Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bị đề nghị từ 19 - 20 năm tù

Thứ hai, 08/01/2024 21:25
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bị đề nghị từ 19 - 20 năm tù; Bắt giữ đối tượng vận chuyển 18.000 viên ma túy tổng hợp; Nhóm Taliban tại Pakistan thừa nhận đánh bom nhằm vào cảnh sát; Số người mất tích do động đất tại Nhật Bản lên tới hơn 300 người..., là những thông tin đáng chú ý trong ngày 8/1.

Cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bị đề nghị từ 19 - 20 năm tù

Sáng 8/1, phiên tòa xét xử sơ thẩm 38 bị cáo trong vụ án Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) chuyển sang phần tranh luận. Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với từng bị cáo.

Theo đó, đại diện Việt Kiểm sát đề nghị mức án từ 15 - 16 năm tù tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và từ 15 - 16 năm tù về tội “Đưa hối lộ” đối với Phan Quốc Việt (Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á), tổng hợp hình phạt chung đối với Việt là 30 năm tù. Bị cáo Vũ Đình Hiệp (Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) bị đề nghị từ 8 - 9 năm tù tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và 8 - 9 năm tù về tội “Đưa hối lộ”, tổng hợp hình phạt chung đối với Hiệp là 16 - 18 năm tù.

 Phiên tòa xét xử các bị cáo. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Sáu bị cáo bị xét xử về tội “Nhận hối lộ” gồm: Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) 19 - 20 năm tù; Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó Vụ trưởng, Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành Kinh tế - kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ) bị đề nghị từ 14 - 15 năm tù; Phạm Duy Tuyến (cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương) 13 - 14 năm tù; Nguyễn Huỳnh (cựu Phó Trưởng Phòng Quản lý giá thuốc, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế) 9 - 10 năm tù; Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế) và Nguyễn Nam Liên (cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế) cùng bị đề nghị từ 8 - 9 năm tù.

Hai bị cáo: Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng) và Phạm Công Tạc (cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) đều bị đề nghị từ 3 - 4 năm tù về cùng tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Ba bị cáo bị xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” gồm: Nguyễn Văn Trịnh (cựu Trợ lý Phó Thủ tướng) bị đề nghị từ 7 - 8 năm tù; Phạm Xuân Thăng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương) và Phạm Mạnh Cường (cựu Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hải Dương) cùng bị đề nghị từ 5 - 6 năm tù.

Hai bị cáo: Phạm Tôn Noel Thảo (Trợ lý Khối tài chính, Công ty Việt Á) và Hồ Thị Thanh Thảo (Thủ quỹ Công ty Việt Á) cùng bị đề nghị mức án từ 4 - 5 năm tù về tội “Đưa hối lộ”. Hai bị cáo: Nguyễn Thị Thanh Thủy (cựu chuyên viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) 3 - 4 năm tù, Nguyễn Bạch Thùy Linh (Giám đốc Công ty Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên SNB Holdings) từ 30 - 36 tháng nhưng cho hưởng án treo về cùng tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”.

21 bị cáo còn lại cùng bị xét xử về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” gồm 3 nhân viên Công ty Việt Á là: Trần Thị Hồng 3 - 4 năm tù, Lê Trung Nguyên và Trần Tiến Lực cùng mức 36 - 42 tháng tù; Nguyễn Mạnh Cường (cựu Kế toán trưởng CDC Hải Dương) 30 - 36 tháng tù; Nguyễn Thị Trang (cựu Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ tài chính, Sở Tài chính Hải Dương) 30 - 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Lâm Văn Tuấn (cựu Giám đốc CDC Bắc Giang) 6 - 7 năm tù; Ngụy Thị Hậu (cựu Phó trưởng phòng Tài chính Kế hoạch, CDC Bắc Giang) 36 - 42 tháng tù; Phan Huy Văn (Giám đốc Công ty Dược vật tư y tế Phan Anh - Bắc Giang) 42 - 48 tháng tù; Tiêu Quốc Cường (cựu Kế toán trưởng, cựu Phó trưởng Phòng Kế hoạch Tài chính, Sở Y tế Bình Dương) và Phan Thị Khánh Vân (nghề nghiệp tự do) 4 - 5 năm tù; Vũ Văn Doanh (Giám đốc Công ty Thẩm định giá Thăng Long) và Nguyễn Văn Định (cựu Giám đốc CDC Nghệ An) cùng mức 30 - 36 tháng nhưng cho hưởng án treo; Tạ Ngọc Chức (Giám đốc Công ty Thẩm định và đầu tư Toàn Cầu) 24 - 30 tháng tù; Nguyễn Thị Hồng Thắm (cựu Kế toán trưởng CDC Nghệ An) và Trần Thanh Phong (Phó trưởng Phòng Tài chính kế toán, CDC Bình Dương) cùng mức 24-30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Hồ Công Hiếu (thẩm định viên Công ty Cổ phần thông tin và thẩm định giá Miền Nam, chi nhánh Nghệ An) 24 - 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Nguyễn Thành Danh (cựu Giám đốc CDC Bình Dương) đề nghị xử phạt bằng thời hạn tạm giam 10 tháng 4 ngày; Lê Thị Hồng Xuyên (nhân viên CDC Bình Dương) 2 - 3 năm tù, Nguyễn Trường Giang (Tổng Giám đốc Công ty VNDAT) 3 - 4 năm tù; Nguyễn Thị Thúy (Giám đốc dự án Công ty VNDAT) 30 - 36 tháng tù; Ninh Văn Sinh (cựu Phó Giám đốc Công ty Cổ phần thẩm định giá Trung Tín) 18 - 24 tháng tù.

Bản luận tội nêu rõ: Lợi dụng chủ trương của Nhà nước về việc giao các đơn vị chủ động nghiên cứu chế tạo sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch, Phan Quốc Việt là Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á đã thông đồng, cấu kết với Trịnh Thanh Hùng để Hùng tác động Chu Ngọc Anh, Phạm Công Tạc quyết định cho Công ty Việt Á được phối hợp thực hiện Đề tài nghiên cứu chế tạo test xét nghiệm trái pháp luật.

Với mục đích được sản xuất, bán test xét nghiệm thu lời bất chính, Việt đã tiếp tục cấu kết với Trịnh Thanh Hùng, Nguyễn Thanh Long, Nguyễn Huỳnh, Nguyễn Văn Trịnh và các bị cáo khác thực hiện nhiều hành vi sai phạm giúp Công ty Việt Á được kiểm định test xét nghiệm; được nghiệm thu giai đoạn 1 của Đề tài để lập hồ sơ gửi Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành tạm thời, chính thức, biến test xét nghiệm từ sản phẩm thuộc sở hữu của Nhà nước thành sản phẩm thuộc sở hữu của Công ty Việt Á. Để được các đồng phạm can thiệp, giúp đỡ như nêu trên, Phan Quốc Việt đã thỏa thuận ăn chia, đưa tiền hối lộ, tiền cảm ơn nhiều lần, với tổng số tiền 3,45 triệu USD và 4 tỷ đồng.

Để tiêu thụ test xét nghiệm tại các địa phương với số lượng lớn và được thanh toán theo giá đã nâng khống, Phan Quốc Việt, Vũ Đình Hiệp và các nhân viên Công ty Việt Á đã thông đồng, cấu kết với lãnh đạo, nhân viên các cơ sở y tế công lập thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật về đấu thầu, ứng hàng sử dụng trước, hợp thức thủ tục, hồ sơ thanh toán sau theo đơn giá do Công ty Việt Á đưa ra trái quy định của Điều 89 Luật Đấu thầu. Quá trình tiêu thụ test xét nghiệm, Phan Quốc Việt chỉ đạo các nhân viên tính toán và chi tiền % ngoài hợp đồng; trực tiếp hoặc chỉ đạo Vũ Đình Hiệp, Phan Tôn Noel Thảo, Hồ Thị Thanh Thảo đưa hối lộ tổng cộng 34 tỷ đồng cho các lãnh đạo, nhân viên tại các cơ sở y tế công lập trên phạm vi cả nước.

Theo đại điện Viện Kiểm sát, tổng số tiền Phan Quốc Việt đưa hối lộ là hơn 106 tỷ đồng. Hành vi của Việt gây thiệt hại số tiền trên 1.235 tỷ đồng, trong đó thiệt hại cho Ngân sách Nhà nước hơn 431 tỷ đồng.

Quảng Trị: Bắt giữ đối tượng vận chuyển 18.000 viên ma túy tổng hợp

Sáng 8/1, Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh Quảng Trị cho biết Trạm Cảnh sát Giao thông Đakrông vừa bắt giữ một đối tượng vận chuyển 18.000 viên ma túy tổng hợp.

 Cán bộ, chiến sỹ ở Trạm Cảnh sát Giao thông Đakrông bắt đối tượng vận chuyển ma túy. (Nguồn: Cảnh sát Giao thông Đakrông)

Tối 7/1, từ nguồn tin báo có một đối tượng điều khiển xe môtô không biển số chạy hướng Lao Bảo-Đông Hà nghi vấn đang vận chuyển ma túy, Trạm Cảnh sát Giao thông Đakrông đã bố trí hai tổ công tác đón lõng kiểm tra phương tiện. Đến khoảng 21 giờ 25 phút cùng ngày, tại km 46 Quốc lộ 9 thuộc địa phận xã Đakrông, huyện Đakrông, khi thấy xe của đối tượng, Tổ công tác đã ra hiệu lệnh dừng kiểm tra. Tuy nhiên, lái xe không chấp hành và điều khiển phương tiện bỏ chạy. Sau đó, đối tượng đã bị các lực lượng chức năng truy đuổi, khống chế. Qua quá trình khám xét, lực lượng Công an phát hiện trên xe có bao giấy chứa ba gói, bên trong có 18.000 viên nén màu hồng nghi là ma túy tổng hợp.

Tại cơ quan chức năng, đối tượng khai nhận là Mai Thanh Phước, 43 tuổi, trú thôn Tân Tiến, xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa. Số viên nén trên là ma túy tổng hợp. Đối tượng vận chuyển thuê số ma túy này từ thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, đưa về một địa điểm tại thị trấn Cam Lộ. Cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, mở rộng vụ việc.

Nhóm Taliban tại Pakistan thừa nhận đánh bom nhằm vào cảnh sát

Ngày 8/1, nhóm Taliban tại Pakistan đã thừa nhận tiến hành vụ đánh bom trước đó cùng ngày nhằm vào một xe cảnh sát ở tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, Tây Bắc Pakistan, khiến 6 cảnh sát thiệt mạng và 10 người bị thương. Tuyên bố của nhóm Tehreek-e-Taliban Pakistan (TTP) thừa nhận đã tiến hành vụ đánh bom chỉ vài giờ sau khi nhà chức trách địa phương triển khai chiến dịch tiêm phòng bại liệt đầu tiên trong năm 2024.

 Hiện trường vụ đánh bom xe cảnh sát ở tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, Tây Bắc Pakistan ngày 8/1/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo giới chức địa phương, vụ tấn công xảy ra ở khu vực Mamund thuộc huyện Bajaur, giáp giới Afghanistan. Một xe tải chở khoảng 25 cảnh sát hỗ trợ triển khai chương trình tiêm phòng bại liệt đã bị cài thiết bị nổ. Cảnh sát huyện Bajaur cho biết tỉnh Khyber Pakhtunkhwa từng là thành trì của TTP. Hoạt động tiêm chủng trong khu vực xảy ra tấn công đã tạm dừng, các nhân viên y tế đều an toàn. Các chương trình tiêm chủng ở những nơi khác vẫn được tiến hành như kế hoạch.

Mỹ liệt TTP vào danh sách tổ chức khủng bố nước ngoài. Pakistan đã chứng kiến sự gia tăng trở lại các cuộc tấn công của lực lượng thánh chiến Hồi giáo kể từ năm ngoái sau khi lệnh ngừng bắn giữa chính phủ và TTP đổ vỡ.

Số người mất tích do động đất tại Nhật Bản lên tới hơn 300 người

Truyền thông Nhật Bản đưa tin tính đến 9h sáng 8/1 (theo giờ địa phương), số người mất tích trong vụ động đất tại tỉnh Ishikawa ngày 1/1 vừa qua đã tăng lên 323 người.

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm người mất tích sau động đất tại tỉnh Ishikawa, Nhật Bản ngày 6/1/2024 (Ảnh: Kyodo/TTXVN) 

Trong khi đó, theo đài NHK, số người thiệt mạng trong trận động đất có độ lớn 7,6 này đã tăng lên 168 người. Trong danh sách cập nhật do chính quyền tỉnh Ishikawa công bố, số người mất tích tại Wajima - một trong những khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất do động đất, đã tăng từ 31 người lên 281 người. Động đất đã làm sập hàng chục ngôi nhà tại Wajima, trong khi hỏa hoạn đã thiêu rụi một khu vực rộng lớn tại đây.

Tuyết rơi dày cản trở hoạt động cứu hộ trong khi hơn 2.300 người vẫn đang bị cô lập, chủ yếu do các tuyến đường bị chia cắt, sạt lở. Tính đến ngày 8/1, khoảng 18.000 hộ gia đình ở Ishikawa vẫn phải sống trong cảnh mất điện, trong khi hơn 66.100 hộ gia đình vẫn không có nước trong ngày 7/1. Khoảng 28.800 người đang phải trú trong các khu lánh nạn khẩn cấp, trong đó nhiều khu không có đủ điện, nước và thiết bị sưởi ấm.

Trong khi đó, nhà chức trách cảnh báo tuyết rơi dày, nhiều nơi lên tới hơn 10 cm, có thể khiến thêm nhiều nhà cửa bị sập và mưa kéo dài nhiều ngày có thể làm tăng nguy cơ sạt lở đất. Phát biểu trên đài NHK, Thống đốc tỉnh Ishikawa Hiroshi Hase tuyên bố chính quyền sẽ nỗ lực hết sức khắc phục hậu quả thảm họa. Ưu tiên hàng đầu hiện nay là cứu sống những người mắc kẹt dưới đống đổ nát và tiếp cận các cộng đồng bị cô lập. Hiện chính quyền đã triển khai nhiều máy bay trực thăng và binh lính tiếp cận các cộng đồng bị cô lập.

Trận động đất độ lớn 7,6 xảy ra ngày 1/1 bán đảo Noto thuộc tỉnh Ishikawa và các khu vực lân cận ở miền Trung Nhật Bản. Động đất kéo theo hàng trăm dư chấn. Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) đặt tên chính thức cho trận động đất là "Động đất bán đảo Noto 2024."

PV (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực