Tri ân bằng cả tấm lòng

Thứ ba, 18/07/2017 10:25
(ĐCSVN) - Tháng 7 lại về. Cùng với dòng người đi trong ngan ngát khói hương ở Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc… có những cán bộ, chiến sĩ đến từ Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn (Binh chủng Công binh). Họ đến đây với mong muốn được tri ân những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân.


Cán bộ, hội viên phụ nữ Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn 
dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. 

Sau khi làm việc với trợ lý chính sách nhằm kiểm tra tiến độ tổ chức các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2017), Trung tá Dương Văn Chúc, Chủ nhiệm Chính trị Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn chia sẻ với chúng tôi: Năm nay, ngoài hoạt động dâng hương tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang, đơn vị còn phối hợp với các  cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức đa dạng các hoạt động tri ân đối với các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ năm nay, Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đã phối hợp vận động Quỹ khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) xây tặng 5 nhà tình nghĩa và trao tặng 20 suất quà cho các đối tượng chính sách, nạn nhân bom mìn; cùng với các cơ quan, đơn vị, nhà trường trong Binh chủng Công binh trao tặng 221 suất quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo, nạn nhân bom mìn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Bên cạnh đó, Trung tâm còn tổ chức thăm, tặng quà 36 gia đình chính sách tiêu biểu trên địa bàn đóng quân và khu vực làm nhiệm vụ, đồng thời tổ chức gặp mặt, tặng quà thương binh, thân nhân liệt sĩ đang công tác tại trung tâm.

Là đơn vị đầu ngành toàn quân, làm tham mưu cho Binh chủng Công binh và Bộ Quốc phòng về kỹ thuật dò tìm, xử lý bom mìn, vật nổ; huấn luyện nhân viên chuyên môn kỹ thuật chuyên ngành; tổ chức nghiên cứu, ứng dụng, trực tiếp triển khai việc dò tìm và xử lý bom mìn, vật nổ nên đội ngũ cán bộ, nhân viên của đơn vị luôn có sự thấu hiểu, sẻ chia với các quân nhân bị thương bởi bom mìn, vật nổ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Những hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” mỗi dịp 27/7 hằng năm đều chú trọng hướng đến những đối tượng này.

Trong câu chuyện liên quan đến những ngôi nhà tình nghĩa, các cán bộ của Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn cho biết: Năm 2016, đơn vị đã khánh thành và trao tặng nhà tình nghĩa cho thương binh Nguyễn Huy Mạnh. Anh Mạnh nguyên là binh nhất, thuộc Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Công binh 229 (Binh chủng Công binh), quê ở Từ Sơn (Bắc Ninh). Anh bị thương dẫn đến hỏng 2 mắt trong quá trình thực hiện nhiệm vụ rà phá bom mìn, vật nổ tại Tràng Định (Lạng Sơn) năm 2010.

Với 70 triệu đồng hỗ trợ của Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn, 30 triệu đồng gia đình đóng góp và địa phương cấp đất ở, ngôi nhà cấp 4 đã được khỏi công vào ngày 1/10/2016 và lễ khánh thành, trao tặng được tổ chức vào dịp 22/12 cùng năm. Ngôi nhà khang trang, kiên cố do Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn trao tặng là món quà ý nghĩa, thực sự trở thành nguồn động viên to lớn, giúp Nguyễn Huy Mạnh nỗ lực vượt lên thương tật, ổn định cuộc sống.

Đại úy Lưu Viết Tới, Trợ lý Cán bộ- chính sách, Phòng Chính trị Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn phấn khởi cho biết thêm, trong 6 tháng đầu năm 2017, hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” tiếp tục được đơn vị triển khai đúng tiến độ, mang lại hiệu quả thiết thực.

Trung tâm đã triển khai xây dựng và bàn giao 2 nhà tình nghĩa trên địa bàn tỉnh Hải Dương và tỉnh Bình Định với tổng số tiền 100 triệu đồng/nhà; tiếp tục chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tại Tổ 26, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng; thăm, tặng quà gia đình chính sách, nạn nhân bom mìn, hộ nghèo tại Hà Tĩnh với số tiền hàng chục triệu đồng.

Bằng sự quan tâm sâu sắc, tổ chức các hoạt động tri ân xuất phát từ sự thấu hiểu, sẻ chia và trách nhiệm, trong những năm qua cán bộ, chiến sĩ Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đã giúp đỡ các đối tượng chính sách vơi bớt khó khăn, vượt qua hoàn cảnh, ổn định cuộc sống. Qua các hoạt động thiết thực và giàu tính nhân văn ấy cũng góp phần tuyên truyền, giáo dục để mỗi cán bộ, chiến sĩ đơn vị ngày càng nhận thức sâu sắc và tiếp tục phát huy truyền thống đạo lý tốt đẹp  “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta./.

Hoàng Hà – Ngọc Lâm/qdnd.vn
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực