Vĩnh Long: Tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội

Thứ bảy, 06/07/2024 15:05
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Báo cáo kết quả việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội từ UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long (GRDP) 6 tháng năm 2024 ước đạt 19.768 tỷ đồng, tăng 4,77% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của tỉnh ước trên 78.324 tỷ đồng, tăng 5,62%.
 6 tháng đầu năm, kinh tế của tỉnh đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ và tăng đều cả 3 khu vực (Ảnh: Đức Minh)

Thu ngân sách nhà nước 3.801 tỷ đồng, tăng 16%; trong đó thu nội địa đạt 63% dự toán, tăng 23%. Tổng kim ngạch xuất khẩu 425 triệu USD, tăng 23%; tổng trị giá nhập khẩu 197 triệu USD, tăng 14,7%…

Đến nay, tỉnh Vĩnh Long có 3/7 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, chiếm 42,8%; có 75/87 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, chiếm 86% trên tổng số xã toàn tỉnh và 17/20 phường đạt chuẩn văn minh, đạt 85% trên tổng số phường.

Trong công tác xây dựng hệ thống chính trị, Tỉnh ủy đã Ban hành Chỉ thị triển khai lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức Đại hội chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở nhiệm kỳ 2024 - 2027; thành lập Ban Chỉ đạo Đại hội các cấp tỉnh Vĩnh Long và các tiểu ban của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long nhiệm kỳ 2025 - 2030; kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 tại các đảng bộ cấp huyện và đảng bộ cấp xã. Bên cạnh đó, Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tập trung hướng về cơ sở, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời, kinh tế 6 tháng đầu năm của tỉnh tăng trưởng thấp hơn so với các tỉnh, thành phố trong khu vực. Nguyên nhân là do một số ngành, lĩnh vực sản xuất vẫn còn khó khăn, phục hồi chậm; việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp để đầu tư sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng còn thấp; doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm, doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng; tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp so với kế hoạch...

Trong thời gian tới, các cấp, các ngành đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, nhất là tiếp tục phát huy hiệu quả Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực.

Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết năm 2024 đề ra, thời gian tới các cấp, các ngành, địa phương tập trung ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ, chính sách thuế để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Song song đó, tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; phát triển mạnh nông nghiệp sinh thái, xanh, hữu cơ thích ứng với biến đổi khí hậu, thúc đẩy xuất khẩu nông sản.

Các cấp, các ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ lập và phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành hồ sơ triển khai xây dựng các công trình, dự án trọng điểm, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và giải ngân vốn đầu tư công; tiếp tục thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, người có công với cách mạng, phấn đấu đến cuối năm 2024 hộ nghèo giảm xuống còn dưới 0,02%; tiếp tục kiện toàn bộ máy hành chính Nhà nước từ tỉnh đến cơ sở tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới quản lý công vụ, công chức, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ phẩm chất, năng lực, liêm chính, thực thi đúng chức trách nhiệm vụ...

Đức Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực