Cựu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh nhận hối lộ 14 tỷ đồng

Thứ tư, 09/08/2023 19:34
(ĐCSVN) - Cựu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh nhận hối lộ 14 tỷ đồng; Hà Nội muốn giữ nguyên, ổn định quận Hoàn Kiếm; Australia nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc sang Trung Quốc;… là những tin đáng chú ý trong ngày hôm nay (9/8).

Cựu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh nhận hối lộ 14 tỷ đồng

Ngày 9/8, Viện KSND Tối cao ban hành cáo trạng truy tố 17 bị can trong vụ án gian lận trong các gói thầu đầu tư trang thiết bị giáo dục, xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Quảng Ninh.

Theo cáo trạng, Hoàng Thị Thúy Nga, cựu Chủ tịch Công ty NSJ có mối quan hệ quen biết Vũ Liên Oanh, cựu Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh. Đầu năm 2016, khi biết được có chủ trương đầu tư trang thiết bị giáo dục và do Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư, Nga đến gặp Oanh trao đổi để các công ty trong nhóm NSJ Group trúng các gói thầu theo giá mà Nga ấn định trước.

Vũ Liên Oanh đồng ý và giới thiệu Nga gặp Ngô Vui, cựu Trưởng Phòng Kế hoạch tài chính, Sở GD&ĐT cùng các nhân viên cấp dưới. Cựu Giám đốc Sở còn chỉ đạo cấp dưới phối hợp với Nga thực hiện các thủ tục lập, triển khai dự án, tổ chức đấu thầu.

 Cựu Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh, Vũ Liên Oanh (Ảnh: Lâm Vinh).

Sau đó, Ngô Vui đã giao cho Hà Huy Long và Phạm Thị Hạnh cùng là Phó phòng Kế hoạch tài chính trực tiếp liên hệ, làm việc với Nga và nhóm nhân viên Công ty NSJ. Hoàng Thị Thuý Nga giao cho nhân viên Ban quan hệ khách hàng, Phòng dự án, Phòng sản phẩm Công ty NSJ là Lê Long Hải, Lê Đại Tấn, Hoàng Ngọc Hồng Phúc, Nguyễn Viết Hồng… phối hợp với Ngô Vui, Hà Huy Long, Phạm Thị Hạnh để triển khai thực hiện các gói thầu; lập hồ sơ cho quân xanh, quân đỏ.

Cơ quan công tố xác định, các bị can lợi dụng chức vụ can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu, thông thầu, gian lận bằng cách cố ý làm sai lệch thông tin, cung cấp thông tin không trung thực làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu. Hành vi của các bị can dẫn đến sự không minh bạch trong đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng.

Với hành vi nêu trên, nhóm bị can ở Sở GD&ĐT gồm Vũ Liên Oanh, Ngô Vui, Hà Huy Long, Phạm Thị Hạnh và nhóm bị can NSJ gồm Hoàng Thị Thúy Nga, Trần Thị Thanh Xuân, Ngô Mạnh Hùng và các nhân viên khác cùng bị truy tố tội “Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

Sau khi trúng thầu, Nga đã trực tiếp hoặc chỉ đạo nhân viên đưa hối lộ cho Vũ Liên Oanh, Ngô Vui, Hà Huy Long tổng số tiền hơn 30 tỷ đồng. Trong đó, Vũ Liên Oanh nhận 14 tỷ đồng, Ngô Vui nhận 14,8 tỷ đồng, Hà Huy Long nhận 1,36 tỷ đồng.

Hành vi nhận tiền của 3 người này tuy không có sự bàn bạc từ trước, nhưng việc nhận tiền lặp đi lặp lại nhiều lần sau mỗi lần các bị can thông đồng, tạo điều kiện cho Nga và Công ty NSJ trúng thầu trái quy định.

Vì vậy, Viện KSND Tối cao truy tố 3 bị can này thêm tội “Nhận hối lộ” và truy tố bị can Nga thêm tội “Đưa hối lộ”.

Hà Nội muốn giữ nguyên, ổn định quận Hoàn Kiếm

Ngày 9/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chủ trì đối thoại với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp TP Hà Nội.

 Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Viết Thành).

Liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết số 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, trong đó, quận Hoàn Kiếm thuộc diện sắp xếp đơn vị hành chính, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, ngày 7/8, Thường trực Thành ủy đã họp, thống nhất cao quan điểm và sẽ có chỉ thị về vấn đề này. Hà Nội sẽ thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính.

Tinh thần của Hà Nội là thực hiện nghiêm quy định của trung ương, tuy nhiên, đây là vấn đề rất hệ trọng, nhạy cảm, nhiều tâm tư, gắn với đời sống kinh tế, văn hóa, chính trị. Hà Nội sẽ rà soát, thống kê theo tiêu chí cứng là diện tích và dân số, bên cạnh đó có một tiêu chí rất quan trọng là văn hóa, lịch sử. Tiêu chí này cũng đã được nêu trong nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, quận Hoàn Kiếm rất đặc thù, thành phố sẽ tìm cách thuyết phục, tinh thần là bảo vệ giữ nguyên, ổn định quận.

Quận Hoàn Kiếm nằm ở trung tâm Thủ đô, rộng 5,29 km2, dân số gần 156.000 người với 18 phường. Đây là quận nhỏ nhất Hà Nội, nhưng là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của Thủ đô với 190 di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng như: Hồ Gươm, đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu, chùa Quán Sứ, đình Kim Ngân, chùa Báo Ân (chùa Liên Trì), tháp Báo Thiên, đền Vua Lê...

Australia nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc sang Trung Quốc

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, tập đoàn CBH - nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất của Australia - đã được phép nối lại hoạt động xuất khẩu lúa mạch sang Trung Quốc.

Đây là thông báo ngày 9/8 của Chính phủ Australia, chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc dỡ bỏ thuế chống bán phá giá từng được áp ở mức khá cao đối với lúa mạch nhập khẩu từ quốc gia châu Đại Dương này.

Trung Quốc đã tạm ngừng nhập khẩu lúa mạch từ CBH Grain, một công ty con của Tập đoàn CBH, vào cuối năm 2020 sau khi nghi ngờ tìm thấy sâu bệnh gây hại trong lúa mạch nhập từ CBH Grain.

 (Ảnh minh hoạ: AFP/TTXVN)

Động thái này diễn ra tại thời điểm quan hệ giữa hai nước đang ở mức thấp, khi Trung Quốc hạn chế một loạt hàng nhập khẩu của Australia bao gồm lúa mạch, rượu, than đá và tôm hùm.

Trong thông cáo chung ngày 9/8, các bộ trưởng thương mại và nông nghiệp Australia cho biết hai công ty CBH Grain và Emerald Grain Australia sẽ có thể nối lại giao dịch lúa mạch với Trung Quốc ngay sau khi nước này đăng ký lại hoạt động của hai nhà xuất khẩu nói trên.

Thông cáo nêu rõ vệc nối lại hoạt động xuất khẩu lúa mạch của hai nhà xuất khẩu này là kết quả của các cuộc thảo luận kỹ thuật đang diễn ra giữa hai nước. Đây là một bước tích cực khác hướng tới việc ổn định mối quan hệ của Australia với Trung Quốc.

Trước đó, ngày 5/8 vừa qua, Trung Quốc đã chấm dứt thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với lúa mạch Australia, khoảng 3 năm sau khi mức thuế 80,5% lần đầu tiên cắt đứt giao dịch hàng năm trị giá 1,5 tỷ AUD (khoảng 985 triệu USD) và khiến Canberra đệ đơn kiện tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Theo báo cáo của Chính phủ Australia năm 2022, tập đoàn CBH là nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất của Australia trong năm tài chính 2022./.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực