“Trị thủy” bằng cách nào?

Thứ năm, 26/07/2018 17:04
(ĐCSVN) - Những năm qua, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp chống ngập, nhưng thực tế cứ mưa to kéo dài là nhiều nơi ở Hà Nội mênh mông nước, phố thành sông...
Ngập úng tại một khu đô thị ở Hà Nội do những trận mưa to cuối tuần qua.
 (Ảnh: tienphong.vn)

Những trận mưa to kéo dài vào cuối tuần qua đã làm Hà Nội ngập úng trên diện rộng. Nơi ngập nhanh, ngập sâu và thoát nước chậm là các khu đô thị mới và một số xã ngoại thành.

Ngập úng gây khó khăn cho người dân trong sản xuất, tắc nghẽn giao thông và xáo trộn cuộc sống. Nước ngập gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe người dân, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, người dân vùng ngập úng bức xúc, mệt mỏi là điều dễ thông cảm.

Theo quan sát của nhiều người, ngay trong lúc mưa to, các sông Tô Lịch, Kim Ngưu hay sông Nhuệ đều không đầy nước. Điều đó cho thấy các cống thoát nước ra sông cũng không đầy, hệ thống cống không bị quá tải và đường thoát nước vẫn đủ để thoát nước. Vấn đề ở đây là các miệng cống thoát nước bị tắc.

Cống tắc do rác thải, do bị lấn chiếm không được khơi thông nên nước mưa ùn ứ, tiêu thoát không kịp. Khắc phục nguyên nhân này không khó, thành phố Hà Nội chắc chắn có thể đôn đốc, thúc đẩy, có biện pháp khơi thông hệ thống cống thoát nước để đảm bảo hệ thống cống được sử dụng hết công suất.

Nhưng nguyên nhân ngập úng không đơn giản như vậy. Tốc độ đô thị hóa quá nhanh, trong khi hạ tầng ngầm không được đầu tư tương xứng nên ngập úng là tất yếu. Ai cũng biết rằng khi có mưa, một lượng lớn nước mưa ngấm xuống đất và chảy vào ao hồ, phần nước mưa còn lại chảy vào hệ thống thoát nước.

Quy luật tự nhiên đó đã bị quá trình đô thị hóa đảo lộn. Mặt đất bị bịt kín, dẫn đến toàn bộ nước mưa không thấm xuống đất mà dồn về các con đường, góc phố, dẫn đến ngập úng. Đô thị hóa cũng làm biến mất nhiều ao hồ, kênh mương thoát nước. Kênh mương tự nhiên như “mạch máu” trong nội thành bị lấp hoặc xây cống hộp để lấy mặt bằng làm điểm đỗ xe hay làm đường, dẫn đến việc thoát rất chậm so với trước đây.

Nhiều khu đô thị, nhiều chung cư cao tầng và tòa nhà văn phòng cao tầng được xây mới, nhưng hệ thống thoát nước lại bị thu hẹp, thiếu sự kết nối giữa hệ thống thoát nước trong các khu đô thị với hệ thống thoát nước chung của thành phố, nên cứ mưa to kéo dài là ngập nhanh, ngập sâu và thoát nước chậm.

Ngoài việc “ông trời” gây ra mưa lớn kéo dài, thì ngập úng có nguyên nhân từ các giải pháp quy hoạch (xây dựng, giao thông, thoát nước, thủy lợi) chưa khoa học, chưa đồng bộ, chưa gắn kết với nhau và thiếu tầm nhìn tổng thể cũng như tính dự báo. Do đó, đã có những đề xuất đầu tư xây dựng hồ ngầm chứa nước chống ngập, mua sắm máy bơm hiện đại, cung cấp các phương tiện đắt tiền, trả lương cao cho nhân viên của công ty thoát nước… nhưng đó chỉ là phần ngọn. Nếu không giải quyết vấn đề tận gốc, bằng những quy hoạch khoa học, thực tiễn, với tầm nhìn dài hạn thì e rằng tốn rất nhiều tiền mà khó trị được ngập úng./.

Thái Vũ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực