Hiện trường vụ cháy chung cư Carina. (Ảnh: Lê Phan)
Sau vụ cháy chung cư Carina ở Thành phố Hồ Chí Minh làm 13 người chết, nhiều người mới ngộ cuộc sống dường như rất bất trắc, không đơn giản là may - rủi...
Không còn là sự khuyến cáo, cháy, nổ đã có thể xem như “báo động đỏ”. Năm 2017, cả nước xảy ra trên 4.100 vụ cháy, nổ, làm 119 người chết và 270 người bị thương, thiệt hại ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng.
Ngoài cháy, nổ, tính mạng con người cũng “cuốn theo” số vụ tai nạn giao thông. Năm 2017, cả nước xảy ra 20.080 vụ tai nạn giao thông, làm chết 8.279 người, bị thương 17.040 người.
Ngoài tai nạn giao thông, tính mạng con người cũng “cuốn theo” vấn đề an toàn thực phẩm. Năm 2017, cả nước có 139 vụ ngộ độc với 3.869 người mắc, số người tử vong do ngộ độc thực phẩm là 24 người.
Ngoài an toàn thực phẩm, tính mạng con người cũng “cuốn theo” bệnh ung thư mà nguyên nhân có phần liên quan đến ô nhiễm môi trường. Theo thống kê, mỗi năm nước ta có 126.000 trường hợp mắc ung thư mới và trên 94.000 người tử vong do ung thư, cao hơn 9 lần số ca tử vong do tai nạn giao thông.
Tính mạng của con người không chỉ phụ thuộc vào nhân họa, mà còn do thiên tai - sự cố bất khả kháng. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, Việt Nam là 1 trong 5 nước bị thiên tai đe dọa nhiều nhất. Năm 2017, thiên tai đã khiến 386 người chết, thiệt hại kinh tế lên tới hơn 60.000 tỷ đồng. Việt Nam có thể được xem như là một trong 5 “ổ bão” lớn nhất thế giới. Trong lịch sử, nước ta đã gánh chịu sự thảm khốc của nhiều cơn bão có sức tàn phá khủng khiếp như bão Linda, bão Chanchu, bão Sơn Tinh…
Ngẫm, nghĩ và soi lại những gì thực tế đã xảy ra để thấy chỉ số đo mức độ an toàn với con người, với xã hội đã và đang là vấn đề lớn, cấp bách cần phải ngăn chặn không cần đợi thời gian. Vậy trách nhiệm thuộc về ai?
Quyền sống và chỉ số hạnh phúc của con người phải được hiểu theo nghĩa rộng nhất, đó là quyền sống trong một môi trường an toàn, tiến bộ, văn minh cả khía cạnh tự nhiên và xã hội. Tầm vĩ mô, vẫn đúng với vai trò và trách nhiệm của Nhà nước.
Nhưng, ngoài vai trò và trách nhiệm của Nhà nước, vấn đề an toàn cháy nổ, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường… cũng không thiếu vắng vai trò và trách nhiệm của mỗi cá nhân, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư. Nếu số đông đó không nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, đạo đức xã hội, không tôn trọng và chấp hành những chuẩn mực an toàn mà chạy theo lợi ích nhóm, thiếu hiểu biết... thì Nhà nước dẫu có nỗ lực đến đâu cũng khó đạt được chỉ số hạnh phúc của người dân, chỉ số an toàn xã hội./.