Chuyển hồ sơ 4 gói thầu CDC Đắk Lắk sang cơ quan điều tra

Thứ tư, 03/08/2022 20:56
(ĐCSVN) - Chuyển hồ sơ 4 gói thầu CDC Đắk Lắk sang cơ quan điều tra; Dùng ngân sách mua sách giáo khoa cho học sinh mượn; Cả nước đã tiêm trên 246 triệu liều vaccine COVID-19; Trung Quốc khuyến cáo các hãng hàng không và vận tải biển tránh khu vực gần Đài Loan… là một số tin đáng chú ý hôm nay (03/8).

Chuyển hồ sơ 4 gói thầu do CDC Đắk Lắk làm chủ đầu tư sang cơ quan điều tra

Ngày 3/8, Thanh tra tỉnh Đắk Lắk cho biết đã ban hành Kết luận Thanh tra chuyên đề việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm xét nghiệm, vaccine phòng, chống COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Kết luận Thanh tra đã chỉ ra những vi phạm nghiêm trọng và đề nghị chuyển hồ sơ sang Công an tỉnh điều tra 4 gói thầu do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đắk Lắk làm chủ đầu tư.

Cụ thể, Thanh tra tỉnh Đắk Lắk chỉ ra tại CDC Đắk Lắk có 4/10 gói thầu có tồn tại, sai phạm. Tại 2 gói thầu mua sinh phẩm xét nghiệm, thiết bị và vật tư y tế tiêu hao (giá trúng thầu: 187 triệu đồng; chỉ định thầu rút gọn); mua, thay thế, sửa chữa tủ an toàn sinh học các loại phục vụ xét nghiệm phòng, chống dịch COVID-19 (giá trúng thầu 370,02 triệu đồng; chỉ định thầu rút gọn). Cả 2 gói thầu này đơn vị trúng thầu là Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á.

 Trụ sở CDC Đắk Lắk. Ảnh: NH.

Qua kiểm tra, chủ đầu tư không cung cấp được hồ sơ năng lực của đơn vị tư vấn thẩm định giá. Mặt khác, hồ sơ thẩm định giá ngoài chứng thư thẩm định giá, không có báo cáo thuyết minh và các tài liệu có liên quan đến kết quả thẩm định giá kèm theo; không thực hiện đầy đủ các quy trình thẩm định giá theo quy định...

Tại gói thầu mua, thay thế, sửa chữa tủ an toàn sinh học các loại phục vụ xét nghiệm phòng, chống dịch COVID-19 (giá trúng thầu hơn 370 triệu đồng), CDC Đắk Lắk thực hiện sửa chữa vượt quá số lượng so với đề xuất và nhu cầu sử dụng thực tế. Việc xác định khối lượng công việc cần sửa chữa, thay thế không cụ thể, rõ ràng. Một số linh kiện, vật tư được thay thế trước thời điểm ký kết hợp đồng; ký kết biên bản nghiệm thu khối lượng hoàn thành thiếu chặt chẽ…

Tại gói thầu mua sắm tủ đông âm sâu 86 độ phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 (giá trúng thầu 147,2 triệu đồng; chào hàng cạnh tranh), chủ đầu tư tự ý thay đổi thông số kỹ thuật của thiết bị mua sắm...

Ngoài ra, tại gói thầu mua sắm 14.000 test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 (giá trúng thầu hơn 1,8 tỷ đồng, chào hàng cạnh tranh), Thanh tra tỉnh xác định có 800 test không trùng với số lô (tương ứng số tiền 108 triệu đồng) có dấu hiệu của việc hợp thức hóa thủ tục nhập - xuất.

Với những sai phạm trên, Thanh tra tỉnh Đắk Lắk kiến nghị chuyển hồ sơ 4 gói thầu mua sắm do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk làm chủ đầu tư có dấu hiệu của hành vi thiếu trách nhiệm gây thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước, vi phạm quy định của pháp luật về đấu thầu sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Dùng ngân sách mua sách giáo khoa để cho học sinh mượn

Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ, sáng 3/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, sắp tới, sẽ tính phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn, sử dụng nhiều lần, trân trọng, gìn giữ sách để dùng lâu dài.

 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: Quochoi.vn

Những năm qua, vấn đề sách giáo khoa luôn được dư luận quan tâm. Ngoài vấn đề về tái sử dụng sách giáo khoa, thì giá sách giáo khoa cũng là một nội dung được nhiều người quan tâm.

Tại kỳ họp Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, với mong muốn học sinh luôn được mua sách giáo khoa với giá thấp nhất, Bộ đã tăng cường chỉ đạo cả ở góc độ quản lý nhà nước và góc độ chuyên môn. Về phương diện chuyên môn và kỹ thuật, Bộ đã chỉ đạo các nhà xuất bản thực hiện nghiêm các biện pháp xuất bản sách, sao cho sách có thể dùng lại nhiều lần và các bộ sách xuất bản mới theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã thực hiện đầy đủ điều này.

Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng đã nhiều lần ban hành văn bản chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cần thực hiện tiết kiệm tối đa, cắt giảm các khoản chi phí trung gian để giảm chi phí quản lý, chi phí bán hàng cũng như các chi phí khác nhằm đảm bảo giá sách giáo khoa được thấp nhất.

Cùng với đó, Bộ đã chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về cung cấp sách giáo khoa cho các đối tượng chính sách xã hội, học sinh các vùng và đã chỉ đạo đơn vị này cung cấp các bản sách dạng PDF miễn phí để học sinh tiếp cận được ngay từ khi sách bắt đầu phát hành.

Cả nước đã tiêm trên 246 triệu liều vaccine COVID-19

Chiều 3/8, thông tin từ Bộ Y tế cho biết, kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 10.785.122 ca nhiễm COVID-19, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.764 ca nhiễm).

Tính đến ngày 2/8/2022, Việt Nam đã tiêm 246.696.776 liều vaccine phòng COVID-19. Ảnh: VGP/Nhật Bắc 

Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày là 7.750 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi là 9.940.462 ca. Số bệnh nhân đang thở ô-xy là 80 ca. Trong đó, thở ô-xy qua mặt nạ là 68 ca; thở ô-xy dòng cao HFNC là 4 ca; thở máy không xâm lấn là 1 ca; thở máy xâm lấn là 7 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.094 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).

Trong ngày 2/8, có 314.806 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 246.696.776 liều, trong đó, số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 213.565.045 liều: Mũi 1 là 71.305.955 liều; Mũi 2 là 68.858.323 liều; Mũi 3 (vaccine Abdala) là 1.513.401 liều; Mũi bổ sung là 13.992.428 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 48.091.599 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 9.803.339 liều. Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 20.806.199 liều: Mũi 1 là 9.051.192 liều; Mũi 2 là 8.703.072 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 3.051.935 liều. Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 12.325.532 liều: Mũi 1 là 7.984.428 liều; Mũi 2 là 4.341.104 liều.

Trung Quốc khuyến cáo các hãng hàng không và vận tải biển tránh khu vực gần Đài Loan

Theo hãng tin Bloomberg, ngày 3/8, Trung Quốc đã khuyến cáo các hãng hàng không hoạt động ở châu Á tránh bay qua những khu vực xung quanh vùng lãnh thổ Đài Loan, nơi nước này đang tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật.

Một thông báo chính thức đã được đưa ra vào cuối ngày 2/8, chỉ định sáu khu vực không phận là “vùng nguy hiểm”, theo các hãng hàng không nhận được thông báo và Jang Chang Seog - một quan chức thuộc Bộ Giao thông Vận tải Hàn Quốc. Các chuyến bay sẽ bị hạn chế từ 12 giờ đêm ngày 4/8 đến 12 giờ đêm ngày 7/8.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã đến Đài Bắc vào tối 2/8 với tư cách là chính trị gia cấp cao nhất của Mỹ thăm Đài Loan trong 25 năm qua, khiến Trung Quốc bất bình và đưa ra một loạt phản ứng kinh tế, quân sự.

Bắc Kinh cảnh báo các hoạt động hàng không và hàng hải gần Đài Loan do diễn tập quân sự. Ảnh: AFR 

Công ty Hàng không Hạ Môn của Trung Quốc cũng thông báo điều chỉnh một số chuyến bay, trong khi hãng hàng không Hàn Quốc có kế hoạch định vị lại một số tuyến bay đến Nam Á để tránh bay qua không phận của Đài Loan trong thời gian Trung Quốc tập trận.

Các phi công của hãng Cathay Pacific Airways được khuyến cáo nên mang thêm nhiên liệu đảm bảo bay bổ sung 30 phút để điều chỉnh tuyến đường qua Đài Loan.

Trong khi đó, các cơ quan quản lý an toàn hàng hải địa phương của Trung Quốc cũng đưa ra nhiều khuyến cáo đối với các tàu đi qua một số vùng biển nhất định, với lý do các cuộc tập trận quân sự và diễn tập.

Sự gián đoạn của các hãng vận tải diễn ra khi căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh các công ty đang vật lộn với những khó khăn trong chuỗi cung ứng toàn cầu do xung đột Nga - Ukraine. Không rõ liệu lệnh cấm trên có được gia hạn hay không, nhưng chúng làm tăng thêm lo ngại về giá hàng hóa tăng vọt và rủi ro chuỗi cung ứng.

Tại sân bay quốc tế Xiamen Gaoqi, một trong những sân bay của Đại lục gần Đài Loan nhất, 123 chuyến bay đã bị hủy, trong khi 79% số chuyến bay vẫn hoạt động bình thường, theo nhà cung cấp dữ liệu Variflight. Tại sân bay quốc tế Fuzhou Changle ở Phúc Kiến, 93 chuyến bay đã bị hủy và 74% chuyến bay hoạt động bình thường.

Sau thông báo trên, Bộ Giao thông Vận tải Hàn Quốc đã ban hành một thông báo khác cho các hãng hàng không nước này để đảm bảo sự an toàn của các chuyến bay hướng đến Đài Loan. Tuy nhiên, Asiana Airlines, một hãng hàng không lớn khác của Hàn Quốc, cho biết vẫn chưa có thay đổi nào về hoạt động.

Trong khi đó, các hãng ANA Holdings Inc và Japan Airlines Co của Nhật Bản thông báo các chuyến bay của họ đến và đi từ Đài Loan vẫn hoạt động bình thường./.

 

PV tổng hợp

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực