Chẩn đoán đặc trị cho bệnh nhân ung thư. (Ảnh: TTXVN)
Câu chuyện em bé vừa được ra đời bằng một ca mổ đặc biệt, do mẹ cháu mắc ung thư giai đoạn cuối, khiến chúng ta xúc động và thương cảm. Sản phụ 28 tuổi, ở Hà Nam, khi mang thai mới phát hiện mình bị ung thư. Chị tha thiết muốn giữ con, nên các thầy thuốc phải điều chỉnh phác đồ điều trị để bệnh nhân toại nguyện. Ngày 22/5, thai nhi ở tuần thứ 31, các bác sĩ nhận thấy sức chịu đựng của người mẹ đã đến giới hạn, nên Bệnh viện K đã phối hợp với Bệnh viện Phụ sản Trung ương hỗ trợ mổ sinh. Chia sẻ trước ca phẫu thuật, người phụ nữ nghị lực ấy gắng gượng nói: “Em chỉ mong ca mổ diễn ra tốt đẹp, con em được chào đời khỏe mạnh. Em chỉ cần nhìn con một lần cũng mãn nguyện rồi. Đỗ Bình An là tên em đặt cho con, mong cho con một đời bình an!”. Và mong ước của người mẹ đang mang trọng bệnh đã thành hiện thực khi bé trai sinh ra đã vượt qua thử thách đầu đời một cách bình an.
Sự kiện này khiến chúng ta nhớ đến một nữ Thiếu úy Công an 25 tuổi, ở tỉnh Hà Tĩnh. Chị kết hôn và mang thai thì phát hiện mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối. Bác sĩ đã khuyên chị đình thai nghén để xạ trị, nhưng với tình mẫu tử thiêng liêng, chị quyết tâm giữ thai. Cháu bé ra đời bình an, nhưng sau hơn hai tuần mổ đẻ con, chị đã ra đi.
Hai câu chuyện có thể coi là biểu tượng của tình mẫu tử, nhưng cũng mang theo những câu hỏi xót xa. Vì sao những thiếu phụ trẻ trung đó phải gánh căn bệnh ung thư quái ác? Vì sao những em bé ấy vừa lọt lòng mẹ đã thiếu đi hơi ấm của mẹ như mọi đứa trẻ trên thế gian này? Vì sao bệnh nhân ung thư ngày càng tăng như vậy?
Theo thống kê năm 2018 của Tổ chức ung thư toàn cầu, ở nước ta có hơn 300.000 người đang phải chiến đấu với ung thư, mỗi năm có gần 165.000 ca mắc mới và 115.000 bệnh nhân chết; trên thế giới, ung thư hàng năm cướp đi sinh mạng khoảng 8,2 triệu người và 14,1 triệu ca mới.
Làm gì để ngăn ngừa, giảm thiểu ung thư là vấn đề rất lớn được đặt ra hiện nay. Khoa học trên thế giới đã phân tích, có dưới 10% bệnh ung thư phát sinh do các rối loạn từ bên trong cơ thể gồm các rối loạn nội tiết, tổn thương gene có tính di truyền; 75- 80% ung thư phát sinh là có liên quan đến môi trường sống, bao gồm lối sống thiếu khoa học, các thói quen xấu như chế độ dinh dưỡng không hợp lý, rượu bia, hút thuốc...
Thực tế cho thấy, những tác nhân gây ung thư luôn có mặt quanh ta. Đó là hút thuốc lá, lạm dụng bia rượu, ăn uống nhiều chất mỡ động vật, ít chất xơ rau xanh, trái cây và ô nhiễm vệ sinh an toàn thực phẩm với chất bảo quản thực phẩm, các chất nhuộm màu thực phẩm có nguồn gốc hóa học… Các tác nhân vật lý được xác định là các bức xạ ion hóa, các chất phóng xạ dùng trong y học... và một số ngành khoa học khác. Nhóm tác nhân sinh học gồm một số virut, vi khuẩn gây ung thư vòm mũi họng, xơ gan ung thư gan, v.v.
Nước ta có tỷ lệ người hút thuốc là và sử dụng bia rượu rất cao, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng chưa được thực hiện tốt, và tình trạng ô nhiễm môi trường đang làm gia tăng nhanh chóng số người mắc bệnh ung thư. Do đó, Nhà nước cần có chính sách đồng bộ, nghiêm minh để bảo vệ môi trường sống, bảo đảm an toàn thực phẩm, hạn chế các tác nhân ung thư.
Và quan trọng không kém, đó là mỗi người dân phải thay đổi nhận thức và hành vi của mình, để không làm hại môi trường, không sản xuất và tiêu thụ thực phẩm bẩn, mọi người đều có hành động tích cực vì một lối sống văn minh, lành mạnh và môi trường trong sạch, không bệnh tật.
Chúng ta ai cũng mong bản thân mình, con cái, người thân của mình được bình an, mấy ai nghĩ rằng chính mỗi người đang là một nhân tố tác động tiêu cực hay tích cực đến sự bình an đó./.