Nhiều hoạt động kết nối sản phẩm làng nghề tại LifeStyle Việt Nam 2024

Thứ sáu, 18/10/2024 21:17
(ĐCSVN) – Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp tổ chức hoạt động quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề truyền thống tại Hội chợ quốc tế quà tặng và hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam - LifeStyle năm 2024 với nhiều hoạt động ý nghĩa.

Hội chợ quốc tế quà tặng và hàng thủ công mỹ nghệ (LifeStyle 2024) năm 2024 đã khai mạc sáng 18/10 và diễn ra trong 4 ngày (18 - 21/10) tại Trung tâm triển lãm Hội nghị Quốc tế Sky Expo Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam tham dự và cắt băng khai mạc hội chợ  (Ảnh:  B.Y)

Khác với các năm trước, lần đầu tiên, Hội chợ quốc tế quà tặng và hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam 2024 có quy mô lên tới 1.200 gian hàng từ gần 600 nhà triển lãm Việt Nam và quốc tế đến từ hơn 30 quốc gia. Ngành hàng của Hội chợ cũng được mở rộng bên cạnh các nhóm hàng truyền thống như hàng thủ công mỹ nghệ và trang trí nội thất hàng phụ kiện sân vườn hàng dệt may hàng trang trí bàn ăn và vật dụng nhà bếp hàng trang sức và phụ kiện cá nhân hàng da giày và túi xách nước hoa hàng đồ chơi hàng quà tặng và đồ handmade từ các dân tộc vùng miền.

Thực hiện Chương trình Xúc tiến thương mại năm 2024, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, Bộ NN&PTNT phối hợp với Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn tổ chức hoạt động quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề truyền thống tại Hội chợ quốc tế quà tặng và hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam - LifeStyle năm 2024 gồm chuỗi các hoạt động ý nghĩa: Hoạt động quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề truyền thống; không gian và các hoạt động thao diễn nghề, trình diễn và thử nếm ẩm thực, trải nghiệm đồ uống đặc sắc của Việt Nam…,

Không gian trải nghiệm ẩm thực, đồ uống Việt Nam (Ảnh: B.Y) 

Trong khuôn khổ LifeStyle năm 2024, Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp tổ chức Khu thao diễn tay nghề chế tác sản phẩm thủ công mỹ nghệ với diện tích khoảng 72m2 và được thiết kế mang đậm bản sắc văn hóa làng nghề Việt.

Ban Tổ chức bố trí hệ thống các kệ trưng bày sản phẩm, để dụng cụ chế tác của các nghệ nhân, thợ thủ công. Đồng thời, mời 15 nghệ nhân, thợ thủ công tay nghề giỏi thuộc các lĩnh vực chế tác sản phẩm như: đan lát, đẽo gỗ, chạm bạc, làm áo vỏ cây, chế tác đồ gốm sứ,... tới tham gia thao diễn chế tác sản phẩm.

Đặc biệt, “Diễn đàn kết nối thương mại sản phẩm OCOP với hệ thống khách hàng chiến lược tại Việt Nam” diễn ra chiều 18/10/2024 đã thu hút hơn trăm đại biểu trong nước và quốc tế tham dự. Đây được đánh giá là sự kiện lớn, nhằm tạo ra cầu nối giữa các doanh nghiệp, HTX sản xuất với hệ thống khách hàng chiến lược trong và ngoài nước; từ đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nghệ nhân, và các tổ chức liên quan đến ngành thủ công mỹ nghệ và sản phẩm OCOP được giao lưu, học hỏi, tìm kiếm đối tác, phát triển sản xuất, kinh doanh, quảng bá sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Các diễn giả trao đổi tại Diễn đàn (Ảnh: B.Y) 

Tại Diễn đàn, các đại biểu cùng nhau chia sẻ về vấn đề phát triển thủ công mỹ nghệ ở Việt Nam; Kinh nghiệm hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ gắn với thương mại điện tử trên các nền tảng số. Trong khuôn khổ Diễn đàn, sẽ diễn ra 2 Phiên tọa đàm với các khách mời đến từ các nhà sản xuất, thiết kế, phân phối, cung ứng và tiêu thụ.

Theo các nghệ nhân, doanh nghiệp, với công nghệ và điều kiện để sản xuất như hiện nay, nếu thuận lợi về nguyên liệu thì các doanh nghiệp có thể đáp ứng các yêu cầu của đối tác theo đơn đặt hàng về mẫu mã, số lượng và đảm bảo tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta còn rất nhiều tiềm năng để có thể sáng tạo, thiết kế tạo nên những sản phẩm mang tính nghệ thuật cao, đặc biệt có thể kết hợp các sản phẩm thủ công mỹ nghệ ở nhóm khác nhau để tạo ra sản phẩm đa dạng và độc đáo.

Không gian trình diễn nghề của các nghệ nhân (Ảnh: B.Y) 

“Chúng ta có rất nhiều tiềm năng, cơ hội trong ngành thủ công mỹ nghệ, nếu tổ chức thực hiện tốt tạo ra vùng nguyên liệu, đào tạo nghệ nhân và truyền nghề, có sự liên kết giữa các đối tác như nhà sản xuất, thiết kế và quảng bá tiêu thụ thì ngành thủ công mỹ nghệ của chúng ta sẽ cón có nhiều cơ hội để vươn xa hơn”, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp đánh giá.

Nhằm hỗ trợ phát triển thị trường, định hướng xuất khẩu cho sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các chủ thể, hợp tác xã trong cả nước, trong khuôn khổ Diễn đàn, Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp và Tổng Công ty Cổ phần bưu chính Viettel ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) quan trọng trong việc hợp tác quảng bá, xúc tiến bán hàng các sản phẩm nông sản Việt Nam./.

 

HA.NV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực