Đầu tư, hỗ trợ kịp thời sẽ tạo động lực giúp người nghèo thoát nghèo
một cách hiệu quả và bền vững (Ảnh: Trần Quỳnh)
Một trong những căn cốt để đạt được hiệu quả cao trong công tác xóa đói giảm nghèo là vấn đề nguồn lực về kinh phí. Song thực tế, nguồn vốn hỗ trợ của các chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo từ Trung ương phân bổ về các địa phương khá chậm. Đơn cử như năm 2017, nhiều địa phương cuối tháng 10 mới nhận được nguồn vốn của cả năm 2017, trong khi chỉ còn 2 tháng nữa là hết năm và đã bắt đầu bước vào mùa đông khắc nghiệt ở vùng cao, càng làm cho tình hình khó khăn hơn.
Nguyên nhân của mọi nguyên nhân chính là thủ tục hành chính có chỗ còn rườm rà, máy móc; tính năng động, chủ động, đồng cảm với người nghèo của một bộ phận cán bộ và ở một số ngành, địa phương còn chưa quyết liệt.
Có thể chỉ ra vài ví dụ. Dự toán chi ngân sách Trung ương cho chương trình các mục tiêu quốc gia của cả năm 2017, nhưng mãi đến nửa cuối tháng 4 năm 2017 mới được Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành (Quyết định số 556/QĐ-BKH&ĐT, ngày 19/4/2017), vậy là đã chậm gần nửa năm. Nhưng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn chậm hơn nữa, mãi đến ngày 19/10/2017, Bộ này mới ban hành Thông tư số 18/2017/TT-BNNPTNT, hướng dẫn thực hiện tiểu dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo cho cả giai đoạn 2016 – 2020. Chính những sự chậm trễ này đã gây không ít khó khăn cho các địa phương khi triển khai thực hiện các chương trình xóa đói giảm nghèo.
Đối với các địa phương, việc thực hiện cân đối vốn đối ứng của địa phương cho các chương trình xóa đói giảm nghèo theo Quyết định 48/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cũng gặp nhiều khó khăn. Lý do là còn phải căn cứ trên cơ sở ngân sách của Trung ương cấp cho địa phương và nguồn thu hàng năm của địa phương. Sau đó còn phải tiếp tục chờ thông qua tại kỳ họp của HĐND tỉnh, thành phố. Đó là còn chưa kể đến việc nhiều địa phương chưa có sự đồng bộ trong thực hiện quy trình chuẩn bị đầu tư, lập hồ sơ công trình, hồ sơ hoàn công, cơ chế thanh, quyết toán, cơ chế đặc thù về đầu tư xây dựng đối với những công trình hạ tầng quy mô nhỏ, không phức tạp được quy định trong Nghị định 161/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Bên cạnh đó, việc lập kế hoạch ở một số nơi chưa sát với thực tế hoặc khá máy móc, cào bằng; nhiều huyện chậm phê duyệt kế hoạch; năng lực chủ đầu tư của xã, của đơn vị tư vấn giám sát và của ban giám sát cộng đồng còn hạn chế dẫn đến lúng túng trong sử dụng đồng vốn đầu tư cho xóa đói giảm nghèo…
Vì những lý do như vậy mà đã xảy ra không ít chuyện “cười ra nước mắt” trong công tác xóa đói giảm nghèo. Thường xuyên xảy ra là chuyện cấp vốn đầu tư hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp. Có nhiều trường hợp, từ khi thu thập nhu cầu, lập kế hoạch, dự toán kinh phí, phân bổ kinh phí… cho đến khi cấp kinh phí tới tay người nghèo thì cũng là lúc kết thúc mùa vụ. Vì vậy nhiều người nghèo khi nhận tiền, nhưng thay vì đưa vào sản xuất thì lại ăn tiêu hết hoặc không biết làm gì hoặc sử dụng không đúng mục đích. Hoặc nhiều công trình, khi nhận được nguồn vốn thì cũng là lúc bước vào mùa mưa bão, lũ lụt nên gặp nhiều khó khăn trong thi công, dẫn đến đội vốn hoặc chậm tiến độ. Cũng có nhiều công trình đáng lẽ nên tổ chức thi công vào dịp đầu năm đang lúc nông nhàn, nhưng vì chưa được cấp vốn nên phải để cuối năm. Đến cuối năm lại đúng vào mùa thu hoạch nông nghiệp nên khó huy động được nhân công tại chỗ dẫn đến chậm tiến độ.
Để khắc phục những tình trạng nên, không còn cách nào khác là phải tăng tính chủ động, từ Trung ương cho đến các địa phương cần sớm bố trí đầy đủ nguồn vốn cho các chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo theo đúng kế hoạch; giảm bớt các khâu, các thủ tục hành chính để dòng vốn đến được người dân nghèo một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất. Điều quan trọng là cả hệ thống chính trị và người dân nghèo ở các địa phương phải cùng nâng cao trách nhiệm, chung tay, nỗ lực, chủ động trong công tác xóa đói giảm nghèo thì mới mong đạt được những kết quả cao và có tính bền vững./.