Dự kiến Việt Nam sẽ nhận thêm 3 triệu liều vaccine Moderna vào ngày 25/7

Thứ năm, 22/07/2021 21:45
(ĐCSVN) - Dự kiến, Việt Nam sẽ nhận thêm 3 triệu liều vaccine Moderna vào ngày 25/7; sẵn sàng ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới và mưa lũ; ngày 5/8 tới sẽ xét xử phúc thẩm vụ Ethanol Phú Thọ; WHO hối thúc Indonesia mở rộng phạm vi áp dụng lệnh phong tỏa nghiêm ngặt; tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) thiệt hại nặng nề do mưa lớn gây lũ lụt,…là một số tin tức đáng chú ý trong ngày 22/7.

Việt Nam sẽ nhận thêm 3 triệu liều vaccine Moderna

 Hơn 2 triệu liều vaccine Moderna phòng COVID-19 về đến sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội), sáng 10/7. Ảnh: TTXVN

Chiều 22/7, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi đề nghị cập nhật thông tin về 3 triệu liều vaccine Moderna Hoa Kỳ viện trợ cho Việt Nam qua COVAX và kết quả công tác “ngoại giao vaccine” của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:

Dự kiến, 3 triệu liều vaccine Moderna do Hoa Kỳ cung cấp cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX sẽ đến Việt Nam vào ngày 25/7 tới. Xác định việc tiếp cận được nhiều nguồn vaccine và nhanh chóng tiêm chủng diện rộng là một giải pháp quan trọng và cấp bách, công tác “ngoại giao vaccine” trong thời gian qua đã được triển khai một cách hết sức quyết liệt, khẩn trương với sự chỉ đạo và tham gia trực tiếp của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và nỗ lực của rất nhiều bộ, ngành hướng tới mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 70% dân số Việt Nam đạt miễn dịch cộng đồng ngay trong năm 2021. Theo thông tin từ Bộ Y tế, cho đến nay, các nước, các tổ chức quốc tế và các đối tác đã cam kết cung ứng cho Việt Nam 150 triệu liều vaccine thông qua đàm phán mua và viện trợ.

Cho đến thời điểm này, Việt Nam đã nhận được hơn 8 triệu liều vaccine hỗ trợ từ các nước và các đối tác, các tổ chức quốc tế. Các nước và các đối tác cũng cam kết tiếp tục ủng hộ vaccine cho Việt Nam trong thời gian tới, trong đó có thể kể đến COVAX sẽ phân bổ tiếp hơn 1 triệu liều, Hoa Kỳ hỗ trợ thêm 3 triệu liều thông qua cơ chế COVAX, Romania tặng hơn 100 nghìn liều, Australia cam kết hỗ trợ 1,5 triệu liều. Ngoài ra, các nước như Ấn Độ, Anh, Australia, Cuba và Đức… cũng đã có những cam kết cụ thể về viện trợ, ưu tiên, hợp tác chuyển giao công nghệ với Việt Nam. Về thiết bị, vật tư y tế và các nguồn lực phòng, chống dịch bệnh, Việt Nam cũng nhận được sự hỗ trợ hết sức có ý nghĩa từ UNICEF, các nước như Lào, Campuchia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Đức, Saudi Arabia.

* Cũng trong ngày 22/7, số ca mắc mới COVID-19 ở nước ta cao kỷ lục với 6.194 bệnh nhân. TP. Hồ Chí Minh tiếp tục dẫn đầu cả nước về số người mắc mới COVID-19 với tổng số 4.218 ca, sau đó đến Bình Dương (679), Long An (432), Đồng Nai (210),…

Sẵn sàng ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới và mưa lũ

 Dự báo hướng đi của áp thấp nhiệt đới (Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia)

Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 13 giờ ngày 22/7, áp thấp nhiệt đới trên vùng ven biển phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 70km về phía Đông Đông Bắc. Dự báo đến 13 giờ ngày 23/7, áp thấp nhiệt đới ở trên vùng biển Bắc Vịnh Bắc Bộ, cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 70km về phía Đông Nam với sức gió cấp 6, giật cấp 8; Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8.

Từ nay đến ngày 24/7, khu vực Bắc Bộ có mưa 50-150mm/đợt. Riêng Đông Bắc có mưa rất to từ 100-250mm/đợt, có nơi trên 250mm/đợt. Từ đêm 22/7 đến ngày 25/7, từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa phổ biến 50-150mm/đợt, riêng Thanh Hóa, Nghệ An có khả năng trên 200mm/đợt. Các tỉnh miền núi các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ.

Để chủ động ứng phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới và mưa lũ, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, các bộ, ngành chỉ đạo triển khai thực hiện việc theo dõi chặt chẽ, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm. Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới (gió cấp 6, giật cấp 8 trở lên) được xác định từ phía Bắc vĩ tuyến 20,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 107,5 đến 110,0 độ Kinh Đông (vùng nguy hiểm được điều chỉnh theo diễn biến của áp thấp nhiệt đới tại các bản tin của cơ quan dự báo). Các địa phương quản lý chặt chẽ việc ra khơi và kiểm đếm tàu thuyền, đặc biệt là các tàu cá đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới; duy trì thông tin liên lạc với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Vùng đồng bằng và ven biển rà soát, sẵn sàng tiêu úng bảo vệ sản xuất nông nghiệp, tiêu thoát nước khu vực trũng thấp, đô thị, khu công nghiệp.

Vùng núi triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét; chủ động phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao đến nơi an toàn; rà soát, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực ngập lụt, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.

Các địa phương kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra; triển khai công tác đảm bảo an toàn các hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản; kiên quyết xử lý các khu vực khai thác khoáng sản trái phép, không để xảy ra sự cố khi mưa lũ.

Những khu vực tổ chức sơ tán dân cần chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp với tình hình cụ thể tại các địa phương.

Ngày 5/8 xét xử phúc thẩm vụ Ethanol Phú Thọ, bị cáo Trịnh Xuân Thanh rút đơn kháng cáo

Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội cho biết, ngày 5/8 tới, tòa sẽ mở phiên xét xử phúc thẩm do có kháng cáo của các bị cáo và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ.

Dự kiến, phiên tòa xét xử phúc thẩm lần này sẽ diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 5 hết ngày 7/8). Tính đến thời điểm hiện tại có 6 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo cũng như những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

Trước đó, sau khi xét xử sơ thẩm, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã nhận được đơn kháng cáo của 7 bị cáo và 1 đơn vị có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, bị cáo Trịnh Xuân Thanh (sinh năm 1966, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC) đã rút đơn kháng cáo.

Sau phiên tòa xét xử sơ thẩm, bị cáo Đinh La Thăng (sinh năm 1960, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) không làm đơn kháng cáo.

WHO hối thúc Indonesia mở rộng phạm vi áp dụng lệnh phong tỏa nghiêm ngặt

 Một điểm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Tangerang, Indonesia, ngày 22/7/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Vài ngày sau khi Tổng thống Indonesia thông báo ý định nới lỏng các biện pháp phòng dịch COVID-19, ngày 22/7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã hối thúc nước này mở rộng phạm vi áp dụng lệnh phong tỏa nghiêm ngặt hơn để ứng phó với tình hình gia tăng số ca nhiễm mới và tử vong do COVID-19 tại nước này. 

WHO đưa ra khuyến cáo trên căn cứ vào đánh giá tình hình dịch bệnh thực tế tại quốc gia Đông Nam Á này trong bối cảnh Indonesia đã trở thành một trong những điểm nóng dịch bệnh COVID-19 trên thế giới trong vài tuần qua, với số ca nhiễm mới tăng gấp 5 lần trong 5 tuần qua. Trong tuần nay, số ca tử vong ghi nhận hằng ngày tại Indonesia đã vượt con số 1.300, đưa nước này vào danh sách những nước có số ca tử vong do COVID-19 hằng ngày cao nhất thế giới. 

Trong báo cáo mới nhất, WHO khẳng định ngoài việc thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp y tế phòng dịch cộng đồng và hạn chế xã hội, Indonesia cần có hành động khẩn cấp để ứng phó với tình trạng lây nhiễm gia tăng mạnh ghi nhận ở 13 trong tổng số 34 tỉnh của Indonesia hiện nay. 

Trong khi đó, giới chức Indonesia mới áp dụng những biện pháp phòng dịch như giãn cách xã hội tại nơi làm việc, đóng cửa các trung tâm thương mại  tại các đảo Java, Bali và địa phương nhỏ của đất nước. Trong khi đó, các khu vực kinh tế trọng điểm hoặc một số địa phương đều không áp đặt các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt. 

Tuần qua, tỷ lệ ca dương tính với SARS-CoV-2 trên tổng số người tham gia xét nghiệm là 30% mặc dù số ca nhiễm mới đã giảm. Tuy nhiên, WHO cho rằng với tỷ lệ dương tính trên tổng số người xét nghiệm trên 20% đồng nghĩa với việc tình hình dịch bệnh vẫn có nguy cơ lây nhiễm rất cao. Số liệu của WHO cho thấy Aceh là tỉnh duy nhất của Indonesia có tỷ lệ này dưới 20% (19%). 

Trung Quốc: Tỉnh Hà Nam thiệt hại nặng nề do mưa lớn gây lũ lụt   

 Một cây cầu bị phá hủy sau những trận mưa lớn tại thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, ngày 22/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Mưa lớn gây lũ lụt kinh hoàng đã khiến tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc bị thiệt hại nặng nề về người và của. Thành phố Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam, là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong thảm họa vừa xảy ra. 

Tính đến chiều 22/7, số người thiệt mạng và mất tích do đợt mưa lớn chưa từng có ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đã tăng lên 33 người, với 25 người thiệt mạng và 8 người vẫn bị mất tích.            

Ít nhất 25 người đã chết ở Hà Nam, trong đó riêng một đoàn tàu điện ngầm bị ngập nước ở thành phố thủ phủ Trịnh Châu đã cướp đi sinh mạng của 12 người vào tối 20/7. Quận Củng Nghĩa, cách trung tâm Trịnh Châu 80 km về phía Tây, báo cáo có ít nhất 4 người chết sau trận mưa lớn kỷ lục trong 60 năm qua tại thành phố này. Trận mưa lớn đã gây lụt lội, lở đất, làm sập nhiều tòa nhà và đường sá. Tổng cộng 376.000 người đã được sơ tán đến nơi an toàn và 256.000 người đã được di dời. Diện tích cây trồng bị ảnh hưởng là 215.000 ha, gây thiệt hại kinh tế trực tiếp khoảng 1,22 tỷ Nhân dân tệ.          

Ngày 21/7, ga đường sắt Đông Trịnh Châu, nơi đón hơn 600 chuyến tàu mỗi ngày, đã bị tê liệt do ngập lụt. Nhiều hành khách mắc kẹt đã được đưa đến những nơi an toàn trong thành phố và nhà ga phải phân phát thức ăn, nước uống cho những người còn mắc kẹt.           

Trên đường phố, hàng loạt xe ô tô nằm ngổn ngang sau khi bị trôi dạt do lũ lụt, một số chỗ thấp vẫn bị ngập, hầu hết các cơ sở kinh doanh dọc các tuyến phố vẫn đóng cửa. Hiện nay, phần lớn bùn ở thành phố Trịnh Châu và nước đọng trên các cây cầu đã được dọn sạch. Trong khi việc sửa chữa khẩn cấp các đường dây điện đang được tiến hành; tính đến tối 21/7, tổng cộng 468 trong tổng số 602 đường dây điện vẫn chưa được khôi phục./.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực