Khách du lịch tham quan vịnh Lan Hạ (Ảnh Hoàng Tản)
Tiềm năng du lịch Cát Bà
Quần đảo Cát Bà với 388 đảo lớn, nhỏ không chỉ có vị trí địa lý thuận lợi trong giao lưu kinh tế với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ mà còn ở vị trí cửa ngõ thông thương với vận tải biển quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh - quốc phòng, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Nhờ sự đa dạng sinh học cao, quần đảo Cát Bà đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2004, được Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định xếp hạng là di tích danh lam thắng cảnh đặc biệt quốc gia vào tháng 12-2013.
Có thể khẳng định rằng tiềm năng, lợi thế về du lịch trên quần đảo Cát Bà là rất lớn. Thiên nhiên đã ban tặng cho Cát Bà những thắng cảnh đẹp hoang sơ độc đáo của một vùng biển đảo thơ mộng. Không khí Cát Bà trong lành, mát mẻ, cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ với những dãy núi đá vôi trùng điệp xen kẽ những tùng áng và hang động huyền bí. Các ngọn núi trên quần đảo Cát Bà có độ cao trung bình khoảng 200m so với mực nước biển, cao nhất là đỉnh Cao Vọng 331m, thấp nhất là Áng Tôm thấp hơn mặt nước biển 30m. Quần đảo Cát Bà có hàng trăm bãi tắm với những dải cát mịn, nước trong xanh và yên lành như: Cát Cò, Cát Tiên, Tùng Thu, Vạn Bội, Cát Dứa, Cát Vàng… các hang động gắn liền với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của ông cha như: Thiên Long, Hoa Cương, Trung Trang, Quân Y, và các vịnh đẹp như: vịnh Lan Hạ, Bến Bèo, Cát Bà, Tùng Thu… Biển Cát Bà thơ mộng với những rạn san hô, bãi tắm mini cát vàng óng ả và những đảo nhỏ với nhiều hình thù kỳ dị tạo nên một bức tranh thủy mặc hữu tình....
Vườn Quốc gia Cát Bà rộng 15.200 ha với hệ thống động thực vật vô cùng phong phú, là nơi lưu giữ những nguồn gen quý hiếm có trong sách đỏ thế giới mà đặc trưng là loài Voọc Cát Bà và cây kim giao. Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà đã được ghi nhận là “Phòng thí nghiệm học tập về sự phát triển bền vững” đầu tiên trên thế giới về các giá trị đa dạng sinh học, với 3.154 loài động vật và thực vật; trong đó, có 60 loài thực vật và 22 loài động vật quý hiếm, đặc hữu có tên trong sách đỏ Việt Nam, có 29 loài thực vật và 7 loài động vật trong sách đỏ thế giới. Các loài đặc hữu, quý hiếm, đang bị đe doạ về sự tồn vong, về động vật gồm có: Voọc Cát Bà, Sơn Dương, Thạch sùng mí Cát Bà; về thực vật có: Tuế Hạ Long, Chò Đãi, Kim Giao, Lát Hoa ...
Quần đảo Cát Bà là mẫu hình tốt nhất về tập trung cao của các hệ sinh thái nhiệt đới, cận nhiệt đới điển hình vượt trội so với các khu vực khác của Châu Á như hệ sinh thái đảo đá vôi điển hình lớn nhất vùng Châu Á, rừng mưa nhiệt đới nguyên sinh rộng lớn trên đảo đá vôi, rừng ngập mặn, san hô, vùng triều, hồ nước mặn, thảm cỏ biển, hệ thống các hang động, tùng áng. Những hệ sinh thái này trải khắp địa hình đa dạng và phức tạp, tiêu biểu như khu vực Trung tâm Vườn Quốc gia Cát Bà, Ao Ếch, Đồng Công và vịnh Lan Hạ.
Vùng đất cổ Cát Bà được hình thành từ cuối nguyên đại cổ sinh sớm (cách ngày nay khoảng 410 triệu năm). Các tài liệu khảo cổ học đã xác nhận Cát Bà là một trong những nơi có người nguyên thuỷ sinh sống. Người cổ Cát Bà chính là một bộ tộc thành viên của người Lạc Việt, cư dân của quốc gia Văn Lang, Âu Lạc sau này. Cát Bà có 77 địa điểm khảo cổ đã được phát hiện và khảo sát có các di chỉ nổi tiếng như: Cái Bèo, Bãi Bến, Cát Đồn cùng nhiều di chỉ có giá trị khác như: Tùng Gôi, Ao Cối, Đồng Công, Hang Dơi, Eo Bùa … Đây cũng là một trong những tiềm năng du lịch mà ít nơi nào có được.
Xây dựng Cát Bà xanh
Nhằm phát huy lợi thế từ tiềm năng du lịch, thu hút ngày càng đông du khách đến Cát Bà, những năm qua huyện Cát Hải đã coi trọng công tác tuyên truyền quảng bá danh lam thắng cảnh thông qua các phương tiện truyền thông từ trung ương đến địa phương. Nhằm thu hút khách đến du lịch quanh năm, hàng năm huyện tổ chức hội thảo xúc tiến du lịch Cát Bà xanh – điểm hẹn mùa thu nhằm kết nối du lịch Cát Bà với các doanh nghiệp lữ hành trong cả nước và đẩy mạnh liên kết tour, tuyến du lịch vùng, khu vực đến với Cát Bà. Huyện cũng đã tích cực tham gia các sự kiện, hội chợ thương mại du lịch để quảng bá sản phẩm du lịch có thương hiệu truyền thống, như: cá Song, Tu hài, cá Thu một nắng, mật ong hoa rừng Cát Bà, nước mắm Cát Hải. Huyện còn chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng như dê núi Cát Bà, gà liên Minh ( xã Trân Châu), cam Gia Luận, khoai sọ Mùn ốc ( xã việt Hải)...
Công tác đầu tư kết cấu hạ tầng được đẩy mạnh. Những năm qua Thành phố Hải Phòng và huyện Cát Hải đã chủ động thu hút các nhà đầu tư vào Cát Bà đáp ứng nhu cầu phục vụ du lịch. Ông Bùi Trung Nghĩa – Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Cát Hải cho biết: Thực hiện chủ trương và nghị quyết về định hướng phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành du lịch nói riêng, trong những năm qua huyện Cát Hải đã tập trung quảng bá và mời gọi các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đến triển khai các dự án đầu tư, trong đó đặc biệt ưu tiên đối với các nhà đầu tư chiến lược và có tiềm lực mạnh. Với khả năng và thẩm quyền của mình, huyện đã luôn cố gắng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, như : Giới thiệu các địa điểm phù hợp và thuận lợi để thực hiện dự án; Thực hiện tốt công tác đền bù giải phóng mặt bằng để đảm bảo luôn bàn giao mặt bằng sạch, đúng hoặc trước tiến độ yêu cầu của các nhà đầu tư; Đảm bảo tốt công tác an ninh trật tự trong suốt quá trình triển khai và hoạt động của dự án...
Cho đến nay, Cát Bà đã có 189 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch với 3.476 phòng và 3.800 lao động phục vụ du lịch mùa cao điểm. Điều đáng ghi nhận là số lượng khách sạn, nhà hàng đạt tiêu chuẩn chất lượng được công nhận tăng cao, trong đó có 37 cơ sở được thẩm định xếp hàng từ 1 - 4 sao. Các hoạt động bổ trợ du lịch như khu vui chơi, giải trí về đêm, ven biển được khảo sát và chấp nhận chủ trương đầu tư. Nhiều dự án khác cũng được triển khai, như: Dự án đầu tư nâng cấp mở rộng cầu cảng Cái Bèo, các nhà chờ giành cho khách tại bến tàu, bến xe, trung tâm hướng dẫn du lịch. Khảo sát chỉnh trang khu đô thị trung tâm du lịch hiện đại; nâng cấp sân khấu trung tâm, một màn hình Led 100m2 được đầu tư để phục vụ các sự kiện, nhiệm vụ chính trị, văn hóa xã hội và giải trí cho du khách khi đến với đảo.. Đặc biệt, tại Cát Bà có nhiều khu nghỉ dưỡng kiểu Resort - Monkey Island Resort với những khu nhà truyền thống tranh, tre, nứa, lá như: khu du lịch Nam Cát, khu du lịch Cát Dứa 2, bãi Cát ông, CatBa beach resort…. Các dịch vụ ở đây rất tiện ích và thân thiện với môi trường tạo nên một nét riêng của quần đảo. Những năm qua, các khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng cũng đã không ngừng chú trọng nâng cao chất lượng phục vụ, mở rộng thêm các dịch vụ phục vụ ăn uống, khu vui chơi giải trí như tắm hơi, vật lý trị liệu, vũ trường, quán bar… Các doanh nghiệp làm dịch vụ vận chuyển hành khách phát triển ngày càng nhiều và đa dạng hơn. Đến nay, toàn huyện có 5 tuyến tàu, xe từ đất liền ra đảo và ngược lại. Trong đó phải kể đến các loại hình cao cấp như tàu cao tốc của công ty Cổ phần du lịch đảo Cát Bà, xe ô tô kết hợp tàu thủy cao tốc của Công ty vận tải Hoàng Long, Công ty TNHH vận tải du lịch Cát Bà, Công ty cổ phần vận tải Hadeco… qua đó đã rút ngắn thời gian cho du khách đi từ Hà Nội – Hải Phòng – Cát Bà, Quảng Ninh - Cát Bà và ngược lại. Hệ thống thông tin liên lạc, điện, nước, đường giao thông cũng được mở rộng, nâng cấp đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch ngày càng hiện đại. Công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được coi trọng đảm bảo an toàn cho du khách khi đến Cát Bà.
Công tác quản lý về du lịch được đổi mới, tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong quản lý kinh doanh du lịch, dịch vụ tạo hành lang pháp lý và môi trường kinh doanh lành mạnh. Ông Vũ Tiến Lập – Trưởng phòng VHTTTT&DL huyện Cát Hải cho biết: Phòng đã tham mưu cho UBND huyện thành lập Đội kiểm tra về lĩnh vực Văn hóa – Du lịch, kiểm tra vệ sinh môi trường và thường xuyên tổ chức kiểm tra các hoạt động Văn hóa – du lịch môi trường trên địa bàn, nhất là vào những tháng cao điểm về du lịch tại Trung tâm du lịch Cát Bà; duy trì hoạt động hiệu quả đường dây nóng; hướng dẫn các nhà hàng, khách sạn, các phương tiện vận chuyển khách thực hiện công khai niêm yết giá và bán theo giá niêm yết nhằm hạn chế tình trạng chèo kéo, ép giá, cò mồi. Phòng còn tham mưu tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch và cấp chứng chỉ nghề cho nhân viên trên các tàu du lịch và nhà hàng, khách sạn; triển khai gắn máy định vị cho các tàu du lịch nhằm tăng cường công tác quản lý, hạn chế tình trạng cắt tour, tuyến thăm quan làm ảnh hưởng đến lịch trình thăm vịnh của du khách.
Công tác bảo vệ tài nguyên, giữ gìn cảnh quan môi trường và khai thác bền vững giá trị tài nguyên sẵn có cũng được coi trọng đảm bảo vừa phát triển du lịch, vừa bảo tồn giá trị thiên nhiên khu Dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà, từng bước khai thác tốt giá trị tiềm năng sinh thái, gắn bảo tồn với phát triển du lịch sinh thái bền vững. Những năm qua, huyện Cát Hải đã chú trọng đầu tư cải thiện môi trường như: hàng năm phát động trong toàn huyện từ 5 đến 6 đợt ra quân bảo vệ môi trường vì huyện đảo xanh sạch đẹp, thu hút sự tham gia và ủng hộ từ cả phía người dân và du khách; thực hiện sự chỉ đạo của HĐND, UBND thành phố huyện Cát hải cũng đã đẩy mạnh việc di dời, sắp xếp lại lồng bè trên Lan Hạ, cải tạo hệ thống thu gom, xử lý nước thải khu vực trung tâm du lịch… Đến nay, hoạt động này đã đạt được kết quả khá toàn diện, trả lại vẻ đẹp vốn có cho vịnh Lan Hạ, góp phần phục vụ khách du lịch tốt hơn, tạo đà cho phát triển ngành công nghiệp không khói nơi đây.
Song song với việc đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, thành phố Hải Phòng chỉ đạo sát sao huyện Cát Hải xây dựng thương hiệu du lịch Cát Bà trên cơ sở phát huy tốt những lợi thế về cảnh quan, đa dạng sinh học để phát triển du lịch bền vững; xác định, mở rộng và nâng cao chất lượng phục vụ với 8 tour, tuyến thăm quan, nhất là thăm quan vịnh Lan Hạ, Pháo đài Thần công, khu du lịch Suối Gôi, leo núi mạo hiểm tại xã Trân Châu, du lịch cộng đồng tại 5 điểm xã nông thôn mới. Nếu như trước kia du lịch Cát Bà thường chỉ tập trung ở trung tâm thị trấn Cát Bà với loại hình chính là nghỉ dưỡng, tắm biển và thăm vịnh thì những năm gần đây huyện Cát Hải đã quan tâm phát triển mạng lưới du lịch cộng đồng tới tất cả các xã trên đảo Cát Bà nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương với các loại hình du lịch hấp dẫn như leo núi, du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái cộng đồng, thăm quan rừng, biển. Huyện đã chỉ đạo thành lập Trung tâm du lịch cộng đồng tại các xã trên đảo và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư xây dựng các điểm du lịch tại các xã như Xuân Đám, Hiền Hào, Trân Châu, Gia Luận, Phù Long, Việt Hải. Hiện tại, các xã này đã có nhiều nhà đầu tư đến xây dựng các khu nghỉ dưỡng, điểm thăm quan và dịch vụ ăn uống như khu du lịch sinh thái Suối Gôi xã Xuân Đám, khu du lịch sinh thái Quốc Hưng xã Hiền Hào, Trung tâm sinh hoạt Du lịch cộng đồng xã Phù Long và Viet Hai Village ở xã Việt Hải. Đến đây du khách còn được trải nghiệm tại các vườn đồi, thung áng với những vườn cây trái trù phú như vườn vải Hiền Hào, Vườn cam Gia Luận, vườn rau xuân Đám, Việt Hải, rừng ngập mặn Phù Long… kết hợp thăm quan hang động như hang Thiên Long xã Phù Long, động đá Hoa Cương xã Gia Luận, hang Quân y xã Trân Châu, hang Trung trang… Du lịch sinh thái tại các xã trên đảo Cát Bà đã tạo nên các tuyến du lịch độc đáo được du khách ưa thích, nhất là khách quốc tế.
Nhờ những nỗ lực trên mà du lịch Cát Bà thời gian qua liên tục tăng trưởng. Riêng năm 2015, Cát Bà đón và phục vụ 1.568.000 lượt khách. Tổng doanh thu từ du lịch - dịch vụ năm 2015 đạt 769 tỷ đồng; năm 2016, có 1.722.000 lượt khách đến Cát Bà, trong đó khách quốc tế đạt 385.000 lượt; gấp 15,3 lần so 10 trước.
Du lịch Cát Bà trên đường hội nhập
Với chủ trương phát triển du lịch Cát Bà bền vững thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, huyện Cát Hải đã định vị và xây dựng thương hiệu Cát Bà xanh, đẳng cấp quốc tế. Trong những năm tới với nhiều công trình dự án quốc gia sẽ mở ra nhiều triển vọng mới cho du lịch Cát Bà khi mà Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng đi vào hoạt động, và năm 2017 khi cầu Tân Vũ được khánh thành sẽ là điều kiện thuận lợi cho du khách khi đến Cát Bà khi không còn phải qua tuyến phà Đình vũ mất nhiều thời gian như hiện nay.
Cũng trong năm 2017, Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà sẽ đón nhiều tập đoàn lớn đầu tư phát triển du lịch tại đây, mà trong đó điển hình là Tập đoàn Sun Group với nhiều dự kiến sẽ đầu tư xây dựng quần thể nghỉ dưỡng, sinh thái cao cấp và vui chơi giải trí tại đảo Cát Hải, Cát Bà sẽ khai thác được triệt để các tiềm năng về du lịch.
Nói về những triển vọng du lịch Cát Bà trong tương lai ông Bùi Trung Nghĩa – Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Cát Hải khẳng định: Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Thành uỷ, HĐND, UBND thành phố Hải Phòng, sự quyết tâm và tâm huyết phát triển du lịch Cát Bà của các nhà đầu tư, cùng với việc luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu của huyện, cộng với sự hỗ trợ giúp đỡ của nhân dân toàn huyện ..., chắc chắn quần đảo Cát Bà sẽ sớm phát triển thành khu trung tâm du lịch của cả nước và quốc tế trong tương lai gần ./.