Trồng 1 tỷ cây xanh không trồng theo phong trào!

Thứ sáu, 30/04/2021 22:55
(ĐCSVN) - Để thực hiện Đề án, điều quan trọng nhất cần được chú ý, đó là việc trồng cây xanh cần làm sao có được kết quả cụ thể, rõ ràng, tránh làm theo phong trào, chạy theo thành tích, bởi từ đây, mới biến “hành động” trở thành hiện thực và có hiệu quả trên thực tế.
leftcenterrightdel
 Mỗi người dân hãy cùng chung tay thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 (Ảnh minh họa: MC)

Ngày 1/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 524/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án “Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”. Đề án nêu rõ mục tiêu đến hết năm 2025, cả nước trồng được 1 tỷ cây xanh, trong đó gồm 690 triệu cây trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất. Qua đó, nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

Thực tế Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt rất thiết thực trong bối cảnh vai trò của cây xanh, của rừng đối với công tác bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu ngày càng được thể hiện rõ nét và giữ vị trí rất quan trọng. Cây xanh không chỉ cung cấp ô-xy mà còn giúp bảo vệ môi trường đa dạng sinh học; cây giữ đất, chống xói mòn, rửa trôi, phòng chống lũ lụt, sạt lở đất và mang lại môi trường sống trong lành cho con người và các loài động vật khác.

Đề án nêu rõ nhiệm vụ, năm 2021, cả nước trồng được khoảng 182 triệu cây, trong đó, cây xanh phân tán 120 triệu cây, tăng 1,5 lần so với năm 2020. Từ năm 2022-2025, trồng bình quân 204,5 triệu cây xanh, trong đó, cây xanh phân tán 142,5 triệu cây, tăng 1,8 lần so với năm 2020.

Để triển khai đề án, Bộ NN&PTNT đã giao cho Tổng cục Lâm nghiệp vận động các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có các cam kết, hành động thiết thực, cùng chung tay, góp sức, đồng hành thực hiện kế hoạch trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 với thông điệp “Vì một Việt Nam xanh”.

Cùng với đó, Bộ đã giao trách nhiệm đối với các Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị có liên quan khẩn trương rà soát, xác định quỹ đất rừng phòng hộ, đặc dụng, đất trồng mới rừng sản xuất, đất quy hoạch trồng cây xanh đô thị, đất phát triển trồng cây xanh phân tán vùng nông thôn,…làm cơ sở xây dựng và thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự án trồng cây xanh hàng năm và cả giai đoạn 2021-2025, xong trước ngày 15/6/2021.

Thực tế cho thấy đây là giai đoạn rất quan trọng để chúng ta chuẩn bị những công việc cần thiết để hiện thực hóa Đề án trồng 1 tỷ cây xanh, đưa nội dung của Đề án đi vào thực tiễn. Và để thực hiện Đề án, điều quan trọng nhất cần được chú ý, đó là việc trồng cây xanh cần làm sao có được kết quả cụ thể, rõ ràng, tránh làm theo phong trào, chạy theo thành tích, bởi từ đây, mới biến “hành động” trở thành hiện thực và có hiệu quả trên thực tế.

“Chúng ta không được để xảy ra tình trạng “mười cây chết chín, một cây gật gù”. Phải trồng cây nào sống cây đó, chứ không làm theo phong trào” – Thứ trưởng thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đã nhấn mạnh như vậy khi nói đến vấn đề này.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc, việc trồng cây xanh phải đi đôi với chăm sóc, bảo vệ, quản lý, giám sát suốt quá trình để bảo đảm cây trồng, rừng trồng sinh trưởng và phát triển tốt.

Một điểm nữa cần lưu ý khi thực hiện Đề án, đó là việc cần có sự thống nhất trong việc chọn loại cây trồng phù hợp với từng mục đích, điều kiện trồng. Về vấn đề này, Bộ NN&PTNT đã có định hướng, với cây xanh trồng rừng đặc dụng, chỉ trồng các loài cây bản địa có phân bố trong hệ sinh thái của rừng đặc dụng đó. Đối với rừng phòng hộ, trồng rừng bằng loài cây có bộ rễ sâu bám chắc, ưu tiên cây bản địa, sinh trưởng được trong điều kiện khắc nghiệt và có khả năng chống chịu tốt.

Đối với cây phân tán, cần chọn loài cây trồng phù hợp với mục đích, cảnh quan và điều kiện sinh thái gây trồng, tập quán canh tác của từng địa phương, từng khu vực cụ thể; ưu tiên trồng cây bản địa, các loài cây thân gỗ, cây đa mục đích, cây có giá trị bảo vệ môi trường, tác dụng phòng hộ cao, cây quý hiếm, mang bản sắc văn hóa Việt Nam.

Đây là vấn đề cần được quán triệt và phổ biến và các địa phương khi triển khai thực hiện trồng cây cần bám sát để chủ động trong công tác chuẩn bị về giống và các kỹ thuật trồng cây có liên quan.

Sự việc về trồng cây phong lá đỏ tại TP. Hà Nội (từ năm 2018) là bài học hiện hữu trong vấn đề này. Thực tế, việc trồng 262 cây phong lá đỏ tại đường Nguyễn Chí Thanh và Trần Duy Hưng của TP. Hà Nội đã bị thất bại, khi qua 3 năm trồng, thống kê của đơn vị liên quan cho thấy có 45 cây bị chết, những cây sống, hiện trạng sinh trưởng kém hay bị héo cành, lá và sâu bệnh. Đây là vấn đề cần rút kinh nghiệm khi cây phong lá đỏ đã được đưa ngay vào trồng tại Hà Nội khi chưa được trồng thử nghiệm trước và cũng như chưa đánh giá các mặt về điều kiện thích nghi về đất, khí hậu, địa hình,…phù hợp cho quá trình sinh trưởng; tác động của cây trồng với môi trường xung quanh.

Theo các chuyên gia, đối với những loài cây trồng mới khi đưa vào Việt Nam cần được trồng thử nghiệm, sau đó cho kết quả mới nhân rộng. Đây cũng là điểm mà chúng ta cần lưu ý khi thực hiện Đề án trong việc chọn loài cây trồng.

Đặc biệt, để thực hiện đề án, việc nâng cao nhân thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, chính quyền, cộng đồng dân cư và người dân đối với công tác phát triển rừng và trồng cây xanh là giải pháp hết sức cần thiết. Việc phát triển cây xanh cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Đi cùng với đó, cần phát huy truyền thống trồng cây do Bác Hồ khởi xướng và đưa việc trồng cây xanh trở thành phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả của các cấp, các ngành, trong từng khu dân cư với sự tham gia tích cực của mọi người dân và là hành động thiết thực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Không thể phủ nhận những giá trị mang lại nếu Đề án được thực hiện thành công. Theo tính toán của Bộ NN&PTNT, với một tỷ cây xanh được trồng mới, sẽ góp phần nâng cao tỷ lệ cây xanh trên đầu người, tạo thêm cảnh quan, bóng mát, điều hòa khí hậu, bảo vệ sức khỏe con người. Nâng cao chất lượng rừng và tăng tỷ lệ che phủ rừng, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai.

Về kinh tế, với một tỷ cây xanh được trồng mới giai đoạn 2021-2025, ngoài tác dụng cảnh quan, giải trí, các cây đa tác dụng còn cho sản phẩm là hoa, quả, thực phẩm dược liệu,... góp phần tạo thu nhập tăng thêm từ lâm sản ngoài gỗ phục vụ cho tiêu dùng thông qua các mô hình nông lâm ngư kết hợp cho người dân tham gia trồng và bảo vệ cây xanh.

Từ đề án, chúng ta có thêm 150.000 ha rừng trồng sản xuất, ước tính tạo ra được 15 triệu m3 gỗ, củi phục vụ cho tiêu dùng và chế biến. Và với tổng diện tích 180.000 ha rừng được trồng mới và bảo vệ, dự kiến sẽ hấp thụ khoảng 9 triệu tấn CO2 tương đương, tương ứng với giá trị 45 triệu USD. Ngoài ra còn giá trị thu được từ các dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, dịch vụ môi trường rừng,…do rừng và cây xanh mang lại.

Vì những mục tiêu thiết thực và to lớn của Đề án mang lại, mỗi người dân hãy cùng chung tay, vì một môi trường sống xanh, lành mạnh ngày hôm nay và mai sau. Mỗi người một việc nhỏ, mỗi người cùng góp sức vào trồng cây xanh, tin tưởng chúng ta sẽ đạt được kết quả như mong đợi./.

 

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực