Thế giới ca ngợi văn hóa ngoại giao Hồ Chí Minh bởi không những Người là một biểu tượng mẫu mực về đạo đức mà phong cách ngoại giao của Người còn là tấm gương cho lãnh đạo các nước và giới chính khách học tập. Như lời một nhà nghiên cứu đã nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kết hợp tuyệt vời giữa “đức khôn ngoan của Phật, lòng bác ái của Chúa, triết học của Mác, thiên tài cách mạng của Lênin...” hay như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói “sự ứng xử linh hoạt của Hồ Chí Minh trong giao tiếp ngoại giao đã trở thành những câu chuyện huyền thoại”.
|
Cuốn sách "Hiệp định Pari - Dấu ấn phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh" |
Nhắc đến Hội nghị và Hiệp định Pari, người ta nhắc nhiều đến các nhân vật có vai trò trong quá trình đàm phán, ký kết hiệp định như đồng chí Lê Đức Thọ - cố vấn đặc biệt Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, một nhà lãnh đạo chính trị quyền uy, đầy mưu lược, nghiêm nghị mà mở lòng, biết cương, nhu đúng lúc; Bộ trưởng Xuân Thủy được biết đến vừa như một nhà ngoại giao tài ba, nụ cười luôn nở trên môi, vừa là một nhà văn hóa, một thi nhân, đàm phán rất căng thẳng nhưng “Nắm vững phương châm giành thắng lợi/ Ung dung anh vẫn dạo vườn thơ” (lời của nhà thơ Sóng Hồng, tức Trường Chinh, họa lại một bài thơ của Xuân Thủy vào những tháng đầu của Hội nghị); đồng chí Nguyễn Thị Bình - Phó Trưởng đoàn đàm phán Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (sau là Trưởng đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) bởi những sáng kiến, đề xuất quan trọng góp phần đưa cuộc đàm phán đến thắng lợi cuối cùng. Tuy nhiên, trên hết, thắng lợi trong đàm phán, ký kết Hiệp định Pari thể hiện đậm nét dấu ấn phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh.
Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến Hội nghị Pari là thất bại của Mỹ trên chiến trường. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của ta đã giáng một đòn nặng nề vào cuộc chiến tranh cục bộ của Mỹ, không chỉ làm chuyển biến thế trận, đảo lộn chiến lược mà còn làm lung lay ý chí xâm lược của kẻ thù. Mỹ hiểu rằng không thể thắng ta bằng chiến tranh. Nếu muốn rút ra khỏi chiến tranh, không có cách nào khác là phải thông qua thương lượng. Vì vậy mà đã phải chấp nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Pari. Còn ta, chấp nhận đàm phán là để mở ra một mặt trận mới về ngoại giao. Ta hiểu rõ, kết quả đàm phán tùy thuộc trước hết vào so sánh lực lượng trên chiến trường và mặt trận ngoại giao không phải là mặt trận quyết định nhất, nhưng lại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng ở chỗ phối hợp chặt chẽ với hai mặt trận quân sự và chính trị tạo nên sức mạnh tổng hợp để giành thắng lợi.
Hiệp định Pari là một minh chứng đầy thuyết phục về bản lĩnh và phong cách của ngoại giao Việt Nam, của các chính trị gia, nhà đàm phán hàng đầu nước ta thời đó. Ngoại giao Việt Nam là ngoại giao Hồ Chí Minh, luôn kiên trì các vấn đề nguyên tắc chiến lược nhưng rất linh hoạt, mềm dẻo về sách lược.
Trong suốt thời gian diễn ra cuộc đàm phán, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên họp với Bộ Chính trị để nghe báo cáo về tình hình chiến sự miền Nam và diễn biến của cuộc đấu tranh ngoại giao. Người thường xuyên gửi thư để động viên, đưa ra những chỉ đạo kịp thời đối với phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, kêu gọi nhân dân trong nước và thế giới đoàn kết, ủng hộ phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và phái đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (sau là phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam).
Đồng thời, trong những giai đoạn cam go, khốc liệt, căng thẳng của cả chiến sự trong nước lẫn trên bàn đàm phán, hai phái đoàn của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam luôn giữ vững lập trường, áp dụng nhuần nhuyễn nguyên tắc ngoại giao “dĩ bất biến ứng, vạn biến”, “vừa đánh, vừa đàm” của Chủ tịch Hồ Chí Minh để đạt kết quả quan trọng nhất, đó là việc Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký ngày 27/1/1973. Đây là một thắng lợi lớn, tạo ra cục diện có lợi cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Năm 2023, Việt Nam kỷ niệm 55 năm ngày đàm phán Pari mở ra (13/5/1968 – 13/5/2023), cũng là 50 năm ngày Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết (27/1/1973 – 27/1/2023). Cuốn sách Hiệp định Pari - Dấu ấn phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh do tập thể tác giả của Bảo tàng Hồ Chí Minh biên soạn tuyển chọn, giới thiệu những bức ảnh, tư liệu quý về quá trình trước, trong và sau Hiệp định Pari được ký kết, thể hiện những nhận định tài tình và sự chỉ đạo sát sao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời phác họa bức tranh toàn cảnh về quá trình đàm phán, lễ ký kết, cũng như quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện những điều khoản của Hiệp định Pari, tiến lên giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong đó những tư tưởng chỉ đạo và những lời tiên đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là kim chỉ nam cho cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng. Cuốn sách giúp độc giả có một cái nhìn khái quát và toàn diện về bức tranh toàn cảnh của cuộc đấu tranh đàm phán dài nhất thế kỷ XX với 4 năm, 8 tháng, 16 ngày, một cuộc đấu tranh ngoại giao mang đậm dấu ấn phong cách Hồ Chí Minh.