Tạo thuận lợi, gỡ khó cho ngành công nghiệp

Thứ hai, 13/01/2020 09:50
(ĐCSVN) – Năm 2020, TP Hồ Chí Minh phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,6%; trong đó 4 ngành công nghiệp trọng yếu phấn đấu tăng trên 7,5% so với năm 2019. Để đạt mục tiêu trên, TP sẵn sàng tạo thuận lợi, tháo gỡ những khó khăn để tăng năng lực sản xuất của ngành công nghiệp.
leftcenterrightdel

 Điện tử là ngành được kỳ vọng tăng trưởng nhanh nhằm bắt kịp xu thế công nghiệp 4.0 .
(Ảnh: V.Lê)

Để khuyến khích và thúc đẩy sản xuất công nghiệp, TP Hồ Chí Minh đã ban hành và triển khai nhiều chương trình, chính sách có tác động mạnh, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư sản xuất lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ phát triển, đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực TP, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục khai thác, mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo nguồn đầu ra cho hoạt động sản xuất.

Trong năm qua, chỉ số sản xuất công nghiệp của TP tăng 7,6% (cùng kỳ tăng 7,9%), trong đó nhóm ngành công nghiệp chế biến ước tăng 8,0%, bốn ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất - cao su - nhựa và chế biến tinh lương thực thực phẩm) ước tăng 6,3% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 9,25%).

Trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu của TP, cơ khí chế tạo và điện tử là 2 ngành có mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2019. Cụ thể, cơ khí chế tạo tăng 8,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,6%), chiếm tỷ trọng 28,65% trong 4 ngành trọng yếu và chiếm 19,41% trong toàn ngành công nghiệp. Ngành cơ khí thời gian qua có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội TP nói chung và ngành công nghiệp nói riêng. TP phát triển một số sản phẩm cơ khí tiêu biểu, có khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng trong và ngoài nước (cơ khí khuôn mẫu, cơ khí công nghệ cao, máy móc thiết bị và phụ tùng,…). Nhiều sản phẩm cơ khí TP được xuất khẩu sang các nước, đặc biệt là máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng. Ngành cơ khí hiện có khoảng 10.981 cơ sở sản xuất, trong đó có 5.159 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn. Trước những tác động mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0, doanh nghiệp cơ khí gặp không ít thách thức trong việc cải tiến công nghệ, bắt kịp xu hướng, nâng cao trình độ lao động, chất lượng cơ sở hạ tầng để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và những áp lực cạnh tranh lớn đến từ các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.

Đối với ngành sản xuất hàng điện tử, trong năm qua đã tăng 20,7% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 15,54%), chiếm tỷ trọng 22,01% trong 4 ngành trọng yếu và chiếm 14,91% trong toàn ngành công nghiệp. Ngành điện tử tăng nhờ có thị trường tiêu thụ ổn định. Ngành điện tử có xu hướng chuyển đổi hoạt động sản xuất linh kiện điện tử từ các thị trường quốc tế sang Việt Nam nhờ hiệu ứng tích cực từ những cải cách thể chế, những chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư và các Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, các doanh nghiệp điện tử, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực này.

Theo đánh giá của UBND TP, điện tử là ngành được kỳ vọng tăng trưởng nhanh nhằm bắt kịp xu thế công nghiệp 4.0 và chủ trương phát triển kinh tế số của Chính phủ. TP hiện có 364 cơ sở sản xuất, trong đó có 348 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất trong lĩnh vực này.

Bước vào năm 2020, nhằm tập trung nguồn lực hỗ trợ nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực và 4 ngành trọng điểm tiếp tục phát triển nhanh, tạo sức lan tỏa, dẫn dắt thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu và tạo động lực cho toàn ngành công nghiệp TP phát triển, TP sẽ tập trung đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp chuyển dịch cơ cấu theo hướng giảm dần tỷ trọng các ngành thâm dụng lao động, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp có hàm lượng tri thức, công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, công nghiệp phục vụ nông thôn.

Phát biểu trong hội nghị tổng kết tình hình kinh tế-xã hội năm 2019 trên địa bàn vừa được tổ chức, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, TP sẽ tạo môi trường thuận lợi và khuyến khích đầu tư vào những ngành, những lĩnh vực kinh tế có lợi thế so sánh, có tiềm năng phát triển nhanh, bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao chất lượng hiệu quả, sức cạnh tranh để thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

TP cũng sẽ tăng cường công tác tiếp xúc, nắm bắt và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là khó khăn về vốn, mặt bằng và đổi mới mới công nghệ, đầu tư chiều sâu để tăng năng lực sản xuất của ngành công nghiệp. Đặc biệt, TP tiếp tục rà soát quỹ đất phục vụ phát triển công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ với quy mô diện tích và khung giá cho thuê phù hợp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tiếp tục đẩy mạnh Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, Chương trình kích cầu đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới máy móc thiết bị - công nghệ, mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, TP sẽ hỗ trợ tích cực để các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển, tham gia vào chuỗi sản xuất của các Tập đoàn đa quốc gia, các nhà lắp ráp trong nước và trên thế giới.

Trong năm 2020, TP tiếp tục phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng khoa học - công nghệ và giá trị gia tăng cao, thúc đẩy các ngành công nghiệp hỗ trợ, tập trung xây dựng các khu, cụm công nghiệp hỗ trợ; tận dụng nguồn lực, công nghệ, vật tư, thiết bị máy móc sản xuất trong nước đạt tiêu chuẩn, giảm nhập siêu, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa... TP phấn đấu Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2020 tăng 7,6%; trong đó 4 ngành công nghiệp trọng yếu phấn đấu tăng trên 7,5% so với năm 2019.

V.Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực