Khi văn bản xa rời thực tế

Thứ tư, 19/04/2023 12:01
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Nhiều văn bản quy phạm pháp luật ra đời gặp sự phản đối của doanh nghiệp và người dân, thậm chí chưa kịp thực thi đã phải sửa đổi; bởi nếu tiếp tục thực hiện sẽ là rào cản sự phát triển của xã hội, gây tốn kém thời gian, công sức, tiền của, thậm chí đẩy người dân và doanh nghiệp vào nguy cơ phá sản.

Văn bản "làm khó” người dân và doanh nghiệp

Thời gian gần đây, nhiều quy định làm khó người dân và doanh nghiệp vẫn xuất hiện. Điểm chung của những văn bản này là xa rời thực tiễn, “trói” người dân và doanh nghiệp, thậm chí mâu thuẫn, không thực hiện được, dẫn đến sớm phải sửa đổi, vừa tốn kém tiền của của nhà nước, vừa ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội. Bên cạnh đó, nó còn làm giảm tính pháp lý của văn bản, gây khó khăn cho công tác quản lý, điều hành và thực hiện.

Điển hình như Thông tư 149/2020/TT-BCA hướng dẫn Luật Phòng cháy, chữa cháy, trong đó có cả những quy định áp theo tiêu chuẩn khác của Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Xây dựng... khiến nhiều doanh nghiệp, người dân “than khó” do quá nhiều quy định ngặt nghèo: đối với nhà xưởng mái tôn phải chịu lực chịu lửa; cột thép nhà xưởng phải bọc vật liệu chống cháy bằng vật liệu rỗng; kết cấu khung dầm của nhà xưởng phải được sơn bằng sơn chống cháy trong khi thị trường Việt Nam chưa có loại sơn được cấp phép đủ điều kiện; các quy định về tiêu chuẩn thay đổi liên tục làm doanh nghiệp không thể chạy theo; hệ thống ống gió điều hoà phải bọc thạch cao chống cháy với chi phí đắt đỏ; cầu thang thoát hiểm phải tối thiểu rộng 70-90cm, có chiếu nghỉ làm khó cho người dân và doanh nghiệp tại các đô thị có mật độ xây dựng cao như Hà Nội, TP HCM.... hoặc quy định quán karaoke phải sử dụng vật liệu trang trí, cách âm khó cháy, chống cháy nhưng lại không hướng dẫn cụ thể là những vật liệu nào dẫn đến hầu như không cơ sở nào đạt chuẩn để hoạt động.

Ảnh minh họa: Kiểm tra thiết bị PCCC tại Công ty cổ phần May Bắc Giang BGG.

Hàng loạt doanh nghiệp, hộ kinh doanh cho rằng quy định cứng nhắc này đã và đang khiến chi phí đầu tư nhà xưởng tăng tới gấp đôi, nhiều nhà xưởng sau khi hoàn thành không được nghiệm thu để hoạt động, thậm chí phải đóng cửa. Nhiều người dân, doanh nghiệp bỏ số tiền lớn để trang bị, sửa chữa, thực hiện các quy định, điều kiện về PCCC nhưng cuối cùng vẫn không đáp ứng được yêu cầu, điều kiện, do “Hồ sơ thẩm duyệt PCCC mấy tháng trời chưa xong. Mỗi lần sắp đến hạn lại đưa ra một ý bắt sửa” – một chủ doanh nghiệp cho biết.

Hay như quy định về đào tạo lái xe hiện nay, mặc dù đã sửa đổi nhiều lần nhưng vẫn còn nhiều bất cập, điển hình như Thông tư số 04/2022/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải đang làm khó cho các cơ sở đào tạo và gây sự lo lắng cho học viên. Theo Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, những quy định cứng nhắc, không phù hợp thực tế như quy định học viên học lý thuyết phải tập trung đủ 8 giờ mỗi ngày, trong 21 ngày là hoàn toàn không thực tế và đi ngược với xu thế của thời đại số, học từ xa; quy định học thực hành trong cabin vừa gây tốn kém cho doanh nghiệp, vừa đi ngược với phương pháp học lái ở các nước phát triển; quy định mỗi xe tập lái phải có đủ 5 học viên do 1 giáo viên quản lý, rồi 1 giáo viên chỉ được đăng ký theo dạy 1 khóa thực hành là không phù hợp với yêu cầu thực tiễn và nhu cầu của xã hội… Để thực hiện đúng, các trung tâm sẽ không có học viên, tăng chi phí đào tạo, mà thực hiện sai đương nhiên sẽ bị phạt. Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, ở những quốc gia phát triển, cơ quan quản lý không quản chặt quá trình đào tạo mà chỉ quản chặt đầu ra là khâu thi lấy giấy phép lái xe, với những tiêu chuẩn khắt khe; do đó Việt Nam chỉ cần quản lý chặt đầu vào, đầu ra cấp giấy phép lái xe, chứ không cần giám sát quá trình học, không cần can thiệp quá sâu vào hoạt động đào tạo như hiện nay.

Tại Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT ngày 12/8/2021 của Bộ Giao thông vận tải quy định về đăng kiểm ô tô có nhiều điều khoản gây phiền hà và gây tốn kém cho người dân, đã phải sửa đổi bằng thông tư số 02/2023/TT-BGTVT nhằm khắc phục những điểm bất cập như miễn đăng kiểm lần đầu với ô tô mới; bổ sung trường hợp không phải đăng kiểm trên dây chuyền kiểm định; tem kiểm định bị mất, hư hỏng nhưng không cần mang xe đến đơn vị đăng kiểm; Giãn chu kỳ đăng kiểm ô tô... được xã hội đồng tình.

Trước đó, nhiều quy định khác ban hành xong cuối cùng cũng “buông xuôi” đi vào quên lãng, không có đánh giá tính hiệu quả để rút kinh nghiệm, cũng không thực hiện tiếp như quy định trang bị bình chữa cháy trên ô tô (vừa không thể phát huy hiệu quả, vừa tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ khi để trong xe giữa mùa hè); quy định phạt tiền với hành xả rác, vứt tàn thuốc không đúng quy định, tiểu bậy; chê người khác béo, lùn; quy định bán thịt trong vòng 8 tiếng sau khi giết mổ… Những quy định này được đưa ra nhưng không đi kèm chế tài xử phạt hoặc có nhưng không quy định rõ các bên thực hiện, triển khai, giám sát khiến cả chính quyền và người dân không những khó thực hiện mà còn tạo thành tiền lệ làm cho có, quy định cho vui, từ đó làm giảm tính hiệu lực, hiệu quả của hệ thống pháp luật, gây tâm lý “coi thường luật”.

Vì đâu văn bản xa rời thực tiễn?

Thực tế không hiếm văn bản không theo kịp, thậm chí xa rời thực tế, có văn bản vừa ban hành đã phải thu hồi, trong đó có rất nhiều văn bản pháp luật do các bộ ban hành. Hậu quả thì ai cũng đã nhìn thấy rõ, nhưng “vì đâu nên nỗi?”. Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020, trong quy trình xây dựng văn bản, đơn vị soạn thảo phải lấy ý kiến đối với đối tượng chịu tác động, ý kiến phản biện xã hội và có giải trình tiếp thu nhằm làm cho các chính sách được đề xuất sau khi được luật hóa sẽ phù hợp và đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống. Từ đó văn bản pháp luật sẽ có tính khả thi cao tránh được bệnh chủ quan duy ý chí áp đặt từ một phía.

Quy định học lý thuyết lái xe phải tập trung đủ 8 giờ mỗi ngày, trong 21 ngày gây lo ngại cho học viên.

Quy định thì đã có, nhưng vẫn bỏ sót, bỏ lọt những văn bản “lỗi”, là do từ nhiều phía, cả chủ quan và khách quan. Về phía chủ quan, có thể điểm qua những lỗi là do người soạn thảo văn bản chưa nghiên cứu kỹ xã hội, đôi khi áp đặt máy móc mô hình nước ngoài nhưng không phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh trong nước. Việc lấy ý kiến đối tượng thụ hưởng làm hình thức, lấy lệ. Ngoài ra, nhiều cơ quan chưa coi trọng đúng mức việc lấy ý kiến và việc tiếp thu, giải trình, phản hồi đầy đủ ý kiến của Nhân dân và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản; thời gian gửi hồ sơ đề nghị, dự án, dự thảo văn bản để lấy ý kiến thường rất gấp, chưa đúng quy định. Nhiều trường hợp, hồ sơ, tài liệu gửi lấy ý kiến không đầy đủ hoặc nội dung sơ sài, thiếu các thông tin cần thiết. Ban soạn thảo, đơn vị thẩm định, người có thẩm quyền ký ban hành đều là của cơ quan đơn vị đó nên khó tránh được chủ quan duy ý chí, trong đó không loại trừ khả năng có cả lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ của đơn vị ban hành văn bản sao cho có lợi cho ngành, lĩnh vực mình quản lý.

"Tiên trách kỷ, hậu trách nhân", từ phía xã hội, nhiều tổ chức, cá nhân cũng chưa nhận thức đầy đủ về trách nhiệm của mình cũng như còn hạn chế về năng lực tham gia xây dựng pháp luật, giám sát, phản biện xã hội. Khi các dự thảo văn bản pháp luật đăng tải rộng rãi lấy ý kiến nhân dân thì chưa nhận được nhiều sự quan tâm góp ý. Nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân được lấy ý kiến chưa quan tâm đến việc góp ý, không nghiên cứu kỹ văn bản, góp ý qua loa, thậm chí đơn giản chỉ là “đồng ý”, “nhất trí” với dự thảo; đa số ý kiến góp ý đều gửi chậm so với thời hạn quy định....

Sự chậm trễ, xa rời thực tế của văn bản đã và đang gây ra rất nhiều phiền toái cho xã hội, khiến pháp luật không được thực thi một cách nghiêm túc và tổn hại về kinh tế, thời gian, công sức của người dân và doanh nghiệp. Chính bản thân Thứ trưởng Công an Lê Quốc Hùng trong cuộc họp giữa Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành uỷ TP HCM, sáng 16/4 vừa qua cũng phải thốt lên “Nhiều quy định phòng cháy chữa cháy ban hành từ lâu, nay đã lạc hậu, áp dụng vào cuộc sống như ''trên trời rơi xuống''”. Thứ trưởng dẫn chứng QCVN 2622:1995 về phòng cháy, chống cháy cho nhà và công trình, TCVN 4513:1988 về cấp nước của Bộ Xây dựng đã ban hành từ lâu. Bộ Công an nhiều lần kiến nghị nhưng chưa được thay đổi.

Như vậy, để hạn chế thấp nhất những văn bản quy phạm pháp luật xa rời thực tiễn, rõ ràng đội ngũ xây dựng phải bám sát cuộc sống, và thực tiễn; tuân thủ quy trình xây dựng và thẩm định văn bản, đặc biệt là lấy ý kiến của các đối tượng thụ hưởng và nhân dân một cách nghiêm túc, đầy đủ, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác xây dựng, soạn thảo, áp dụng pháp luật; kịp thời rà soát, chỉnh sửa những quy định lạc hậu, lỗi thời, loại bỏ các văn bản, quy định không phù hợp thực tiễn. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên nếu văn bản không bảo đảm về chất lượng, sai hoặc là lực cản của xã hội.

Cùng đó, cần tăng cường công tác giáo dục, phổ biến pháp luật đến người dân để người dân hiểu đúng, đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình; tăng cường năng lực tham gia xây dựng pháp luật, kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội để nâng cao chất lượng văn bản, để mỗi văn bản quy phạm pháp luật ra đời tạo điều kiện cho địa phương, các lực lượng chức năng thực thi cơ chế hiệu quả, điều tiết những vấn đề thực tiễn, bảo đảm thực hiện tốt các chính sách cũng như thuận lợi trong việc giữ gìn trật tự xã hội. Thực hiện tốt việc này cũng sẽ tạo hành lang pháp lý cho người dân và doanh nghiệp yên tâm, tin tưởng vào sự điều hành, quản lý của Nhà nước, thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật./.

Thương Huyền

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực