Ảnh minh họa. (Nguồn: tienphong.vn)
Những lễ hội mở đầu đã diễn ra, được báo chí phản ánh với những tín hiệu không đẹp. Mới nhất là lễ hội Đúc Bụt tại Đền thờ Đức Bà, xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc, hàng trăm thanh niên dẫm đạp lên nhau để cướp manh chiếu với mong muốn sinh con trai.
Việc cướp chiếu tại lễ hội này đã có từ lâu, được người dân địa phương bảo lưu, gìn giữ qua nhiều thế hệ, chỉ diễn ra như một nghi lễ dân gian vui vẻ trong phạm vi thôn làng. Thế nhưng những năm gần đây, ý nghĩa của lễ hội bị biến tướng khi hàng nghìn người từ nhiều nơi đổ về, lao vào tranh cướp nhau những mảnh chiếu cói khiến hoạt động tín ngưỡng tại lễ hội trở nên phản cảm.
Hay lễ hội cướp phết xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, buổi cướp phết đầu tiên đã bộc lộ sự bất lực của Ban tổ chức. Khi 3 quả phết được đưa ra, không phải do hai đội chơi, mỗi đội 50 người vào cướp phết, mà hàng trăm du khách cũng xé rào, lao vào cướp, bất chấp nỗ lực ngăn cản của ban tổ chức và lực lượng công an, dẫn đến tranh cướp, ẩu đả, loạn xạ. Vì thế, Ban tổ chức lễ hội đã có chỉ đạo dừng việc tổ chức cướp phết.
Những tục lệ cổ xưa, theo thời gian đến nay có thể là văn hóa, có thể là hủ tục cần bãi bỏ hay điều chỉnh cho phù hợp, nhưng hiện tượng phục dựng khá tùy tiện các lễ hội cổ xưa, thiếu suy xét, dẫn đến những biểu hiện lệch lạc, quá đà, đang làm mất đi vẻ đẹp của truyền thống.
Một biểu hiện lệch lạc quá đà khác dễ thấy là tục dâng sao giải hạn. Ở một số cơ sở thờ tự, người ta công khai treo bảng giá dâng sao giải hạn, ai đăng ký là nộp tiền, khiến việc dâng sao thật sự là một dịch vụ tâm linh.
Người xưa quan niệm mỗi người đều có sao chiếu mệnh. Có tất cả 9 ngôi sao được gọi là Cửu Diệu, gồm: Thái Dương, Thái Âm, Thái Bạch, Vân Hán, Mộc Đức, Thổ Tú, Thủy Diệu, La Hầu, Kế Đô, luân phiên 9 năm trở lại một lần. Trong đó có ba sao tốt, ba sao trung bình và ba sao xấu. Ba sao xấu là La Hầu, Kế Đô và Thái Bạch. Ai gặp phải sao xấu thì làm lễ “nhương tinh”, nghĩa là cúng sao cầu giải hạn. Một thời gian dài tục này gần như biến mất, nhưng chừng 20 năm nay, tục dâng sao giải hạn diễn ra tràn lan, đến mức năm nào cũng có các vị tăng ni của Giáo hội Phật giáo Việt Nam lên tiếng khẳng định trong đạo Phật không có nghi lễ dâng sao. Phật dạy con người về lẽ nhân quả, gieo nhân thiện để có quả thiện, không ai có thể cầu cúng để giải đi những quả xấu nếu đã gieo nhân xấu. Mặc cho các vị tăng ni chân chính lên tiếng, dịch vụ dâng sao giải hạn vẫn là nguồn thu khổng lồ ở nhiều ngôi chùa, phản ánh tệ mê tín dị đoan đang bùng phát.
Một biểu hiện tâm linh lệch lạc nữa là đốt vàng mã. Người ta quan niệm “cúng quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng” nên cùng với cúng dâng sao, là các nghi lễ cầu xin tài lộc khác diễn ra khắp nơi, kèm theo đó là đốt vàng mã vô tội vạ. Theo con số cách đây 5 năm, thống kê sơ bộ tại Hà Nội, mỗi năm đốt hơn 400 tỷ đồng tiền vàng mã, năm nay rất có thể nhiều hơn. Suy ra cả nước, chúng ta có thể suy luận ra con số đến ngàn tỷ đồng mỗi năm bị hóa tro bụi qua vàng mã.
Nếu như xưa kia, ông bà ta chỉ đốt tượng trưng chút ít vàng mã dâng cúng thần thánh hay người đã khuất thì ngày nay người ta đốt ngựa, voi, nhà lầu, và các vật dụng hiện đại như xe hơi, ti vi, tủ lạnh, iPhone, iPad, tiền đô la Mỹ… với số lượng ngày càng nhiều.
Đi kèm với các lễ hội là bói toán, xóc thẻ, xin xăm, đồng cốt công khai hành nghề, trong sự lúng túng, bất lực của lực lượng chức năng. Hiện nay Bộ luật Hình sự vẫn có tội danh hành nghề mê tín, dị đoan, nhưng hầu như ít được áp dụng, dẫn đến nhờn luật.
Nhìn tổng thể bức tranh sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh hiện nay, ai cũng nhận thấy những biểu hiện vượt quá ngưỡng bình thường, gây ra những lệch lạc trong nhận thức về tôn giáo, tín ngưỡng, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự xã hội và lãng phí rất lớn. Thực trạng này đòi hỏi các cơ quan chức năng liên quan và các cơ quan nghiên cứu phải tìm ra những giải pháp phù hợp để loại bỏ những hủ tục, trong đó có nhiều hủ tục mới xuất hiện, để sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo giữ được những tinh hoa, mang tính đạo lý, nhân văn như truyền thống vốn có./.