Phát triển TP Hồ Chí Minh thành một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế

Chủ nhật, 06/02/2022 09:41
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - TP Hồ Chí Minh đã và đang đáp ứng đủ nhu cầu hình thành một trung tâm tài chính khu vực và quốc tể bởi nơi đây đã ra đời của thị trường chứng khoán Việt Nam và là nơi tập trung các chi nhánh và văn phòng đại diện của hơn 30 ngân hàng thương mại nội địa và 50 ngân hàng nước ngoài, các công ty tài chính, các quỹ đầu tư, các công ty chứng khoán và các tổ chức tài chính quốc tế.
 Khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh.  (Ảnh: VNE)

Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh hiện đóng góp 22,3% GDP, chiếm gần 27% ngân sách quốc gia, thu hút gần 34% dự án FDI của cả nước... Với các đặc trưng này, TP Hồ Chí Minh xứng đáng để hình thành một trung tâm tài chính quốc tế.

Trong bài phát biểu khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề ra những dấu mốc phát triển quan trọng của đất nước trong những thập niên sắp tới. Cụ thể, đến năm 2025, Việt Nam sẽ vượt qua nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nhiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Để đạt được những mục tiêu trên, Việt Nam phải có những bước phát triển đột phá về kinh tế trong 2 thập kỷ tới. Và việc xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế là điều cần thiết để tạo một cơ sở vật chất với quy mô lớn và là nơi tập trung các giao dịch tài chính với sự tham gia của các tổ chức tài chính trong và ngoài nước.

Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ: “Lựa chọn một số điểm, đô thị, vùng có lợi thế đặc biệt để xây dựng trung tâm tài chính với thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù có tính đột phá, có khả năng cạnh tranh quốc tế cao” và “Phát triển có hiệu quả các đô thị lớn và vùng TP Hồ Chí Minh; nghiên cứu và thiết lập cơ chế đặc thù thúc đẩy phát triển TP Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính quốc tế”.

Căn cứ vào đặc điểm tình hình và hoàn cảnh thực tế, có thể thấy, hiện nay, TP Hồ Chí Minh đã và đang đáp ứng đủ nhu cầu hình thành một trung tâm tài chính khu vực và quốc tể bởi nơi đây đã ra đời của thị trường chứng khoán Việt Nam và là nơi tập trung các chi nhánh và văn phòng đại diện của hơn 30 ngân hàng thương mại nội địa và 50 ngân hàng nước ngoài, các công ty tài chính, các quỹ đầu tư, các công ty chứng khoán và các tổ chức tài chính quốc tế. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh hiện đóng góp 22,3% GDP, chiếm gần 27% ngân sách quốc gia, thu hút gần 34% dự án FDI của cả nước....Với vị thế này, TP Hồ Chí Minh xứng đáng để có một trung tâm tài chính quốc tế.

Tận dụng lợi thế đặc thù của TP Hồ Chí Minh

TP Hồ Chí Minh là thành phố lớn nhất tại Việt Nam về dân số và quy mô đô thị hóa. Đây còn là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và giáo dục tại Việt Nam. TP Hồ Chí Minh là thành phố trực thuộc Trung ương thuộc loại đô thị đặc biệt của Việt Nam cùng với thủ đô Hà Nội. Nằm trong vùng chuyển tiếp giữa Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, thành phố hiện có 16 quận, 1 thành phố và 5 huyện, tổng diện tích 2.061 km².

Về vị trí địa lý, TP Hồ Chí Minh có lợi thế nằm ở múi giờ khác biệt so với 21 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu. Đây được xem là lợi thế "riêng và đặc biệt" trong việc thu hút dòng vốn nhàn rỗi khi các trung tâm này nghỉ giao dịch. Thành phố cũng cách khoảng 03 giờ bay với các nền kinh tế năng động của châu Á như Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines, xa hơn chút là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Cũng theo ông Donald Lambert, TP Hồ Chí Minh có thể được định vị là một trong những trung tâm đầu tư ở khu vực sông Mê Kông. Thông qua TP Hồ Chí Minh như một cửa ngõ, các nhà đầu tư đầu tư vào Lào, Myanmar và Campuchia.

Nhờ điều kiện tự nhiên, TP Hồ Chí Minh trở thành một đầu mối giao thông của Việt Nam và Đông Nam Á, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường không. Các lĩnh vực giáo dục, truyền thông, thể thao, giải trí, TP Hồ Chí Minh đều giữ vị thế quan trọng vào bậc nhất của cả nước.

Trên phương diện giao thương quốc tế, TP Hồ Chí Minh nằm trên trục giao thông hàng không và hàng hải của vùng Thái Bình Dương, và có thể được xem là trung tâm điểm không lưu trong vùng châu Á Thái Bình Dương.

Ngoài vị trí địa lý tự nhiên thuận lợi, TP Hồ Chí Minh đang là một đầu tàu động lực chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam. Mặc dù chỉ chiếm khoảng 9,35% dân số và 0,63% diện tích, nhưng trong các năm qua, thành phố đã đóng góp khoảng 23% GDP, khoảng 27% ngân sách quốc gia, thu hút hơn 33% số dự án FDI của cả nước, chiếm một lượng lớn đầu tư gián tiếp qua kênh mua bán - sáp nhập (M&A), các quỹ đầu tư mạo hiểm, kiều hối...

Năng suất lao động của Thành phố đạt khoảng 293 triệu đồng/lao động mỗi năm, gấp 2,7 lần năng suất lao động cả nước, cùng với lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng được đào tạo và làm việc trong các lĩnh vực tài chính và các lĩnh vực liên quan hỗ trợ dịch vụ tài chính như kế toán, kiểm toán, trọng tài, luật sư...

Thị trường hàng hóa, thương mại, dịch vụ đạt quy mô lớn, duy trì mức tăng trưởng khá; từng bước hình thành các cơ chế, chính sách để hỗ trợ thị trường bán lẻ trong nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; sự phát triển của thương mại điện tử đang thành xu thế quan trọng trong các năm gần đây.

Thị trường bất động sản cũng trên đà phát triển mạnh mẽ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu nhà ở của người dân. Trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, diện tích bình quân nhà ở toàn thành phố đã tăng lên đáng kể (từ mức 17,32m2 /người năm 2015 lên 20,3 m2 /người vào năm 2020). Các chủ thể tham gia thị trường bất động sản từng bước được hoàn thiện, góp phần cho thị trường phát triển, bao gồm bất động sản nhà ở, bất động sản thương mại, bất động sản công nghiệp ở các vùng lân cận và bất động sản nghỉ dưỡng, bất động sản du lịch.

Thị trường khoa học và công nghệ thành phố tăng trưởng về quy mô, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ mới, nâng cao năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh. 

Thị trường tài chính của Việt Nam nói chung và tại thành phố nói riêng đã có những bước phát triển ổn định, vững chắc, đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế vĩ mô, nâng cao niềm tin của nhà đầu tư. Mật độ tập trung của các định chế tài chính trên địa bàn thành phố hiện vào loại cao nhất so với các địa bàn khác trên cả nước.

Riêng về thị trường tài chính, TP Hồ Chí Minh hiện nay là một trung tâm tài chính hàng đầu của Việt Nam. Theo ông Donald Lambert , chuyên gia cấp cao của ADB, Việt Nam là một quốc gia có tốc độ tăng trưởng 7% mỗi năm trước khi bệnh dịch bùng phát năm 2020, nền tảng dân số trẻ, và trong 20-30 năm tới, Việt Nam sẽ trở thành một trung tâm của các hoạt động kinh tế với vị thế ngày một quan trọng hơn không chỉ trong ASEAN mà trên toàn thế giới. Đến năm 2050, Việt Nam được dự đoán sẽ trở thành một trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Bất kỳ nền kinh tế lớn nào cũng thường có các thành phố được coi là trung tâm tài chính chịu trách nhiệm trung gian giữa các khoản tiết kiệm và nguồn đầu tư. Trên thực tế, TP Hồ Chí Minh đã trở thành một trung tâm tài chính như thế.

Việc xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP Hồ Chí Minh sẽ tạo ra các nhân tố thu hút các định chế tài chính nước ngoài, đón đầu cơ hội dịch chuyển của các dòng vốn đầu tư quốc tế khi đến Việt Nam. Thành công trong việc xây dựng trung tâm tài chính tại TP Hồ Chí Minh sẽ tác động tích cực đối với nguồn cung vốn - huyết mạch của nền kinh tế và sự dịch chuyển của dòng vốn sẽ tiếp tục thu hút thêm các nhà đầu tư cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức... và kéo theo sự phát triển của hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ kinh doanh, tài chính phụ trợ  không chỉ trên địa bàn thành phố mà lan tỏa tới các bên có giao dịch liên quan; cùng với sự phát triển của nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và môi trường sống chất lượng cao... Do đó, để hiện thực hóa khát vọng trung tâm tài chính quốc tế, TP Hồ Chí Minh cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ.

Giải pháp xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Tuyền, Nguyên Hiệu Trưởng Đại học Kinh tế-Tài chính TP Hồ Chí Minh, triển vọng hình thành trung tâm tài chính quốc tế của thành phố là rất lớn. Tuy nhiên, việc hiện thực hóa nó trước tiên là phải kiến tạo một nền móng kinh tế tương ứng. Trên cơ sở đó, cần có một giải pháp tích cực, nhằm khai thác có hiệu quả các nguồn lực tài chính cấu thành trung tâm tài chính quốc tế ở TP Hồ Chí Minh.

Mặt khác, trung tâm tài chính quốc tế ở TP Hồ Chí Minh cũng sẽ khó hình thành sớm nếu Việt Nam không có một chính sách phát triển và hội nhập đích thực cũng như tiến hành công cuộc cải cách hành chính công mà cũng có thể gọi là cuộc “cách mạng” về cơ chế vận hành bộ máy công quyền hiện hữu.

Tiến sĩ Bùi Quốc Bảo - người Viêt Nam ở Pháp, Giảng viên khoa Xây dựng, Đại học Tôn Đức Thắng cho rằng, ngay lúc này, TP Hồ Chí Minh cần đưa ra giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, đồng thời coi dịch COVID-19 là cơ hội vàng để thành phố cơ cấu lại nền kinh tế, các doanh nghiệp giảm phụ thuộc vào lao động phổ thông, vì nếu đại dịch không xảy ra, mỗi năm trôi qua, lương hưởng của lao động sẽ tăng cao và lao động phổ thông sẽ dần khan hiếm. Đây chính là cơ hội để doanh nghiệp ứng dụng tự động hóa vào các khâu sản xuất, kinh doanh và cải thiện năng suất lao động của người lao động thay vì phụ thuộc, dựa vào lao động giá rẻ.

Nhấn mạnh về giải pháp cải thiện hạ tầng, môi trường không khí, Tiến sĩ Bùi Quốc Bảo chia sẻ, rác thải là vấn đề hóc búa của bất kỳ thành phố đông dân nào trên thế giới, điều chính yếu hơn nữa là xử lý ô nhiễm không khí và rác thải tại các thành phố này. Ngày nay, khái niệm nền kinh tế tuần hoàn đã phổ biến tại Châu Âu và một số nước khác. Do vậy, Thành phố có thể nhân dịp đại dịch COVID-19 này để tái cơ cấu, biến các nguồn rác thải, nước thải thành các nguồn tài nguyên quý để sản xuất năng lượng sạch, để sản xuất phân hữu cơ và tái chế kim loại, nhựa cho các ngành sản xuất then chốt. Về vấn đề khí thải, thành phố nên có cơ chế khuyến khích người dân sử dụng xe điện (xe máy, ô tô, buýt) đồng thời ưu đãi cho doanh nghiêp sản xuất, phân phối xe điện, và cần có lộ trình rõ ràng loại bỏ xe động cơ đốt trong chạy trong thành phố như một số thành phố lớn trên thế giới đã đưa ra…

Đưa ra quan điểm cá nhân, ông Donald Lambert chuyên gia cấp cao của ADB chia sẻ, để xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế, TP Hồ Chí Minh cần có một đội ngũ các nhân viên ngân hàng, luật sư, kế toán có năng lực chuyên nghiệp, với kỹ năng tiếng Anh. Cơ sở hạ tầng vật chất, bao gồm đường sá, sân bay, internet, viễn thông và nhà ở là điều kiện tiên quyết để thu hút các nhà đầu tư trên toàn thế giới. Một không gian xanh, không khí trong lành, 34 văn hóa ẩm thực đặc thù của thành phố cũng là những giá trị cần thiết cho việc xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế. Để phát triển đồng bộ với trung tâm tài chính quốc tế, sinh hoạt văn hóa, xã hội của cả thành phố cũng phải được cải thiện đáng kể.

Ông Donald Lambert cho rằng, việc xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế tại TP Hồ Chí Minh là điều cấp thiết. Thành phố đang đáp ứng những điều kiện cần, với sức phát triển kinh tế và thương mại mạnh nhất của cả nước, với lực lượng lao động dồi dào, hạ tầng cơ sở đầy đủ, hệ thống tài chính phát triển mạnh trong 30 năm qua và một nền văn hóa kinh doanh rất năng động và sáng tạo. Tuy nhiên, cũng cần một số những điều kiện đủ phải được đáp ứng như: Nền kinh tế Việt Nam phải thay đổi các thể chế kinh tế để tiến tới một nền kinh tế được các quốc gia hàng đầu chấp nhận là nền kinh tế thị trường. Các chính sách đầu tư, quản lý ngoại hối, chuyển đổi số hệ thống tiền tệ và tài chính của Việt Nam phải được tăng tốc để thích ứng với môi trường tài chính và đầu tư của thế giới. Cuối cùng, thành phố phải xây dựng một nền văn hóa đặc thù và theo kịp sự văn minh và tiến bộ của thế giới.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, để thành phố trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế, cần có sự đột phá từ chính sách đến tầm nhìn, không chỉ nỗ lực của riêng thành phố mà cần sự ủng hộ của các bộ, ngành trung ương.

Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh cần bảo đảm nguồn nhân lực tương ứng cho thị trường tài chính và các dịch vụ hỗ trợ liên quan, đặc biệt là chuyên gia quốc tế đồng thời, cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh thông qua việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật; cải thiện các chính sách liên quan đến thuế quan; điều tiết thị trường theo hướng minh bạch, độ tin cậy cao...

Theo ông Nguyễn Thành Phong, nguyên chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh, ý tưởng xây dựng một trung tâm tài chính của Việt Nam đã có từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, do điều kiện chưa chín muồi nên ý tưởng chưa trở thành hiện thực. Đến nay, việc hình thành trung tâm tài chính quốc tế không chỉ là xu thế tất yếu của kinh tế hiện đại mà còn là một biểu hiện của một quốc gia năng động, phát triển và hội nhập. Đặc biệt, việc định hướng và phát triển TP Hồ Chí Minh mang tầm khu vực không chỉ củng cố vai trò vốn có của thành phố như một trung tâm kinh tế-tài chính-thương mại trong nền kinh tế Việt Nam, mà còn tác động tích cực đối với nguồn cung vốn-huyết mạch của nền kinh tế. Sự dịch chuyển của dòng vốn sẽ thu hút thêm các nhà đầu tư và kéo theo sự phát triển hệ sinh thái các sản phẩm dịch vụ tài chính phụ trợ, hình thành cơ sở hạ tầng, môi trường sống chất lượng cao.

Dự kiến trong kế hoạch phát triển Thành phố, nhất là về mục tiêu ngắn hạn, trung tâm tài chính tại thành phố sẽ hoàn chỉnh ở cấp độ quốc gia; trong trung hạn sẽ định hướng tầm cỡ khu vực. Bước đầu, trung tâm tài chính tại TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu cung cấp dịch vụ tài chính cho các quốc gia lân cận như Lào, Campuchia, Myanmar, hay Brunei. Tiếp đó, TP Hồ Chí Minh sẽ hướng đến mục tiêu gia nhập mạng lưới trung tâm tài chính khu vực, cung cấp dịch vụ tài chính, không chỉ cho các nước trong ASEAN mà rộng hơn thế. Trong dài hạn, trung tâm tài chính tại TP Hồ Chí Minh sẽ thu hút những nguồn cung, cầu về sản phẩm tài chính phục vụ phát triển hoạt động thương mại, đầu tư vào kinh doanh, thu hút các định chế tài chính, tổ chức kinh tế hàng đầu toàn cầu. 

Việc hình thành trung tâm tài chính quốc tế tại TP Hồ Chí Minh không chỉ là xu thế tất yếu của kinh tế hiện đại, mà còn là một biểu hiện của một quốc gia năng động, phát triển và hội nhập, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần quan trọng trong việc nâng tầm quốc gia lên một vị thế mới trong bản đồ các trung tâm tài chính phát triển của thế giới. ./.

 

CM
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực