thanh toán không tiền mặt" vừa đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, du khách, người tiêu dùng khi mua sắm, giao dịch thanh toán; vừa là hoạt động triển khai thực hiện Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025.

Bên cạnh những ưu điểm, việc triển khai mô hình “Tuyến phố thanh toán không tiền mặt" nói riêng và thúc đẩy các hình thức thanh toán không tiền mặt như chuyển khoản ngân hàng, ví điện tử, quét mã thanh toán QR,… hiện đang gặp một số khó khăn, trở ngại nhất định. Điển hình là những hạn chế của hạ tầng số, việc “nghẽn mạng”, dẫn đến lỗi không thực hiện được các giao dịch chuyển khoản, gây khó khăn cho người dân, du khách trong quá trình thanh toán. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý trong lĩnh vực thanh toán điện tử vẫn chưa hoàn thiện và đồng bộ, mặc dù thời gian qua đã được cải thiện nhiều; việc sử dụng tiền mặt vẫn còn khá phổ biến trong các giao dịch của người dân, nhất là ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa;…

Do đó, cùng với công tác tuyên truyền, cần khẩn trương hoàn thành việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán không tiền mặt, thanh toán điện tử; tăng cường đầu tư, phát triển, nâng cấp nền tảng hạ tầng số gắn với hoàn thiện kết nối giữa hạ tầng thanh toán điện tử của các tổ chức tín dụng với hạ tầng của các cơ quan Thuế, Hải Quan, Kho bạc Nhà nước,… nhằm bảo đảm tính tiện ích, thuận lợi trong thực hiện các hình thức thanh toán không tiền mặt.

Thực tế cho thấy, việc triển khai mô hình “Tuyến phố thanh toán không tiền mặt" đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, du khách được trải nghiệm những hình thức thanh toán mới, hiện đại, giúp người dân tiếp cận nhanh các ứng dụng, tiện ích trong thời đại số, góp phần xây dựng các công dân số, xã hội số... Trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là giải pháp quan trọng, cấp thiết, làm cơ sở xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, trực tiếp góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số của các địa phương và của cả nước./.

Phạm Minh Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực