Tháo gỡ khó khăn để phát triển Sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam

Thứ ba, 25/06/2024 21:42
(ĐCSVN) - Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam không ngừng mở rộng diện tích cây Sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên hiện nay, nhiều khó khăn, vướng mắc đã bộc lộ, rất cần được tháo gỡ….
 Sâm Ngọc Linh là loài cây đặc hữu có giá trị kinh tế cao hiện chỉ trồng được tại Quảng Nam và Kon Tum.

Tình hình phát triển cây Sâm Ngọc Linh

Tính đến nay, diện tích quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh của tỉnh Quảng Nam đã được xác định là 15.567 ha (trong đó từ độ cao 2.000 m trở lên là 2.238 ha, ở độ cao từ 1.200 - 2.000 m là 13.329 ha). Cạnh đó, tỉnh cũng đang nghiên cứu trồng di thực Sâm Ngọc Linh ở một số địa phương khác có điều kiện tương đồng để mở rộng, phát triển diện tích.

Trên cơ sở diện tích quy hoạch trên, đến nay, Quảng Nam đã tiến hành trồng cây Sâm Ngọc Linh với tổng diện tích 1.243,00 ha (chủ yếu tập trung tại huyện Nam Trà My). Toàn tỉnh hiện có 02 đơn vị sự nghiệp công lập nhà nước đang thực hiện chăm sóc và bảo vệ vườn Sâm giống gốc tại xã Trà Linh, huyện Nam Trà My là Trung tâm Phát triển Sâm Ngọc Linh và Dược liệu Quảng Nam và Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Nam Trà My.

Ngoài 02 đơn vị trên, tại Quảng Nam hiện có trên 10 doanh nghiệp thu mua và chế biến Sâm Ngọc Linh. Các doanh nghiệp tập trung vào các sản phẩm chế biến từ Sâm Ngọc Linh gồm: Trà túi lọc Sâm Ngọc Linh, nước uống Sâm Ngọc Linh, mật ong Sâm Ngọc Linh, rượu Diệp linh sâm, dung dịch uống Sâm Ngọc Linh, viên ngậm Sâm Ngọc Linh... với lượng nguyên liệu tiêu thụ khoảng 50 - 60 kg/năm. Bên cạnh đó, sản phẩm Sâm Ngọc Linh được đưa vào giới thiệu và tiêu thụ trong các phiên chợ hằng tháng tại huyện Nam Trà My với lượng Sâm củ Ngọc Linh tiêu thụ trung bình khoảng 30 kg/phiên/tháng.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, thời gian qua, công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cây Sâm Ngọc Linh được tỉnh rất quan tâm. Địa phương đã kêu gọi và phối hợp thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học (cấp quốc gia, cấp tỉnh) ứng dụng vào thực tiễn nâng cao được tỷ lệ cây giống đạt tiêu chuẩn xuất vườn/số hạt gieo một cách đáng kể, từ 18,5% năm 2015 tăng lên 53,48% năm 2020. Đến nay, các đơn vị này cơ bản đã làm chủ được công tác gieo ươm, chăm sóc cây giống trước những điều kiện bất lợi, khó khăn và cơ bản đáp ứng được một phần nhu cầu cây giống đạt chất lượng để cung ứng cho phát triển sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Về các dự án đầu tư bảo tồn và phát triển Sâm Ngọc Linh đã triển khai, UBND tỉnh Quảng Nam cho hay, trong các dự án này, đáng kể nhất là Dự án bảo tồn, kiểm định Sâm Ngọc Linh. Dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt với tổng mức đầu tư gần 20 tỷ đồng, gồm 02 hợp phần. Trong đó hợp phần 1 tập trung đầu tư xây dựng các lối đi trong nội bộ vườn Sâm, lối đi giữa các vườn Sâm và tường chắn đất để chống sạt lở; xây dựng 03 chốt bảo vệ và hệ thống camera giám sát, báo động; đường dây hạ thế cấp điện sinh hoạt và chiếu sáng; đo đạc phân lô, cắm mốc và xây dựng bản đồ quản lý khoảng 6,9 ha vườn giống Sâm gốc. Tổng giá trị dự toán là trên 14,5 tỷ đồng. Đến nay, hợp phần 1 của dự án cơ bản đã thực hiện hoàn thành.

Trong khi đó, ở Hợp phần 2, Quảng Nam đầu tư, mua sắm các hệ thống trang thiết bị phục vụ công tác kiểm định Sâm và đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ kiểm định Sâm. Tổng giá trị dự toán trên 5,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện đang khó khăn về nguồn vốn và công tác mua sắm máy móc, thiết bị nên chưa thể triển khai thực hiện.

Hiên nay, huyện Nam Trà My tổ chức phiên chợ Sâm Ngọc Linh và các sản phẩm dược liệu miền núi của Quảng Nam mỗi tháng 1 lần. 

Về xúc tiến thương mại, du lịch liên quan đến Sâm Ngọc Linh, đến nay, tỉnh Quảng Nam đã hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất Sâm trên địa bàn tỉnh tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường trong nước và nước ngoài. Qua các đợt xúc tiến thương mại là cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất, chế biến Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh có điều kiện tham gia trên các diễn đàn kết nối giao thương với các nhà phân phối xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc có thế mạnh về chuyển đổi số nhằm phối hợp tổ chức hiệu quả các hoạt động để hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh tiết kiệm chi phí, rút ngắn khoảng cách và thời gian, tăng tốc độ và thời gian xử lý đơn hàng, tăng phạm vi và số lượng tiếp cận thị trường, khách hàng tiềm năng, góp phần đưa thương hiệu, sản phẩm Sâm Ngọc Linh của Quảng Nam tiếp cận và có chỗ đứng vững chắc ở thị trường trong và nước ngoài.

Bên cạnh công tác bảo tồn, tỉnh Quảng Nam hiện cũng xác định việc phát triển cây Sâm Ngọc Linh kết hợp các tour du lịch là một trong những điều kiện để thúc đẩy kinh tế vùng Sâm. Trong thời gian qua, huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) và huyện Tu M’rông (tỉnh Kon Tum) cũng định hướng xây dựng quần thể du lịch giữa 2 huyện. Trong giai đoạn 2015 - 2020, các huyện đã tổ chức một số buổi làm việc, trao đổi để xúc tiến triển khai dự án. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, hạ tầng cơ sở (như giao thông, điện, mạng thông tin liên lạc...) chưa đáp ứng, số lượng du khách tìm đến chưa nhiều, nhà đầu tư còn e ngại nên đến nay dự án vẫn chưa thành hiện thực. Tuy nhiên, về phía tỉnh Quảng Nam, để chủ động nắm bắt cơ hội, tranh thủ khai thác các lợi thế, trong giai đoạn 2015 - 2020 đã triển khai nhiều hoạt động như: Triển khai dự án xây dựng khu du lịch vùng Sâm Tắc-Ngo; Quy hoạch xây dựng làng văn hóa Mô Chai.

Những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ

Có thể nói, công tác bảo tồn, phát triển cây Sâm Ngọc Linh trong thời gian qua tại Quảng Nam đã đạt được một số kết quả bước đầu. Tuy nhiên, nhiều khó khăn, vướng mắc đã được bộc lộ, cần có giải pháp để giải quyết. Theo UBND tỉnh Quảng Nam, với việc ngày 18/01/2024, Quốc hội thông qua Luật Đất đai số 31/2024/QH15, trong đó có sửa đổi một số điều của Luật Lâm nghiệp năm 2017. Theo quy định tại khoản 7, khoản 8 và khoản 9, Điều 248, Luật Đất đai năm 2024 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2024) quy định nội dung cho thuê môi trường rừng trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất để nuôi, trồng phát triển cây dược liệu. Tuy nhiên, Luật này chưa có quy định về trình tự thủ tục về hồ sơ, quy định về thời gian thuê, mức giá thuê và hạn mức thuê để nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất, làm cơ sở để tổ chức triển khai thực hiện tại địa phương.

Cùng với vướng mắc trên, theo Nghị định số 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ, tại Phụ lục Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thì Sâm Ngọc Linh (tự nhiên) thuộc nhóm IA do Cơ quan quản lý CITES cấp mã số cơ sở nuôi, trồng vì mục đích xuất khẩu. Tuy nhiên cho đến nay, chưa có văn bản hướng dẫn, quy định cụ thể để xác định thế nào là Sâm Ngọc Linh (tự nhiên) và Sâm Ngọc Linh nuôi trồng nhân tạo. Do đó, rất khó khăn trong việc tham mưu, đề xuất cấp mã số cho cơ sở nuôi, trồng đối với Sâm Ngọc Linh (tự nhiên) và triển khai phát triển sản xuất, kinh doanh, hướng đến xuất khẩu đối với Sâm Ngọc Linh nuôi trồng nhân tạo. Qua đó, ảnh hưởng đến việc phát triển sản xuất, quản lý cây Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh.

Vì có giá trị kinh tế cao nên hiện trên thị trường có nhiều loài Sâm Ngọc Linh giả.

Một vướng mắc nữa là tại Việt Nam hiện chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc cấp, quản lý mã số vùng trồng cho cây Sâm Ngọc Linh và các loài cây dược liệu khác trồng trên đất lâm nghiệp, dưới tán rừng tự nhiên (chỉ có văn bản hướng dẫn này quy định các yêu cầu về cấp và quản lý mã số vùng trồng đối với lĩnh vực trồng trọt).

Ngoài ra, hiện tỉnh Quảng Nam cũng đã có nhiều cơ chế, chính sách nhằm phát triển Sâm Ngọc Linh tại địa phương nhưng chưa đủ mạnh; khả năng thu hút đầu tư, phát triển, xây dựng hình thành các nhà máy, khu công nghiệp dược còn nhiều hạn chế. Tỉnh cũng chưa hình thành được các vùng sản xuất dược liệu nguyên liệu tập trung theo GACP. Về chế biến, Quảng Nam chỉ mới ở mức sơ chế ban đầu, chưa có chế biến sâu; sản phẩm chưa có thương hiệu nên chưa tạo được lòng tin của người tiêu dùng trong việc sử dụng các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh. Vấn đề mấu chốt là chưa có sự tham gia của tập đoàn kinh tế lớn với tiềm lực đủ mạnh trong việc trồng, phát triển và chế biến cây Sâm Ngọc Linh. Đây đang là đòi hỏi lớn để Quảng Nam phát triển và đa dạng hoá các sản phẩm làm ra từ cây dược liệu quý Sâm Ngọc Linh mà địa phương đang sở hữu.

Cạnh đó, nguồn nhân lực đầu tư cho việc nghiên cứu, phát triển Sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam còn mỏng, đa số là kiêm nhiệm nên khó khăn trong việc hỗ trợ phát triển dược liệu nói chung, cây Sâm Ngọc Linh nói riêng. Việc đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển cây Sâm Ngọc Linh chưa nhiều.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, việc bảo tồn và phát triển cây Sâm Ngọc Linh của tỉnh vẫn chưa thể triển khai một cách bài bản, phát triển manh mún, mạnh ai nấy làm và chưa thể phát triển thành hàng hóa. Việc xác định cây Sâm Ngọc Linh hiện nay còn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm là chính, chưa được đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất, hạ tầng để kiểm định, phân định rõ ràng. Từ đó, tình trạng Sâm Ngọc Linh giả vẫn còn diễn ra thường xuyên và phức tạp ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng cây Sâm Ngọc Linh.

Bên cạnh công tác trồng, sản xuất thì việc đồng bộ các công trình về kết cấu hạ tầng giao thông thực hiện liên kết vùng Sâm chủ yếu dựa vào nguồn lực địa phương nên còn rất nhiều hạn chế; chưa đảm bảo và tương xứng với nhu cầu phát triển hàng hoá, du lịch và kêu gọi các nguồn đầu tư đủ mạnh để phát triển vùng Sâm Ngọc Linh.

Do vậy, từ thực tế đặt ra là cần phải có một cơ chế, chính sách và nguồn lực đủ mạnh để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển tiềm năng vùng nguyên liệu và thu hút các doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây Sâm Ngọc Linh, từ đó mới hình thành được Trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam theo chủ trương và đề án đang được Bộ Y tế và tỉnh Quảng Nam triển khai thực hiện và Chương trình phát triển Sâm Việt Nam tại Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 01/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Tỉnh Quảng Nam và tỉnh Kon Tum đang phối hợp đưa du lịch tham quan, trải nghiệm vùng sâm thành các tour, tuyến du lịch. 

Do đó, theo UBND tỉnh Quảng Nam, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần có chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc có liên quan đến cây Sâm Ngọc Linh, trong đó có việc quan tâm, chỉ đạo sơ kết thực hiện Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 01/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, làm cơ sở cho các tỉnh đánh giá kết quả đạt được và có những kiến nghị về khó khăn, vướng mắc trong thời gian tới để thực hiện. Cần triển khai chủ trương đầu tư hạ tầng thủ phủ vùng Sâm Ngọc Linh, trong đó quan tâm đầu tư, nâng cấp Quốc lộ 40B (đoạn huyện Bắc Trà My - giáp tỉnh Kon Tum, dài 45 km), tỉnh Quảng Nam chịu kinh phí giải phóng đền bù (dự kiến kinh phí khoảng 1.500 tỷ đồng); đầu tư xây dựng tuyến đường chiến lược vùng Sâm Ngọc Linh (dài 60 km, dự kiến kinh phí khoảng 911 tỷ đồng).

Chính phủ có chủ trương trình Quốc hội ban hành Luật Sâm Việt Nam; kêu gọi và thu hút các tập đoàn lớn vào đầu tư phát triển Sâm tại Quảng Nam (Vingroup, TH True milk,...); chọn 1 ngày trong năm người dân Việt Nam dùng Sâm Việt Nam (đề xuất ngày 01/8 hằng năm).

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm quan tâm hướng dẫn việc thuê dịch vụ môi trường rừng trồng Sâm Ngọc Linh và dược liệu theo Điều 248, Luật Đất đai năm 2024. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất tổ chức Lễ hội Sâm quốc gia tại Quảng Nam vào năm 2025 - Chương trình phát triển du lịch Sâm Việt Nam. Bộ Y tế sớm thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển và hình thành Trung tâm Công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với Sâm Ngọc Linh là cây chủ lực; có cơ chế đưa sản phẩm Sâm Việt Nam vào bảo hiểm y tế; đánh giá hội dược điển về các tiêu chuẩn Sâm Ngọc Linh. Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất các đề tài, chương trình nghiên cứu về Sâm Ngọc Linh (di thực sâm xuống độ cao thấp hơn có điều kiện tương đồng, công nghiệp sâm,...)./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực