Gần 1,3 triệu người Việt Nam được xét nghiệm sàng lọc COVID-19

Thứ tư, 16/09/2020 20:18
(ĐCSVN) - Gần 1,3 triệu người Việt Nam được xét nghiệm sàng lọc COVID-19; trái cây Việt Nam bắt đầu xuất khẩu sang EU sau EVFTA; Nhật Bản công bố nội các mới, là những thông tin đáng chú ý trong ngày 16/9.

Gần 1,3 triệu người Việt Nam được xét nghiệm sàng lọc COVID-19

Xét nghiệm sàng lọc COVID-19. (Ảnh: Như Ý) 

Thông tin cập nhật lúc 15 giờ ngày 16/9 từ Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, từ 23/7- 15/9, đã thực hiện 645.787 xét nghiệm trong tổng số 1.083.798 xét nghiệm Realtime RT-PCR từ đầu dịch. Từ 23/7 - 15/9, Đà Nẵng đã thực hiện 152.202 xét nghiệm; Hà Nội đã thực hiện 124.439 xét nghiệm; TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện 122.452 xét nghiệm. Hiện nay, tổng số người đã được xét nghiệm là 1.260.628 lượt người.

Hôm nay đánh dấu ngày thứ 14 Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đến nay ghi nhận tổng cộng 691 ca lây nhiễm trong nước, trong đó số ca liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 là 551.

Hiện có 931 người đã khỏi bệnh trong tổng số 1.063 ca nhiễm. Số người tử vong do COVID-19 là 35.

Trong các bệnh nhân đang điều trị, 16 người xét nghiệm chuyển âm tính SARS-CoV-2 lần một, 12 người âm tính lần hai và 18 người âm tính lần ba. Ba bệnh nhân tiên lượng nặng, trong đó có bệnh nhân 604 ở Đà Nẵng.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly là hơn 32.000. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện hơn 400; cách ly tập trung hơn 15.000, còn lại ở nhà, nơi lưu trú.

Trong số các bệnh nhân đang điều trị hiện có 3 trường hợp có tiên lượng nặng, rất nặng và nguy kịch phải thở oxy hỗ trợ, trong đó 1 trường hợp nặng thở máy xâm nhập.

Đến thời điểm này số ca tử vong ở nước ta là 35 ca. Phần lớn các trường hợp tử vong ở nước ta đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hoá chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường tuyp 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng.

Trái cây Việt Nam bắt đầu xuất khẩu sang EU sau EVFTA

Chanh leo xuất khẩu. (Ảnh: VGP) 

Sau 1 tháng Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu nhiều loại nông sản sang EU đã tăng đột biến. Ngày 16/9, ngành Nông nghiệp Việt Nam lại đón nhận tin vui: Sau gạo và tôm, lần lượt cà phê và trái cây được sang châu Âu (EU) với thuế suất ưu đãi chưa từng có. Rau, quả tươi Việt Nam cũng được đánh giá đã và đang rộng cửa vào EU kể từ ngày 1/8 vừa qua. Hiện EU là thị trường xuất khẩu thứ tư của rau, quả Việt Nam.

Với nền tảng sẵn có này cộng thêm việc miễn giảm thuế nhập khẩu theo cam kết trong  EVFTA đang tiếp sức để giúp tăng khả năng cạnh tranh của trái cây Việt Nam so với các đối thủ. Đặt biệt, giá trị xuất khẩu các sản phẩm rau quả của Việt Nam sang EU trong tháng 8/2020 ước đạt 14,7 triệu USD, tăng 25,2% so với tháng trước.

Từ năm 2015 - 2018, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu chanh leo đã tăng hơn 300%, tương ứng từ 95.000 tấn quả tươi/năm (2015) lên 300.000 tấn quả tươi (2018) và kim ngạch từ 19,6 triệu USD lên 66,2 triệu USD, đưa Việt Nam vào top 10 quốc gia xuất khẩu chanh leo lớn nhất trên thế giới, sau Brazil, Peru, Ecuador…

Năm 2019, các sản phẩm chế biến từ chanh leo là mặt hàng nông sản xuất khẩu chiếm tỉ trọng cao (trên 65% tổng giá trị chanh leo xuất khẩu) và có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong các loại trái cây (tăng hơn 50% so với 2018). 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu chanh leo đạt 18,4  triệu USD, tăng 41% so với cùng kỳ 2019. 

Hiện chanh leo Việt Nam đã xuất khẩu tới cả các thị trường có yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, kiểm dịch và an toàn thực phẩm như Pháp, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc, Thụy Sĩ…

Nhật Bản công bố nội các mới

Các thành viên trong nội các mới của Nhật Bản. (Ảnh: Business Insider Japan/vov.vn)

Trong cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Nhật Bản ngày 16/9, các nhà lập pháp nước này đã bỏ phiếu bầu Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền – ông Suga Yoshihide trở thành Thủ tướng thứ 99 của Nhật Bản. Cùng ngày, tân Chánh văn phòng Nội các Kato Katsunobu đã chính thức công bố danh sách nội các mới của tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshidide.

Có 8 chức vụ chủ chốt được ông Suga giữ lại, đó là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Taro Aso; Bộ trưởng Ngoại giao Toshimitsu Motegi; Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Hiroshi Kajiyama; Bộ trưởng Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Kazuyoshi Akaba; Bộ trưởng Môi trường Shinjiro Koizumi; Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Yasutoshi Nishimura; và Bộ trưởng Olympic và Paralympic Seiko Hashimoto.

Ông Kishi Nobuo được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Phòng vệ thay ông Taro Kono sang làm Bộ trưởng Cải cách hành chính.

Có 5 Bộ trưởng được bổ nhiệm mới đó là Bộ trưởng Bộ Phòng vệ, Bộ trưởng Bộ Nông Lâm Thủy sản, Bộ trưởng Bộ phục hưng, Bộ trưởng Bộ sáng tạo địa phương, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ người tiêu dùng và Khoa học kỹ thuật. Có 4 Bộ trưởng lần thứ 2 vào Nội các.

Có 2 nữ Bộ trưởng là Bộ trưởng Tư pháp và Bộ trưởng trưởng Olympic và Paralympic.

Bộ được thành lập mới là Bộ Công nghệ số và Bộ Người tiêu dùng và Khoa học kỹ thuật.

Dư luận Nhật Bản cũng hy vọng nhiều vào nội các mới sẽ phát huy được những thành quả trước đó mà Nhật Bản đã đạt được.

Tân Chánh văn phòng Nội các Kato Katsunobu đã đánh giá cao những thành tựu mà ông Suga Yoshihide đã đạt được trước đó với tư cách là Chánh văn phòng Nội các, và cam kết sẽ kế thừa những thành quả đó của ông Suga./.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực