Lỗi "máy" chấm thi nhầm?

Thứ hai, 05/08/2019 15:09
(ĐCSVN) – Mấy ngày qua cuộc tranh luận gay gắt về nguyên nhân máy chấm thi tốt nghiệp THPT: năm nay máy chấm nhiều bài thi trắc nghiệm từ 9 điểm “nhầm” rớt xuống còn 0 điểm – học sinh, phụ huynh lo lắng. Năm ngoái, máy chấm điểm rất thấp, người ta bí mật, lén lút bàn nhau “nâng” thành điểm 9-10. Tổng điểm “vọt” lên đỗ đại học...phụ huynh vui mừng!

 
Cán bộ tham gia phục vụ kỳ thi THPT quốc gia 2019
tại điểm thi Trường THCS Hồng Bàng (quận 6, TP.HCM). (Ảnh: Thuận Hải)

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tao (GD&ĐT), đến cuối ngày 01/8/2019, tất cả 63 Hội đồng thi của 63 tỉnh/thành phố đã hoàn thành việc phúc khảo bài thi và công bố kết quả cho thí sinh.

Theo đó, số liệu cơ bản về phúc khảo trong toàn quốc được thống kê tổng hợp từ các báo cho thấy tổng số bài thi đã phúc khảo là 57.639, trong đó tổng số bài thi trắc nghiệm là 40.887. Tổng số bài thi trắc nghiệm có thay đổi kết quả sau phúc khảo là 204 bài thi, chiếm tỷ lệ 0.5%.

100% các bài thi trắc nghiệm đề nghị được phúc khảo tại 32 Hội đồng thi có kết quả phúc khảo không thay đổi so với kết quả ban đầu.

Gần 20 Hội đồng thi chỉ có 01 đến 03 bài thi trắc nghiệm thay đổi kết quả sau phúc khảo.

Riêng Hội đồng thi tỉnh Tây Ninh có 62 bài thi trắc nghiệm thay đổi kết quả sau phúc khảo.

 Bộ GD&ĐT đã chỉ ra 3 nguyên nhân dẫn đến 58 bài thi của thí sinh ở Tây Ninh bị điểm 0, chênh lệch điểm sau phúc khảo là: chất lượng của bản in phiếu trả lời trắc nghiệm không đồng đều dẫn đến máy quét không nhận dạng được chính xác; một số thí sinh tô nhầm số báo danh, một số thí sinh tô sai mã đề, tô mờ đáp án…

Ngay sau đó, cả thí sinh lẫn phía Sở GD&ĐT Tây Ninh lập tức có phản bác về 3 nguyên nhân dẫn đến chênh lệch điểm của 34 thí sinh trước và sau phúc khảo.

Có thí sinh cho rằng mình không mắc lỗi vì sau khi làm bài thi em đã kiểm tra kỹ các qui định và đáp án và cũng dự đoán được mức điểm của mình. Có thí sinh khẳng định, đã kiểm tra nhiều lần về số báo danh, các kết quả trong đáp án. Em dùng bút chì 3B tô rất rõ nên không thể có chuyện tô mờ hay mắc các lỗi khác vì vậy em hoang mang, lo lắng.

Theo tienphong.vn, ông Nguyễn Hữu Tài, Trưởng phòng Khảo thí - Công nghệ thông tin (Sở GD&ĐT Tây Ninh) cho rằng, phía trường đại học chấm thi đưa ra lý do giấy kém chất lượng là chưa thuyết phục. Theo ông Tài, trước kỳ thi THPT quốc gia 2019, khi trường Đại học Công nghệ Đồng Nai được phân công về phối hợp với địa phương tổ chức thi và chủ trì chấm thi trắc nghiệm, Tây Ninh đã gửi cho ban chấm thi trắc nghiệm khoảng 200 mẫu phiếu để kiểm tra và quét thử.

Sau khi thử và ban chấm thi trắc nghiệm có ý kiến đồng ý với chất lượng giấy in phiếu trả lời trắc nghiệm thì Tây Ninh mới đặt in để phục vụ cho kỳ thi THPT quốc gia. Ngoài ra, trong các biên bản tổng kết chấm trắc nghiệm, biên bản tổng kết chấm phúc khảo các bài thi trắc nghiệm đều không có nội dung nào đề cập đến kỹ thuật in và chất lượng phiếu trả lời trắc nghiệm kém làm ảnh hưởng đến việc chấm. Hoặc nếu do chất lượng giấy in phiếu thì sẽ ảnh hưởng đến hàng chục nghìn bài thi của tất cả thí sinh chứ không chỉ 62 bài thi của 34 thí sinh như vừa rồi.

Cũng theo ông Tài, sau khi chấm phúc khảo, Hội đồng thi Tây Ninh có 36 thí sinh được thay đổi điểm ở các môn trắc nghiệm, trong đó xác định rõ chỉ có 1 em tô sai mã đề thi, 1 em tô trùng phương án trả lời, xóa không hết phương án cũ. Còn 34 em bị điểm 0 trong lần chấm đầu tiên không có bài thi nào các em tô sai mã đề, số báo danh hay tô mờ đáp án.

Theo đó sáng ngày 2/8, bà Mai Thị Lệ, Giám đốc Sở GD&ĐT Tây Ninh cho rằng, phía trường Đại học Công nghệ Đồng Nai là đơn vị chấm thi trắc nghiệm tại địa phương. Hiện, 34 thí sinh đã được trả về điểm thực, đúng năng lực bài thi của thí sinh. Do đó, nguyên nhân vì sao dẫn đến sự việc như trên là do phía trường Đại học trả lời, lãnh đạo Sở GD&ĐT Tây Ninh không có bình luận gì thêm.

Lý do Bộ GD&ĐT đưa ra chưa thuyết phục và đặt ra vấn đề nếu lỗi thuộc về phần mềm thì liệu có thí sinh khác vênh điểm nhưng không phúc khảo thì sao? ý kiến giáo viên, học sinh cho rằng, lỗi trong khâu chấm thi hay do thí sinh Bộ GD&ĐT phải làm rõ.

Thầy Đỗ Ngọc Hà, giáo viên dạy Vật lý online ở Hà Nội đặt ra vấn đề, có khả năng phần mềm bị lỗi và chấm điểm thí sinh cao hơn thực tế hay không? Theo thầy Hà, nếu có hiện tượng như vậy thì khá nguy hiểm vì thí sinh có điểm cao sẽ không phúc khảo để đưa về điểm thực. Thầy Hà cũng cho rằng, sau khi xảy ra sự cố 58 bài thi ở Tây Ninh bị điểm 0 nếu bộ và các bên liên quan xem xét thấu đáo nguyên nhân mới công bố sẽ không dẫn đến chuyện tranh cãi như mấy ngày qua.

Thiết nghĩ máy gì thì máy, dù có hiện đại mấy đi chăng nữa thực chất đều do con người sản xuất ra điều khiển, chi phối. Hay nói cách khác là con người hoàn toàn làm chủ, quyết định... chứ không nên "lý do to hơn mục đích". Nếu sai phải xin lỗi, thậm chí xem trách nhiệm và xử lý... Thiết nghĩ đã vậy mà... do khách quan, chứ phải ta đâu. Thế rồi, cuộc tranh luận gay gắt mấy ngày vừa qua về nguyên nhân vẫn chưa ngã ngũ. Ngẫm ra chuyện này cũng "tế nhị", nhưng vẫn cần được làm rõ tại ai, “máy” hay người để còn xử lý “kỷ luật” như Hòa Bình, Sơn La đã làm? Một điều chắc chắn rằng “máy chấm thi” thì không thể kỷ luật được nhỉ? Hãy chờ kết luận cuối cùng từ phía dư luận để Bộ GD&ĐT ra quyết định xử lý!

Nguyễn Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực