Muốn tốt thì phải nghiêm

Thứ tư, 11/08/2021 14:41
(ĐCSVN) - “Cán bộ là gốc của công việc”. Trong mọi nhiệm vụ, việc phải xử lý kỷ luật cán bộ là điều không ai mong muốn. Song, trong bối cảnh dịch COVID-19 phức tạp như hiện nay, việc xử lý nghiêm túc cán bộ vi phạm quy định về phòng chống, dịch là việc cần làm ngay, để công tác phòng, chống dịch được thực hiện tốt hơn.
leftcenterrightdel
 Ngay sau khi vụ việc xảy ra, ông Trần Vinh đã bị khống chế, đưa về Công an phường Nại Hiên Đông. (Ảnh: TL).

Mới đây, chiều ngày 9/8, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng đã có thông cáo về xử lý kỷ luật đối với ông Trần Vinh, Phó Chánh văn phòng Đoàn ĐBQH-HĐND Đà Nẵng liên quan đến vụ xô xát với nhân viên lấy mẫu xét nghiệm (xảy ra ngày 01/8). Theo đó, Công an quận Sơn Trà xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Trần Vinh do thực hiện hành vi “Xâm hại sức khỏe của người đang thi hành công vụ”. Sở Thông tin-Truyền thông xử phạt về hành vi vi phạm trong việc cung cấp thông tin báo chí. Chi bộ Công tác Quốc hội thuộc Đảng ủy cơ quan Đoàn ĐBQH-HĐND thành phố thi hành kỷ luật đối với ông Trần Vinh bằng hình thức cảnh cáo. Đồng thời, Thường trực HĐND thành phố Đà Nẵng cũng quyết định kỷ luật luật bằng hình thức giáng chức đối với ông Trần Vinh.

Trước đó, dù trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội nhưng ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định và ông Nguyễn Công Thành, Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Định đã tham gia chơi golf cùng đại diện một số doanh nghiệp. Với vi phạm này, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Văn Dũng; Đồng thời, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cũng ban hành quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Định do vi phạm quy định phòng chống dịch trong thời gian này. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định cũng đã giao Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với các cán bộ, đảng viên do Tỉnh ủy quản lý, đề xuất hướng xử lý…

leftcenterrightdel
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định. (Ảnh: ĐA).

Đây chỉ ba trong số hàng loạt trường hợp cán bộ vi phạm các quy định về phòng, chống dịch đã bị các địa phương xử lý. Vi phạm của những cán bộ này xảy ra trong thời điểm các địa phương đang quyết liệt thực hiện những biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, khiến dư luận bức xúc, tạo điểm nóng về truyền thông nhất là thông tin trên mạng xã hội và gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống dịch của địa phương. Liên quan đến các vụ việc này, đa phần người dân đều bày tỏ thái độ bất bình đối với những việc làm thiếu gương mẫu, thiếu trách nhiệm của một bộ phận nhỏ “công bộc của dân”. Mặt khác, dư luận đồng tình và mong muốn cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành từ Trung ương đến địa phương, phải xử thật nghiêm những cán bộ thuộc quyền vi phạm.

Đại dịch COVID-19 đang diễn biến cực kỳ phức tạp, khó lường. Cuộc chiến chống dịch bệnh với mục tiêu trên hết và trước hết là bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng của nhân dân, vì thế, cũng diễn ra vô cùng phức tạp, cam go. Từ Chính phủ đến các tình, thành phố, cũng như từ Trung ương về cơ sở phải thực sự là một hệ thống thống nhất. Trong đó, mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương là một mắt xích quan trọng góp phần tạo lên kết quả của các biện pháp phòng, chống dịch. Mọi sự lơ là, tắc trách, thiếu trách nhiệm đều sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến “cuộc chiến” chống đại dịch COVID-19, vì vậy cần phải bị xử lý nghiêm khắc.

Thực tế chỉ ra, từ khi dịch COVID-19 tái bùng phát và diễn biến phức tạp, nhiều địa phương trong cả nước thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, đã xảy ra không ít vụ việc liên quan đến trách nhiệm và hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực của một số cán bộ; không ít cán bộ đã bị xử lý kỷ luật ở các hình thức khác nhau.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, “Cán bộ là gốc của công việc”. Trong mọi mặt công tác, cán bộ nhất là người đứng đầu luôn có vai trò vô cùng quan trọng. Họ là những đầu tàu của chuỗi hành động, từ chủ trương đến thực tế. “Đầu xuôi đuôi lọt”, nếu ở đâu, lúc nào xuất hiện một đầu tàu tắc trách thì ở đó, lúc ấy, cả đoàn tàu sẽ tắc nghẽn. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và toàn xã hội đang căng sức, gồng mình “Chống dịch như chống giặc” thì những cán bộ đứng đầu càng cần phải tự mình gương mẫu, không để xảy ra sai phạm.

Mỗi cán bộ phải lấy trách nhiệm làm đầu, lấy nêu gương làm trọng, lấy cống hiến làm phương châm hành động, lấy nhân dân làm mục tiêu phụng sự. Do đó, cá nhân nào làm sai, cản trở hiệu quả chống dịch thì phải bị xử lý, dù ở bất kỳ cương vị nào. Việc xử lý những cán bộ bị nói trên cũng sẽ là bài học cho đội ngũ cán bộ các cấp trong lãnh đạo, tổ chức và thực hiện các quy định về phòng, chống dịch. Đó cũng chính là cơ sở để củng cố niềm tin, tăng cường sự đồng thuận trong xã hội và nhân lên sức mạnh để chiến thắng đại dịch COVID-19./.

Thùy Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực