Thái Thuỵ: Điểm sáng trong phát triển kinh tế của Thái Bình

Thứ bảy, 18/12/2021 11:17
(ĐCSVN) - Năm 2021 là năm đầy khó khăn, thách thức, song Thái Thuỵ (Thái Bình) đã nỗ lực phấn đấu và giành được những kết quả quan trọng và toàn diện trong phát triển kinh tế.
 Sản xuất đồ chơi trẻ em tại Công ty TNHH Kỹ thuật hoạt hình Firstunion Việt Nam - Cụm công nghiệp Thụy Sơn, huyện Thái Thụy (Nguồn: baothaibinh.com.vn)

Sản xuất nông nghiệp phát triển tích cực

Để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, năm 2021, Huyện ủy Thái Thuỵ đã tập trung chỉ đạo xây dựng Đề án sản xuất Nông nghiệp và chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm túc. Để thực hiện Đề án hiệu quả, Thái Thuỵ đã chú trọng đảm bảo cơ cấu giống lúa, biện pháp gieo cấy, bảo đảm khung thời vụ, áp dụng các tiến bộ mới vào sản xuất. Cùng với diễn biến thời tiết cơ bản thuận lợi nên năng suất 2 vụ lúa đạt 130,37 tạ/ha, sản lượng thóc đạt 163.982 tấn. Diện tích cây màu đạt 9.897ha. Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP”, 03 sản phẩm (tỏi đen, tỏi khô và dao gia dụng) đã được công nhận đạt tiêu chuẩn 4 sao cấp tỉnh; hiện địa phương đang thực hiện phát triển, chuẩn hóa 12 sản phẩm. Thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 20/01/2020 của Tỉnh ủy, toàn huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi 755,9ha đất trồng lúa sang cây màu và cây lâu năm (tăng so với năm 2020 là 120,5 ha) bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao; diện tích cánh đồng lớn, cánh đồng có liên kết đạt 2.235 ha (cao hơn năm 2020 là 114 ha); hoàn thành xây dựng và triển khai Đề án sản xuất nông nghiệp năm 2022.

Chăn nuôi phát triển khá, tổng đàn gia súc, gia cầm đều tăng. Chăn nuôi gia súc, gia cầm có sự dịch chuyển mạnh trong khu dân cư ra vùng chuyển đổi, chăn nuôi nhỏ lẻ từng bước xóa bỏ, hình thành nhiều trang trại quy mô lớn, kỹ thuật cao, con giống tốt, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học kết hợp bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm; các trang trại, gia trại chăn nuôi áp dụng nhiều hình thức chăn nuôi hiện đại; hình thức liên kết chăn nuôi gia công với doanh nghiệp tiếp tục được duy trì.

Hoạt động nuôi trồng và khai thác thủy hải sản phát triển ổn định. Tổng diện tích nuôi trồng đạt trên 3.978 ha, sản lượng ước đạt 22.530 tấn. Khai thác phát triển theo hướng khai thác xa bờ gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, an ninh trên biển và thực hiện nghiêm các quy định về khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU); các hộ ngư dân tích cực cải hoán tàu cá, tăng cường năng lực khai thác xa bờ, toàn huyện có 443 phương tiện, với tổng công suất là 82.699 CV. Tổng sản lượng khai thác ước đạt 30.460 tấn.

Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện: Đã kiện toàn Ban Chỉ đạo, các Tổ công tác xây dựng nông thôn mới cấp huyện, cấp xã. Xã Thụy Liên được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Hiện, địa phương đang tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành thẩm định xã Thụy Ninh đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; xã Thụy Trình đang hoàn thiện hồ sơ đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đồng thời, tổ chức rà soát, kiểm tra, hướng dẫn các địa phương đăng ký xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2022; chú trọng chỉ đạo, hướng dẫn xã Thụy Duyên, Thụy Thanh, Thái Đô, Thụy Văn hoàn thiện các tiêu chí, hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Chỉ đạo các xã sáp nhập hoàn công tác quy hoạch và thiện hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đôn đốc các địa phương hoàn thiện nghiệm thu, thanh quyết toán lượng xi măng hỗ trợ xây dựng kết cấu công trình nông thôn mới theo quy định.

Sản xuất công nghiệp - xây dựng từng bước phục hồi

Sản xuất công nghiệp từng bước phục hồi và tăng trưởng trở lại; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2021 ước đạt 10.179 tỷ đồng, tăng 13,14% so với cùng kỳ. Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch được duy trì nề nếp. Trong năm 2021, địa phương đã thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thị trấn Diêm Điền và vùng phụ cận đến năm 2025 theo tiêu chí đô thị loại IV trình các cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Phối hợp với các sở, ngành liên quan của tỉnh rà soát, đề xuất điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung Khu kinh tế Thái Bình, tỉnh Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các xã sau sáp nhập lập quy hoạch chung xây dựng nông thôn theo tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu.

Công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản được chỉ đạo quyết liệt. Giá trị sản xuất khu vực xây dựng ước đạt 8.069 tỷ đồng, tăng 6,75% so với cùng kỳ. Ủy ban Nhân dân huyện đã chỉ đạo rà soát, hoàn thiện kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn ngân sách tỉnh và ngân sách huyện giai đoạn 2021-2026; kịp thời phân bổ các nguồn vốn đầu tư; thực hiện nghiêm túc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của tỉnh. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, tổ chức thực hiện các dự án, nhất là các dự án trọng điểm như: Dự án Trung tâm Văn hóa thể thao; Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu; Dự án Hạ tầng khu dân cư tại lô đất ở đô thị OĐT-8B, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy;...

Hoạt động tín dụng ngân hàng tiếp tục có sự ổn định. Các tổ chức tín dụng đã tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Dịch vụ Bưu chính, Viễn thông phát triển ổn định. Công tác quản lý và điều hành ngân sách được quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Ngay từ đầu năm, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo các cấp ngân sách triển khai quyết liệt công tác thu ngân sách; tập trung rà soát, phát hiện khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để tháo gỡ kịp thời, khích lệ và động viên doanh nghiệp thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, từ đó tạo đà tăng trưởng kinh tế và đóng góp cho nguồn thu ngân sách; điều hành chi ngân sách linh hoạt, tiết kiệm, hiệu quả, kịp thời. Tổng thu Ngân sách nhà nước (NSNN) ước đạt 1.805,978 tỷ đồng, đạt 186,7% dự toán tỉnh giao.

Phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế năm 2022

Phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, năm 2022, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp theo Đề án sản xuất nông nghiệp năm 2022 đã được phê duyệt, phấn đấu giành thắng lợi toàn diện 02 vụ lúa. Mở rộng diện tích cây màu, cây vụ Đông, chú trọng sản xuất theo hướng hàng hóa và chuỗi giá trị gia tăng, thực hiện tốt Chương trình mỗi xã một sản phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; chuyển diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau màu, cây ăn quả có giá trị cao; thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất kịp thời, đúng đối tượng; quản lý tốt vật tư nông nghiệp. Thực hiện có hiệu quả Đề án sản xuất vụ Đông tập trung giai đoạn 2021- 2025, Mô hình canh tác lúa theo hướng hữu cơ kết hợp nuôi Rươi vùng bãi ven sông.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả ngành chăn nuôi trở thành ngành kinh tế quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Phát triển chăn nuôi trang trại, áp dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sinh học, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; khuyến khích phát triển hình thức chăn nuôi an toàn theo quy trình VietGAHP, liên kết, hợp tác chăn nuôi theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh. Thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, quản lý giết mổ gia súc, gia cầm, không để xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trên địa bàn.

Tập trung phát triển thủy sản theo hướng bền vững, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Chú trọng chỉ đạo mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ ở các cơ sở sản xuất giống thủy sản. Chỉ đạo các vùng chuyển đổi nuôi trồng thủy sản nước ngọt, nước lợ theo hướng thâm canh, phấn đấu diện tích nuôi tôm công nghiệp đạt 120 ha. Quan tâm lĩnh vực khai thác thuỷ sản; khuyến khích các dịch vụ hậu cần nghề cá. Đẩy mạnh khai thác xa bờ, khai thác thủy sản có giá trị kinh tế cao. Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo và không theo quy định (IUU). Tiếp tục thực hiện tốt chính sách hỗ trợ ngư dân cải hoán, đóng mới tàu thuyền khai thác xa bờ; quản lý chặt chẽ tàu thuyền trong mùa mưa bão.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến 2030 theo Nghị quyết số 03/NQ- HU ngày 26/11/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện và Kế hoạch của Ủy ban nhân dân huyện. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng nước sạch. Quản lý chặt chẽ chất lượng nước sạch, đảm bảo đúng quy định; thực hiện nghiêm túc các nội dung công khai theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh để nhân dân biết, giám sát, tạo sự đồng thuận và ủng hộ của người dân.

Tập trung xây dựng, phát triển Khu kinh tế Thái Bình toàn diện về công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ, đô thị và kinh tế biển, trở thành trọng điểm, động lực phát triển kinh tế của huyện. Tập trung giải phóng mặt bằng, xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Liên Hà Thái và các khu chức năng đã được cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư để tạo tiền đề thu hút một số nhà đầu tư lớn khởi công xây dựng dự án thứ cấp. Tiếp tục phối hợp với các đơn vị, nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến đường bộ ven biển; triển khai xây dựng các tuyến đường trục trong khu kinh tế, tập trung xây dựng một số công trình kết cấu hạ tầng giao thông kết nối trục giao thông đối ngoại và các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ,… trong khu kinh tế.

Phát triển thương mại theo hướng văn minh, hiện đại, đẩy mạnh thương mại điện tử, giao dịch qua mạng trong điều kiện mới; tiếp tục thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại. Thực hiện tốt công tác khuyến thương, xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tập trung làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, đầu cơ, trốn thuế, làm hàng giả… tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Đa dạng hóa các ngành dịch vụ theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, chú trọng phát triển các ngành dịch vụ truyền thống, dịch vụ hỗ trợ sản xuất, kinh doanh; khuyến khích tạo điều kiện phát triển các dịch vụ mới, văn minh, hiện đại, nhất là những dịch vụ có hàm lượng tri thức cao, giá trị gia tăng lớn (như các dịch vụ logistics, tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, tư vấn tài chính, chuyển giao khoa học công nghệ và sở hữu trí tuệ, dịch vụ giáo dục đào tạo và y tế chất lượng cao...) và các loại dịch vụ khác phục vụ nhân dân và nhu cầu xã hội. Nâng cao chất lượng, xã hội hóa mạnh mẽ các hoạt động dịch vụ vận tải theo hướng áp dụng công nghệ hiện đại.

Năm 2022 được dự báo còn nhiều khó khăn, thử thách, nhưng với tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, nhất định huyện Thái Thụy sẽ tiếp tục bứt phá vươn lên giành nhiều thắng lợi mới; từng bước xây dựng huyện và đô thị Diêm Điền phát triển năng động, trở thành đầu tàu kinh tế của tỉnh Thái Bình./.

Đoàn Hữu Sơn - Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Thái Thuỵ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực