Bắt đầu xét xử phúc thẩm vụ án xảy ra tại Nhà máy Ethanol Phú Thọ

Thứ hai, 27/09/2021 21:44
(ĐCSVN) - Tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ tại Nghệ An; Hà Nội cho phép tập thể dục ngoài trời, mở cửa trung tâm thương mại; Mở phiên xét xử phúc thẩm Vụ án xảy ra tại Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ; Trận động đất mạnh 5,8 độ tại đảo Crete của Hy Lạp làm ít nhất một người thiệt mạng và khiến Thổ Nhĩ Kỳ phát cảnh báo sóng thần… là những tin nổi bật trong ngày 27/9.

Tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ tại Nghệ An

Ngày 27/9, chính quyền và lực lượng chức năng (quân sự, công an, các đoàn thể) tại các địa phương trong tỉnh Nghệ An đã trực tiếp đến những vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ để giúp nhân dân khắc phục hậu quả.

Tại những địa phương này các đơn vị, địa phương triển khai nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tế thực phẩm (lương khô, bánh mì, sữa, nước uống) cho người dân đang bị cô lập trong vùng ngập lụt; khôi phục các điểm sạt lở trên tuyến đường giao thông khi nước rút; thống kê mức độ thiệt hại để có giải pháp trước mắt và lâu dài giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống, sản xuất.

Ngày 27/9, mưa đã tạnh song nước rút chậm khiến hàng trăm hộ dân tại xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) vẫn ngập sâu trong nước. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN) 

Riêng tại huyện Quỳnh Lưu, Ban Chỉ huy Quân sự huyện đã điều động 50 cán bộ, chiến sỹ cùng 200 dân quân, tự vệ giúp người dân khắc phục hậu quả mưa lũ. Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp với Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận (Bộ đội Biên phòng tỉnh) sử dụng ca nô, xuồng máy để di chuyển người dân ra khỏi vùng bị ngập nặng.

Tuy nhiên, hiện nay, tại một số địa phương trong tỉnh, việc khắc phục hậu quả thiên tai đang gặp nhiều khó khăn do mực nước rút chậm, thời tiết diễn biến phức tạp. Tại hai huyện Quỳnh Lưu và Thanh Chương đến trưa 27/9 còn trên 3.500 hộ dân trong tình trạng nhà, sân vườn bị ngập nước, việc sinh hoạt gặp nhiều khó khăn, bất tiện.

Tại các tuyến quốc lộ (48E, 7B, 15) và tỉnh lộ (534D, 531B, 544, 533) còn nhiều vị trí bị ngập nước, sạt lở, không an toàn để qua lại. 

Hà Nội cho phép tập thể dục ngoài trời, mở cửa trung tâm thương mại từ ngày 28/9

Ngày 27/9, UBND Thành phố Hà Nội đã có văn bản điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới trên địa bàn.

Theo đó, từ ngày 28/9, UBND Thành phố cho phép người dân tập thể dục, thể thao ngoài trời nhưng không được tập trung quá 10 người; mở cửa trở lại các trung tâm thương mại, cửa hàng may mặc, thời trang, hóa mỹ phẩm; riêng các cửa hàng ăn uống vẫn chỉ được phép bán mang về; các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, người dân phải thực hiện nghiêm quy định 5K, bắt buộc quét mã QR tại các nơi có quy định và áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch của Bộ Y tế và Thành phố.

 Từ ngày 28/9, Thành phố Hà Nội cho phép tập thể dục ngoài trời. (Ảnh tư liệu: Thành Đạt/TTXVN)

UBND Thành phố giao Sở Y tế Hà Nội phối hợp với các đơn vị tiếp tục thực hiện tầm soát y tế, nhất là xét nghiệm tầm soát 2-3 ngày/lần tại các điểm bị phong tỏa, điểm có "nguy cơ rất cao", "nguy cơ cao" để kiểm soát lây lan dịch bệnh; tiếp tục rà soát trường hợp chưa được tiêm vaccine mũi 1 để hoàn thành việc tiêm vét mũi 1; hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho những người đến thời hạn tiêm.

UBND các quận, huyện, thị xã cần tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn người dân thực hiện nghiêm, chấp hành quy định về công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có việc khai báo y tế thường xuyên, cài đặt và quét mã QR tại các cơ sở dịch vụ, kinh doanh, đơn vị trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường vi phạm phòng, chống dịch bệnh.

UBND Thành phố giao các sở, ban, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, cơ sở kinh doanh, dịch vụ xây dựng kịch bản theo nguyên tắc “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”.

Bắt đầu xét xử phúc thẩm vụ án xảy ra tại Nhà máy Ethanol Phú Thọ

Ngày 27/9, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội mở phiên xét xử phúc thẩm Vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ do có kháng cáo của các bị cáo và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Trong vụ án này, sau phiên tòa xét xử sơ thẩm, bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) không làm đơn kháng cáo. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC) đã rút đơn kháng cáo trước phiên phúc thẩm.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm, 6 bị cáo kháng cáo gồm Vũ Thanh Hà (sinh năm 1962, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí - PVB); Phạm Xuân Diệu (sinh năm 1960, nguyên Tổng Giám đốc PVC); Nguyễn Xuân Thủy (sinh năm 1961, nguyên Phó trưởng Phòng Đầu tư dự án, PVB); Khương Anh Tuấn (sinh năm 1975, nguyên Phó trưởng Phòng Thương mại, PVB); Lê Thanh Thái (sinh năm 1960, nguyên Trưởng Phòng Kinh doanh, PVB); Hoàng Đình Tâm (sinh năm 1981, nguyên Kế toán trưởng PVB).

Cả 6 bị cáo còn lại đều xin Tòa cấp phúc thẩm xem xét miễn trách nhiệm dân sự cho các bị cáo.

 Các bị cáo tại tòa. (Ảnh: Danh Trọng/Báo Tuổi trẻ)

Ngoài ra, 3 bị cáo Vũ Thanh Hà, Phạm Xuân Diệu, Nguyễn Xuân Thủy còn kháng cáo xin giảm khung hình phạt tội danh "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" từ khoản 3 xuống khoản 1 (Điều 224 - Bộ luật Hình sự năm 2015). Bị cáo Lê Thanh Thái xin được hưởng án treo.

Đơn kháng cáo hầu hết các bị cáo đã đưa ra nhiều tình tiết giảm nhẹ tội của mình, như phạm tội lần đầu, nhân thân tốt, thành khẩn khai báo và hợp tác với các cơ quan tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, có thái độ ăn năn hối cải, nhận thức rõ sai phạm của mình…

Các bị cáo mong muốn Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội xem xét bối cảnh thực hiện hành vi phạm tội, xem xét điều kiện về nhận thức chưa đầy đủ, thiếu thông tin về dự án…; từ đó đề nghị Tòa cấp phúc thẩm cân nhắc cho các bị cáo được hưởng khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt, giảm khung, điều, khoản, tội danh áp dụng, miễn trách nhiệm dân sự cho các bị cáo.

Ngoài 6 bị cáo kháng cáo nêu trên, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư Mai Phương đã làm đơn kháng cáo, đề nghị Tòa cấp phúc thẩm xem xét trả lại 3.400m2 đất tại Tam Đảo (Vĩnh Phúc) cho công ty.

Trong đơn kháng cáo, Công ty Mai Phương nêu tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện của PVC không yêu cầu được đứng tên chủ sở hữu, sử dụng đối với lô đất 3.400m2 tại Tam Đảo, mà chỉ yêu cầu Tòa án buộc bị cáo Trịnh Xuân Thanh và bị cáo Đỗ Văn Hồng liên đới bồi thường cho PVC số tiền hơn 13 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Tòa cấp sơ thẩm lại tuyên trả lại cho PVC quyền sử dụng 3.400m2 đất tại Tam Đảo nói trên; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành các thủ tục xác nhận quyền sử dụng đất cho PVC.

Trong khi đó, lô đất 3.400m2 tại Tam Đảo là do ông Kiều Đào Lâm mua lại bằng tiền cá nhân hợp pháp của ông Lâm đã được cơ quan điều tra xác minh.

Công ty Mai Phương cho rằng, Tòa án cấp sơ thẩm đã không xem xét đến quyền, lợi ích hợp pháp của Công ty Mai Phương, không đánh giá chứng cứ đúng thực tế khách quan, ra quyết định không đúng pháp luật làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của Công ty.

Tại phiên tòa chiều 27/9, ông Kiều Đào Lâm bày tỏ: "Nếu mảnh đất này bị thu hồi thì công ty chúng tôi chắc chắn sẽ phá sản, cuộc sống của người thân trong gia đình tôi sẽ bị khó khăn và ảnh hưởng nghiêm trọng. Với mong muốn giữ lại mảnh đất này, tôi xin đề xuất với hội đồng xét xử đồng ý với phương án cho công ty chúng tôi xin tự nguyện thực hiện nghĩa vụ bồi thường thay cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh và Đỗ Văn Hồng số tiền hơn 13 tỉ đồng mà PVC yêu cầu bồi thường.  Như vậy số tiền mà Trịnh Xuân Thanh và Đỗ Văn Hồng gây thiệt hại cho Nhà nước cũng đã được khắc phục hoàn toàn”.

Bên cạnh đó, ông Lâm tha thiết đề nghị hội đồng xét xử phúc thẩm ghi nhận sự tự nguyện này của Công ty Mai Phương. Đồng thời đề nghị hội đồng xét xử tuyên trả lại mảnh đất trên cho Công ty Mai Phương nhằm đảm bảo quyền lợi của người thứ ba ngay tình theo quy định của pháp luật.

Nếu được hội đồng xét xử chấp thuận, Công ty Mai Phương sẽ thu xếp nộp ngay số tiền hơn 13 tỉ đồng cho PVC để công ty có thể tiếp tục duy trì hoạt động. Việc thanh toán khoản tiền này, công ty sẽ tự giải quyết với bà Trần Dương Nga (vợ ông Thanh) ở một vụ án dân sự khác.

Trước đó, trong các ngày từ 8 - 15/3, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử và tuyên án phạt các bị cáo trong vụ án này.

Động đất ở Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo sóng thần

Đài Quan sát Quốc gia Athens cho biết trận động đất trên đảo Crete của Hy Lạp xảy ra vào khoảng 9h sáng 27/9, với tâm chấn cách thủ đô Athens của Hy Lạp khoảng 246 km về phía nam đông nam.

Trung tâm Địa chấn châu Âu - Địa Trung Hải và Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ nói trận động đất ở đảo Crete mạnh 6 độ, với tâm chấn cách ngôi làng Thrapsano 7 km về phía bắc.

Lính cứu hỏa tại một nhà thờ bị phá hủy sau trận động đất trên đảo Crete, Hy Lạp, hôm 27/9. (Ảnh: Reuters)

Tờ National News cho biết trận động đất ở đảo Crete đã khiến quốc gia láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ phát cảnh báo sóng thần. Hãng tin AFP dẫn nguồn tin từ truyền hình Hy Lạp cho biết ít nhất một người chết trong vụ động đất.

Truyền thông địa phương ở Crete ghi nhận một số thiệt hại, chủ yếu từ các căn nhà xây dựng bằng đá cổ ở những ngôi làng gần tâm chấn trận động đất. Trẻ em khu vực được sơ tán khỏi trường học.

Theo số liệu từ liên minh châu Âu (EU), Crete là đảo lớn nhất và đông dân nhất của Hy Lạp với dân số hơn 634.000 người.

Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong khu vực diễn ra địa chấn mạnh nhất thế giới. Nhiều trận động đất mạnh nhất thế giới được ghi nhận dọc theo một đường đứt gãy chạy qua Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp.

Trận động đất mạnh 7,4 độ năm 1999 tại tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ khiến hơn 17.000 người chết, trong đó khoảng 1.000 nạn nhân ở Istanbul. Trận động đất hồi tháng 7/2017 khiến hai người thiệt mạng tại đảo Kos, gần Samos, Hy Lạp./.

 

Đỗ Thoa (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực