Bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm vaccine COVID-19

Thứ bảy, 06/03/2021 19:00
(ĐCSVN) - Bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm vaccine COVID-19; đề nghị truy tố nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến; Lầu Năm góc cân nhắc duy trì lực lượng Vệ binh quốc gia tại đồi Capitol là những tin đáng chú ý trong ngày 6/3.

Bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm vaccine COVID-19

Tại Hội nghị trực tuyến của Bộ Y tế với 63 tỉnh, thành phố về triển khai kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tổ chức ngày 6/3, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, những mũi vaccine AstraZeneca ngừa COVID-19 đầu tiên sẽ tiêm cho những đối tượng được ưu tiên tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, một số cơ sở y tế khác, đặc biệt là tại tỉnh Hải Dương từ ngày 8/3 tới.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: Trần Minh 

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, vaccine COVID-19 là một trong những nỗ lực của các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới. Đây là một trong những vaccine phát triển, ra đời nhanh nhất trong lịch sử.

Tuy nhiên, do thời gian chưa đủ dài để theo dõi thử nghiệm lâm sàng, cũng như đánh giá hiệu quả của vaccine nên mức độ bảo vệ có thể khác nhau ở một số vaccine. Vaccine COVID-19 này cũng là vaccine mới nên không thể tránh khỏi những phản ứng sau tiêm. Vì vậy, “chúng ta phải triển khai thận trọng”. 

Bộ trưởng chia sẻ, đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay ở nước ta. Vaccine AstraZeneca dù về Việt Nam từ ngày 24/2, cơ quan chức năng trong nước đã kiểm định nhanh chóng nhưng Bộ Y tế vẫn thận trọng chờ giấy chứng nhận xuất xưởng chất lượng của vaccine từ phía Hàn Quốc. Sau khi đủ các thủ tục mới tiến hành tiêm vaccine AstraZeneca từ ngày 8/3 tới.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, việc tiêm vaccine COVID-19 phải đảm bảo an toàn tối đa cho người tiêm. Theo đó, người tiêm phải được khám sàng lọc trước khi tiêm, các thông tin liên quan của người tiêm và vaccine sử dụng sẽ được quản lý trên hồ sơ sức khoẻ điện tử của mỗi người dân. 

Đề nghị truy tố nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến

Ngày 6/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án tham ô tài sản; vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn. Theo đó, Cơ quan điều tra đề nghị truy tố 16 bị can, trong đó có ông Trần Vĩnh Tuyến, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Cơ quan điều tra xác định chủ mưu trong vụ án là bị can Lê Tấn Hùng. Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn đã lợi dụng chức vụ, bị can Hùng đã chỉ đạo Nguyễn Thị Thủy (Kế toán trưởng) và Nguyễn Thị Tuyết Mai (Trưởng phòng Nhân sự hành chính) bàn bạc, thống nhất với Trần Văn Trường (Giám đốc) và Đỗ Sĩ Hoài Thanh (Kế toán trưởng Công ty cổ phần du lịch Thanh niên xung phong; Đoàn Quang Hồi (Giám đốc) và Nguyễn Thị Nguyên (Kế toán trưởng Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại dịch vụ lữ hành Hòa Bình quốc tế) lập 10 hồ sơ khống cho cán bộ, công nhân viên Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở 16 nước để chiếm đoạt hơn 14 tỷ đồng.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh  - Ảnh: TTXVN 

Trong giai đoạn giữ chức vụ Tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Lê Tấn Hùng biết việc chuyển nhượng "Dự án khu nhà ở tại Khu phố 4, phường Phước Long B, Quận 9" chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng, chưa có phương án, kế hoạch thoái vốn tại dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt. 

Tuy nhiên, bị can Hùng vẫn chỉ đạo cán bộ cấp dưới hoàn thiện các thủ tục và ký văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh chấp thuận chuyển nhượng, ký hợp đồng và phụ lục hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Tổng công ty cổ phần Phong Phú với tổng số tiền hơn 168 tỷ đồng trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng.

Trong vụ án này, Cơ quan điều tra xác định, bị can Trần Vĩnh Tuyến, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh biết việc chuyển nhượng "Dự án khu nhà ở tại Khu phố 4 phường Phước Long B, quận 9" phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; phải tiến hành thẩm định giá, xác định giá trị chuyển nhượng theo giá thị trường và các quy định pháp luật khác có liên quan. Dự án mới chỉ xây dựng được 80% công trình hạ tầng kỹ thuật, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng, chưa có phương án, kế hoạch thoái vốn tại dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng vẫn ký ban hành Quyết định số 6077/QĐ-UBND ngày 17/11/2017 chấp thuận chuyển nhượng dự án do Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn làm chủ đầu tư.

Quyết định chấp thuận chuyển nhượng dự án không theo mẫu, thiếu các mục "tổng mức đầu tư ”, “nguồn vốn đầu tư", "tiến độ thực hiện dự án", gia hạn tiến độ thực hiện dự án đến Quý I/2019 không đúng trình tự, thủ tục. Việc này tạo điều kiện để Lê Tấn Hùng và các đồng phạm làm thủ tục chuyển nhượng dự án trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Đáng chú ý, Cơ quan điều tra kết luận, bị can Trần Vĩnh Tuyến phạm tội có một phần do nể nang bị can Lê Tấn Hùng là em trai của nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải.

Lầu Năm góc cân nhắc duy trì lực lượng Vệ binh quốc gia tại Đồi Capitol

Lầu Năm Góc đang cân nhắc tiếp tục duy trì việc triển khai Lực lượng Vệ binh quốc gia nhằm bảo vệ trụ sở Quốc hội Mỹ sau vụ bạo loạn xảy ra hôm 6/1.

Lực lượng vệ binh quốc gia Mỹ được triển khai tại một trạm kiểm soát ở trụ sở Quốc hội tại Capitol Hill, Washington, DC., ngày 5/3/2021 - Ảnh: AFP/TTXVN


Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Bộ Quốc phòng John Kirby cho biết cơ quan này đã nhận được yêu cầu chính thức từ cảnh sát Đồi Capitol về việc tiếp tục duy trì sự hỗ trợ của Lực lượng Vệ binh quốc gia tại tòa nhà Quốc hội. Ông cho biết có thể duy trì lực lượng này thêm một vài tháng tới.

Khi được hỏi về mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa đối với Đồi Capitol, ông Kirby nhấn mạnh rằng "mọi thứ đã thay đổi kể từ ngày 6/1". Ông cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Austin muốn các nghị sĩ phải được bảo vệ trong môi trường an toàn và an ninh.

An ninh tại Đồi Capitol đã được thắt chặt kể từ ngày 6/1, khi hàng nghìn người biểu tình ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump tràn vào tòa nhà Quốc hội nhằm ngăn chặn việc chứng nhận chiến thắng của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 3/11/2020. Vụ bạo loạn đã khiến 5 người thiệt mạng. Hơn 270 người đang bị truy tố vì tham gia vụ tấn công.

Kể từ đó, các hàng rào đã được dựng lên để bảo vệ khu vực xung quanh Đồi Capitol và khoảng 5.000 binh sĩ thuộc Lực lượng Vệ binh quốc gia vẫn đang được triển khai để hỗ trợ cảnh sát. Theo kế hoạch, nhiệm vụ của lực lượng này sẽ kết thúc vào ngày 12/3 tới./.

 

 

Cẩm Linh (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực