leftcenterrightdel
 

 

(ĐCSVN) - Để phục hồi kinh tế, có ba vấn đề lớn Chính phủ cần lưu ý. Thứ nhất, cần có khung, hướng dẫn mô hình phòng, chống dịch COVID-19. Thứ hai, lao động gắn với sự dịch chuyển. Thứ ba, dòng tiền, tài chính. Đặc biệt, lao động là vấn đề “đại sự” cho cả trước mắt và lâu dài mà Chính phủ cần ưu tiên. Bởi ngay với “đầu tàu” kinh tế lớn là TP Hồ Chí Minh, cũng phải mất vài năm mới lấy lại được nguồn lao động như trước khi xảy ra đại dịch.

leftcenterrightdel

Hiện hữu nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng nhân lực

Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố, lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tại thời điểm quý III/2021 ước tính là 43,2 triệu người, giảm 1,9 triệu người so quý II-2021 và giảm ba triệu người so cùng kỳ năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm trong độ tuổi lao động tăng cao nhất kể từ quý I/2020, với 2,91%. Đặc biệt, từ đầu tháng 10 này, khi TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố phía nam dần nới lỏng giãn cách xã hội, hàng chục ngàn người đã khăn gói về quê, chủ yếu là các tỉnh miền Tây Nam bộ, Tây nguyên, miền Trung... Rất đông trong số họ từng là lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, những nơi tổ chức các hoạt động sản xuất, kinh doanh quan trọng của đất nước.

Sự dịch chuyển không mong muốn này cũng đã được các chuyên gia và các đại biểu quốc hội đặt lên bàn các cuộc tọa đàm, thẩm tra để xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội cho năm tới và cho cả Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế 2021 - 2025. Trong báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, đợt dịch COVID-19 lần thứ tư đã thâm nhập và tác động lớn đến các địa bàn trọng điểm, trung tâm kinh tế, trung tâm công nghiệp lớn của cả nước. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, trong quý II-2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực, bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…

Theo đại biểu Quốc hội Đinh Ngọc Minh, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, sự bùng phát của dịch COVID-19 trong nửa đầu năm 2021, đặc biệt là ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường lao động. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ, lao động bị mất việc làm và thất nghiệp gia tăng, lực lượng lao động suy giảm, xu hướng dịch chuyển lao động từ thành phố về nông thôn, từ các tỉnh kinh tế trọng điểm về các địa phương khác gia tăng, gây mất cân đối cung - cầu lao động, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng nhân lực hiện hữu.

Thực tế, lao động khu vực thành thị chịu thiệt hại nhiều hơn và đã xuất hiện tình trạng người dân, lao động thiếu, mất việc làm do dịch, lao động nghèo, lao động tự do di chuyển tự phát từ vùng dịch về quê, gây không ít khó khăn cho cả nơi đến và nơi đi, nguy cơ làm mất cân đối cung - cầu trong ngắn hạn khi nền kinh tế tiến vào giai đoạn phục hồi. Ước năm 2021, cả nước có khoảng 49,3 triệu lao động đang làm việc trong nền kinh tế, giảm 1,4% so năm 2020; tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị dưới 4%. 

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương cho rằng, sau giãn cách xã hội, vấn đề lao động sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội cần đánh giá kỹ hơn về thực trạng và giải pháp khôi phục thị trường quan trọng này.

Theo TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), để phục hồi kinh tế, có ba vấn đề lớn Chính phủ cần lưu ý. Thứ nhất, cần có khung, hướng dẫn mô hình phòng, chống dịch COVID-19. Thứ hai, lao động gắn với sự dịch chuyển. Thứ ba, dòng tiền, tài chính. Riêng về lao động, đây là vấn đề “đại sự” cho cả trước mắt và lâu dài mà Chính phủ cần ưu tiên. Bởi ngay với đầu tàu kinh tế lớn là TP Hồ Chí Minh, cũng phải mất vài năm mới lấy lại được nguồn lao động như trước khi xảy ra đại dịch.

leftcenterrightdel

Vòng luẩn quẩn từ thiếu lao động đến thiếu việc

Vấn đề người lao động đang cố gắng rời khỏi TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh ở vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ là nghiêm trọng hơn những gì chúng ta đang thấy và nghĩ. Khi phải về quê để tạm lánh thì cũng có nghĩa là họ đã cạn sức để trụ lại. Thu nhập không đủ trang trải chi phí cuộc sống và bị bức bí một thời gian dài do giãn cách để phòng, chống dịch COVID-19 là hai lý do lớn nhất khiến người lao động đồng loạt muốn về quê. Nhưng nỗi lo lớn nhất là khi họ quay lại, việc làm có còn?

Thực tế, khi TP Hồ Chí Minh và một số địa phương thực hiện giãn cách để phòng, chống dịch COVID-19, quyết liệt thực hiện “ba tại chỗ”, “một cung đường hai điểm đến”, chỉ có một tỷ lệ nhỏ doanh nghiệp đủ điều kiện để thực hiện. Và rồi trong các doanh nghiệp này, một số cũng chịu không thấu khi giãn cách kéo dài, vì gánh nặng chi phí phát sinh để tuân thủ chính sách quá lớn.

Mùa sản xuất này cũng là mùa cao điểm cho hàng hóa tiêu dùng cuối năm ở các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, châu Âu cho nên các đơn hàng đã đặt không thể bị chậm trễ, các khách hàng thà chấp nhận tìm nhà máy mới hơn là phải đền bù hợp đồng. Thực tế, ở thời điểm này, các đơn hàng vẫn còn, nhưng lại thiếu lao động. Trong khi đó, khách hàng và đặc biệt là khách hàng quốc tế thì họ không thể đợi được. Một, hai tuần họ còn cố gắng nhưng nếu tính đến đơn vị bằng tháng thì họ phải chuyển sang kế hoạch dự phòng, nghĩa là chuyển đơn hàng đi qua nước khác, tuy chi phí lớn hơn nhưng thiệt hại cũng nhỏ hơn. Đến lúc này câu chuyện không còn là đơn hàng chờ, cần lao động mà dần dần đơn hàng càng giảm đi.

Đối với người lao động, nếu về quê và không tìm được việc, họ cũng sẽ quay lại thành phố và các khu công nghiệp khi tình hình dịch bệnh lắng xuống. Nhưng đến lúc đó, có còn các đơn hàng để các doanh nghiệp còn dành cơ hội chờ họ? Hay họ có đáp ứng được những yêu cầu mới của bên tuyển dụng?

Và dịch COVID-19 cũng đã ảnh hưởng đến thị trường lao động rất nhiều. Ngay cả ở những nền kinh tế có hỗ trợ tốt cho người lao động thì xu hướng thay đổi việc làm khiến cho cung cầu trên thị trường giai đoạn sau COVID-19 bị mất cân đối. Thí dụ như ngành dịch vụ ăn uống nhà hàng, sau khi mở cửa trở lại thì ngành này thiếu hụt lao động trầm trọng. Rất nhiều lao động thậm chí có thâm niên đã không muốn tiếp tục với nghề nghiệp và quyết định đi học để chuyển sang ngành khác. Điều này dẫn tới có ngành sẽ thiếu lao động, trong khi một số ngành khác thì số việc làm tạo mới không theo kịp nhu cầu tìm việc, khiến cho tỷ lệ thất nghiệp tăng vì chỗ cần không có, chỗ có không cần.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, để tình trạng người lao động đồng loạt tìm cách về quê tạm lánh là do chính quyền chưa thực sự hiểu và quan tâm đến người lao động. Sự cố gắng về kinh tế của họ là có giới hạn, khi không có đủ hỗ trợ thì phải ước tính được giới hạn chịu đựng của họ là bao nhiêu. Thí dụ như ước tính khoản tích cóp phòng thân của người lao động ở mức hai hay ba tháng thì nếu không có việc làm trong bao lâu thì họ hết sức chịu đựng. Với những lao động muốn về quê đợt này, bị giãn cách một thời gian dài với điều kiện sinh hoạt rất hạn chế thì sức ép về tâm lý là rất lớn. Chính vì vậy khi có quy định nới lỏng giãn cách thì dĩ nhiên họ sẽ tìm cách về quê ngay lập tức.

Nếu chính quyền hiểu được sức chịu đựng về kinh tế và tâm lý của những người lao động này, thì có lẽ sẽ có giải pháp phù hợp hơn. Chẳng hạn trước khi lệnh giãn cách kéo dài thêm, có thể cho người lao động có nguyện vọng về quê theo cách cuốn chiếu. Và quan trọng hơn là các địa phương quản lý người lao động trở về không theo cách cực đoan chống dịch - nghĩa là không có ca nhiễm. Với dịch COVID-19 hiện nay, kiểm soát để không có ca nhiễm là điều không thể. Các chỉ số quan trọng để kiểm soát COVID-19 là các ca nặng và tử vong, mà phần lớn người lao động muốn về quê đều trong độ tuổi rất trẻ, sức khỏe tốt nên nhóm này không có nguy cơ trở nặng hay tử vong cao.

Theo Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Quan hệ lao động (ERC) Đỗ Quỳnh Chi, vấn đề người lao động về quê là cực kỳ nhức nhối, bởi họ kiệt quệ về kinh tế, sức khỏe, tinh thần nên mới phải về. Điều này cũng tác động tới đứt gãy sản xuất, nếu không có hỗ trợ kịp thời thì người lao động không quay trở lại. Biện pháp hỗ trợ người lao động trong thời gian tới là cần mở rộng độ bao phủ tỷ lệ tiêm chủng vaccine cho người lao động. Các chính sách hỗ trợ cần nhanh chóng đến với người lao động trên thực tế.

leftcenterrightdel

Khó thu hút lao động trở lại sau dịch

Báo cáo của Tổng cục Thống kê vừa công bố đã cho thấy những chỉ số đáng lo trên thị trường lao động Việt Nam. Trong quý III/2021, diễn biến bất thường của đại dịch COVID-19 đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp tăng cao đột biến, vượt xa con số 2% như thường thấy. Thu nhập bình quân tháng của người lao động là 5,2 triệu đồng, sụt giảm nghiêm trọng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Lao động ở vùng Đông Nam Bộ chịu tổn thương nặng nề nhất với mức thu nhập giảm sâu.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, cả nước có hơn 1,3 triệu người lao động thất nghiệp, 1,3 triệu lao động đã về quê... Điều đó đồng nghĩa với thu hút lao động trở lại sau dịch trở nên rất khó khăn. 

Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP Hồ Chí Minh Phạm Xuân Hồng, cho biết hiện nay với các doanh nghiệp quy mô nhỏ khoảng 50-60 lao động thì việc tìm kiếm lao động dễ dàng hơn, còn với quy mô trên 1.000 lao động thì khá khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Thực tế, lương của lao động trong ngành dệt may nằm trong khoảng 8-10 triệu đồng, với mức lương như vậy, người lao động cũng rất khó khan. Người lao động đa phần phải thuê trọ, nên gần như số lương đó chỉ đủ phục vụ cho nhu cầu ăn ở, chi phí học hành của con cái. Đây chính là nguyên nhân khiến người lao động trở về quê. Mười năm trước, chúng tôi đã từng đề xuất với UBND TP Hồ Chí Minh để xin đất, xin quy hoạch nhằm xây ký túc xá cho công nhân. Tuy nhiên, sau đó kế hoạch này bị đổ vỡ vì chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng quá lớn.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, nguyên Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, để nối lại chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu… doanh nghiệp chỉ cần từ ba đến sáu tháng, còn nối lại chuỗi cung về lao động có thể kéo dài sáu tháng đến cả năm, thậm chí lâu hơn nữa. Vì vậy, tiến trình tái khởi động phục hồi nền kinh tế càng trở nên khó khăn hơn và nỗi gian truân đang đè nặng lên vai những người điều hành doanh nghiệp.

Hiện nay, với các doanh nghiệp FDI thì bài toán thu hút lao động lại càng trở nên căng thẳng vì số lượng lao động lên tới hàng nghìn, hàng trăm nghìn người. Hiện nay, các Tập đoàn lớn như Samsung, Intel... đã đang đặt mục tiêu khôi phục hoàn toàn hoạt động nhà máy tại TP Hồ Chí Minh vào cuối tháng 11. Để hỗ trợ doanh nghiệp, đại diện Ban Quản lý khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh cho biết đang cố gắng hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp. Trước đó, vào tháng 7, Samsung đã đóng cửa ba trong số 16 phân xưởng của doanh nghiệp này tại Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh./.

Bài 2: Nỗ lực nối lại chuỗi lao động bị "đứt gãy"

Bài 3: Linh hoạt giữ lao động ở lại

Bài 4 Chủ động ổn định chuỗi cung ứng nhân lực 

 
Minh Phương
25/10/2021 17:39