Ngày này năm xưa: 03/12

Thứ ba, 03/12/2024 09:15
(ĐCSVN) - Kể từ năm 1992, Ngày quốc tế Người khuyết tật đã được tổ chức hàng năm vào ngày 03/12 trên toàn thế giới nhằm thúc đẩy quyền và phúc lợi của người khuyết tật trong mọi lĩnh vực xã hội và phát triển, đồng thời nâng cao nhận thức về hoàn cảnh đặc biệt của họ trong mọi khía cạnh của đời sống chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa.

Sự kiện trong nước:

Đồng chí Ngô Gia Tự (Ảnh tư liệu) 

- Ngày 03/12/1908: Đồng chí Ngô Gia Tự sinh ra tại làng Tam Sơn, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1927, đồng chí dự lớp huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc). Tháng 3/1929, đồng chí tham gia thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở Việt Nam. Sau khi Đảng cộng sản Việt Nam được thành lập, đồng chí Ngô Gia Tự được bầu làm Bí thư Xứ ủy lâm thời của Đảng bộ Nam Kỳ. Đến cuối năm 1930, đồng chí bị địch bắt tại Sài Gòn và đầy ra Côn Đảo tháng 5/1933. Đồng chí Ngô Gia Tự đã hy sinh trong chuyến vượt biển đầu năm 1935.

Trong hơn 9 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Ngô Gia Tự đã để lại những giá trị lớn về lý luận và thực tiễn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta. Cuộc đời của đồng chí là mẫu mực về phẩm chất cao quý, là tấm gương sáng cho các thế hệ hôm nay và mai sau noi gương, học tập.

Bác Hồ và phụ nữ các dân tộc thiểu số Việt Bắc. (Ảnh tư liệu)

- Ngày 03/12/1945: Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Lễ khai mạc Hội nghị đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam. Phát biểu tại Hội nghị, Người nêu rõ: "Nhờ sức đoàn kết tranh đấu chung của tất cả các dân tộc, nước Việt Nam ngày nay được độc lập, các dân tộc thiểu số được bình đẳng cùng dân tộc Việt Nam, tất cả đều như anh chị em trong một nhà, không còn có sự phân biệt nòi giống, tiếng nói gì nữa. Trước kia các dân tộc để giành độc lập phải đoàn kết, bây giờ để giữ lấy độc lập càng cần phải đoàn kết hơn nữa. Nhiệm vụ chính của các dân tộc thiểu số hiện nay phải thực hiện là: Đoàn kết hơn nữa để chống xâm lăng; hết sức tăng gia sinh sản; ra sức cứu giúp đồng bào dưới xuôi về nạn đói và ủng hộ Chính phủ để kháng chiến và cứu đói…".

- Ngày 03/12/1998: Việt Nam tham gia vào đàm phán để gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Sự kiện quốc tế:

 Các VĐV khuyết tật tham gia giải chạy "Bước chân hòa nhập 2024" ở Cần Thơ. (Ảnh: Tạ Quang)

- Ngày 03/12: Kể từ năm 1992, Ngày quốc tế Người khuyết tật đã được tổ chức hàng năm vào ngày 03/12 trên toàn thế giới nhằm thúc đẩy quyền và phúc lợi của người khuyết tật trong mọi lĩnh vực xã hội và phát triển, đồng thời nâng cao nhận thức về hoàn cảnh đặc biệt của họ trong mọi khía cạnh của đời sống chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa.

- Ngày 03/12/1967: Nam Phi đã nổi tiếng khắp thế giới khi bác sỹ phẫu thuật Christian Barnard tại Cape Town thực hiện thành công ca cấy ghép tim đầu tiên từ người sang người. Ca cấy ghép đã được thực hiện tại bệnh viện Groote Schuur khi họ nhận được trái tim hiến tặng từ cô Denise Darvall, 25 tuổi, người bị chết não sau một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

- Ngày 03/12/1984: Gần 40 tấn khí độc Methyl isocyanate ở nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu UCIL của Công ty Đa quốc gia Mỹ Union Carbide (UCC) đặt tại ngoại ô Bhopal thuộc bang Madhya Pradesh, Ấn Độ, cùng nhiều khí độc khác đã rò rỉ và nhanh chóng phát tán theo gió. Nguyên nhân là một lượng lớn nước được đưa vào thùng chứa 610 đang chứa 42 tấn Methyl Isocyanate khiến phản ứng tỏa nhiệt xảy ra. Nhiệt độ trong thùng chứa lập tức vượt 200°C, làm áp suất tăng quá mức chịu đựng và gây thoát khẩn cấp để giảm áp, thải khí độc ra không khí. Một lượng lớn các khí độc lan tỏa khắp thành phố Bhopal và gây hoảng loạn khi mọi người thức dậy với cảm giác cháy rát trong phổi.

Hít phải khí độc, khoảng 4.000 người đã chết ngay lập tức. Tổng số người tử vong tăng lên khoảng 15.000 người vài năm sau đó. Chính phủ Ấn Độ xác nhận ít nhất 500.000 người bị nhiễm độc. Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp lên con người, 2.000 con trâu, dê và các loại động vật khác cũng phải bỏ mạng. Chỉ trong vài ngày, lá cây úa vàng và rụng như trút. Hàng chục năm sau đó, 390 tấn các chất hóa học độc hại bị bỏ lại tại nhà máy UCIL tiếp tục rò rỉ và gây ô nhiễm nguồn nước ngầm của khu vực, ảnh hưởng đến hàng ngàn cư dân Bhopal. Theo các nhà hoạt động môi trường, đến nay, vẫn còn khoảng 30.000 người phải uống nước nhiễm độc, trong khi hàng ngàn trẻ em sinh ra bị tổn thương não và dị tật. Rất nhiều người mắc chứng thiếu máu, dậy thì muộn và bệnh ngoài da./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực