Trồng sen mùa lũ lãi hơn 100 triệu đồng/ha

Thứ sáu, 02/12/2016 14:54
Mùa lũ đã rút nhưng giá gương sen ở tỉnh Đồng Tháp tăng rất cao, hiện ở mức 40.000-50.000 đồng/kg nhưng không có để bán do tỉnh Đồng Tháp đang có nhiều cơ sở sản xuất các sản phẩm từ sen như thành phố Cao Lãnh có cơ sở sản xuất sữa hạt sen công suất thiết kế 500 lít sản phẩm/giờ.

Người dân thu hoạch gương sen. Ảnh: VOV

Bên cạnh còn xuất hiện các quán ẩm thực sen và các sản phẩm từ sen như hạt sen sấy khô, tim sen, rượu sen ở huyện Tháp Mười…

Toàn huyện Tháp Mười có diện tích trồng sen gần 300 ha, nhiều nhất tỉnh. Các xã tập trung trồng nhiều sen nhất là Mỹ Quí, Mỹ Đông, Láng Biển, Mỹ An, Mỹ Hòa. Vừa qua sen Tháp Mười đã được công nhận nhãn hiệu do Cục Sở hữu trí tuệ (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) chứng nhận. Từ đây những hộ trồng sen trong huyện vào hợp tác xã để việc tiêu thụ sản phẩm đi vào ổn định. Đồng thời, phát triển nhân rộng ra thêm nhiều diện tích và đặc biệt là tạo thương hiệu cho sản phẩm từ cây sen.

Theo anh Lê Văn Ngọt ở xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, bình quân mỗi héc ta trồng sen trong mùa này, trừ chi phí còn lãi hơn 100 triệu đồng.

Anh Lê Văn Ngọt cho biết thêm, anh trồng 4 ha sen, sau khi trừ chi phí 1 năm lãi hơn 300 triệu đồng. Diện tích sen hiện có anh còn làm dịch vụ du lịch, mở quán cho khách đến tham quan, thưởng thức các món ăn từ sen, tính ra lãi thêm gấp 2-3 lần trồng sen.

Bà Phạm Thị Mười ở thị trấn Mỹ An, trồng giống sen Đài Loan nghịch vụ trên diện tích 2,4 ha. Bình quân mỗi ngày bà thu hoạch gần 100 kg gương sen. " Sen hút hàng, thương lái kéo về hỏi mua nườm nượp, nhưng không còn để bán. Trước mùa lũ thương lái đến tận nhà mua với giá 20.000 - 25.000 đồng/kg. Năm nay giá sen tương đối cao nên gia đình thu được lãi khá" - bà Mười cho biết.

Mô hình sen - lúa tại Tháp Mười phù hợp cả trong điều kiện ngập nước lẫn khô hạn, thích nghi với biến đổi khí hậu. Trồng sen ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên ít tổn hại cho môi trường.

Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết, mô hình trồng hai vụ sen, một vụ lúa hoặc trồng sen một vài năm rồi chuyển sang trồng lúa để cải tạo đất rất phù hợp với vùng Đồng Tháp Mười. UBND huyện Tháp Mười tiếp tục mở rộng quy hoạch và tăng diện tích hơn 300 ha vì đây là mô hình chuyển đổi cây trồng lãi cao hơn trồng lúa./.

Nguyễn Văn Trí/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực