Hà Nội có 1.405 ca COVID 19

Chủ nhật, 19/12/2021 20:15
(ĐCSVN) - Ngày 19/12: Có 16.110 ca COVID-19, Hà Nội nhiều nhất với 1.405 ca; Bình Thuận: Sóng to, gió lớn làm 8 chiếc thuyền bị trôi dạt và chìm; Nghệ An: Lở đất khiến 5 cháu bé thương vong; Siêu bão Rai vào Philippines: Hơn 100 người đã thiệt mạng… là một số tin đáng chú ý hôm nay (19/12)
Nhân viên làm công tác xét nghiệm. (Ảnh: PV/Vietnam+) 

Ngày 19/12: Có 16.110 ca COVID-19, Hà Nội nhiều nhất với 1.405 ca

Bản tin dịch COVID-19 ngày 19/12 của Bộ Y tế cho biết có 16.110 ca mắc COVID-19 tại 60 tỉnh, thành phố; Hà Nội nhiều nhất cả nước với 1.405 ca. Trong ngày có gần 10.800 ca khỏi; 214 trường hợp tử vong.

Tính từ 16h ngày 18/12 đến 16h ngày 19/12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 16.110 ca nhiễm mới, trong đó 17 ca nhập cảnh và 16.093 ca ghi nhận trong nước (tăng 210 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố (có 10.542 ca trong cộng đồng).

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: Hà Nội (1.405), Cà Mau (1.345), TP. Hồ Chí Minh (1.014), Tây Ninh (941), Bến Tre (838), Cần Thơ (793), Đồng Tháp (780), Khánh Hòa (599), Vĩnh Long (593), Bình Phước (559), Bạc Liêu (537), Trà Vinh (493), Bình Định (434), Sóc Trăng (425), Đồng Nai (417), Hải Phòng (417), Thừa Thiên Huế (362), An Giang (344), Kiên Giang (312), Tiền Giang (277), Lâm Đồng (245), Bình Dương (245), Đắk Lắk (239), Bà Rịa - Vũng Tàu (221), Bắc Ninh (219), Thanh Hóa (186), Đà Nẵng (143), Quảng Ninh (139), Quảng Ngãi (137), Bình Thuận (135), Nghệ An (124), Gia Lai (108), Phú Yên (96), Hưng Yên (80), Long An (69), Quảng Nam (69), Hà Giang (67), Nam Định (67), Vĩnh Phúc (67), Hải Dương (59), Lạng Sơn (54), Ninh Thuận (51), Đắk Nông (51), Thái Bình (44), Bắc Giang (41), Quảng Bình (37), Hà Tĩnh (37), Thái Nguyên (31), Phú Thọ (26), Hà Nam (22), Quảng Trị (18), Sơn La (17), Tuyên Quang (16), Yên Bái (14), Lào Cai (11), Hòa Bình (7), Cao Bằng (7), Điện Biên (5), Hậu Giang (3), Lai Châu (1).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hậu Giang (-337), Bình Thuận (-193), Bình Phước (-156).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hải Phòng (+209), Hà Nội (+161), Bình Định (+155).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 15.505 ca/ngày.

 Do ảnh hưởng bão số 9, trên vùng biển tỉnh Bình Thuận có sóng to, gió lớn (Ảnh: TTXVN) 

Bình Thuận: Sóng to, gió lớn làm 8 chiếc thuyền bị trôi dạt và chìm

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận, do ảnh hưởng bão số 9, trên vùng biển tỉnh có sóng to, gió lớn và ghi nhận một số thiệt hại do ảnh hưởng của bão làm 8 chiếc thuyền bị trôi dạt và chìm, 1 người tử vong.

Cụ thể, tại xã Chí Công (huyện Tuy Phong) có 3 chiếc thuyền bị trôi dạt, 5 chiếc thuyền bị chìm. Một người bị tử vong được xác định là anh L.V. K. (sinh năm 1983, ngụ xã Chí Công). Nguyên nhân được xác định vào sáng 19/12, anh K. bơi thuyền thúng ra tàu cá để neo đậu lại tàu, nhưng gặp gió to nên thuyền thúng bị lật và anh K. tử vong.

Để đảm bảo công tác phòng, chống bão số 9 hiệu quả, tỉnh Bình Thuận cấm tàu, thuyền, phương tiện vận tải hoạt động và đánh bắt hải sản trên biển từ 6 giờ ngày 18/12. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận, UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm tổ chức kiểm đếm, hướng dẫn các chủ phương tiện, kêu gọi các tàu đang hoạt động trên biển vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn, không đi vào vùng nguy hiểm của bão; hướng dẫn neo đậu, sắp xếp tàu, thuyền tại các bến bãi, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Các tàu nhỏ công suất dưới 30CV nên kéo lên bờ để bảo đảm an toàn khi bão đổ bộ trực tiếp.

UBND tỉnh yêu cầu các địa phương khẩn trương tổ chức kiểm tra các vùng trọng điểm, vùng thường xuyên bị sạt lở khi bão đổ bộ; triển khai ngay kế hoạch sơ tán dân ra khỏi các vùng nguy hiểm ven biển, cửa sông nguy cơ bị sóng biển, triều cường gây nước dâng cao ở các vùng trũng, ngập lụt; cắt tỉa cây xanh, chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, công sở, các khu vực có lồng, bè nuôi trồng thủy sản trên biển, nhất là tại huyện Phú Quý và Tuy Phong. Công tác ứng phó với bão số 9 phải đảm bảo phòng, chống dịch COVID- 19.

Đối với huyện đảo Phú Quý, UBND huyện chủ động trong mọi tình huống, không để bị động, bị cô lập, chia cắt giữa đảo với đất liền khi bão vào Biển Đông gây ảnh hưởng trực tiếp; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, nhu yếu phẩm, thuốc y tế để ứng phó, khắc phục sự cố, bảo đảm an toàn trên biển trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Để chủ động ứng phó bão số 9 đổ bộ, Bình Thuận cũng chuẩn bị phương án di dời, sơ tán hơn 46.900 người ở vùng xung yếu, ven biển bị ảnh hưởng trực tiếp. Trong đó, huyện đảo Phú Quý cần di dời, sơ tán 219 hộ với 991 khẩu.

Hiện trường vụ lở đất (Ảnh: plo.vn) 

Nghệ An: Lở đất khiến 5 cháu bé thương vong 

Chiều ngày 19/12, ông Lữ Trung Thành, Chủ tịch UBND xã Nậm Nhóong, huyện Quế Phong (Nghệ An) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra vụ lở đất làm 5 cháu bé thương vong.

Theo đó, khoảng 11h45 ngày 19/12, 6 cháu nhỏ đang chơi tại khu đất mới múc để làm nhà của gia đình ông C.V.T ở bản Huồi Cam, khu Lin Khượng xã Nậm Nhóong, huyện Quế Phong, thì bất ngờ đất trên cao đổ ập xuống vùi lấp 5 cháu.

Nhận được tin báo chính quyền xã Nậm Nhóong đã lập tức có mặt tại hiện trường, điều động máy múc cùng người dân khẩn trương nỗ lực cứu các cháu nhỏ đang bị vùi trong đống đất đá. Tuy nhiên, 1 cháu bé đã không qua khỏi, 4 cháu khác bị thương.

Cháu bé tử vong được xác định là C.T.T (SN 2010), con anh C.V.T và chị L.T.N cũng trú tại bản Huồi Cam, khu Lin Khượng xã Nậm Nhóong.

“Khu đất được gia đình ông C.V.T thuê anh Đ.T.H múc một ít để chuẩn bị làm nhà vào ngày 15/12, đến hôm nay thì bị sạt lở khiến một cháu bé tử vong, trong 4 cháu đi cấp cứu thì có một cháu bị thương nặng”, ông Lữ Trung Thành cho biết thêm.

Hiện tại, thi thể cháu T đã được bàn giao cho gia đình để mai táng theo phong tục địa phương. 4 cháu còn lại đang tiếp tục được điều trị cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Quế Phong.

Siêu bão Rai tàn phá TP Cebu ngày 17-12. (Ảnh: AP) 

Siêu bão Rai vào Philippines: Hơn 100 người đã thiệt mạng

Hãng tin AP ngày 19/12 cho biết siêu bão Rai đổ bộ Philippines đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 112 người, buộc khoảng 300.000 người phải sơ tán.

Theo đài BBC, siêu bão Rai với sức gió 195 km/giờ đang tàn phá các hòn đảo phía Đông Nam Philippines. Lực lượng cứu hộ mô tả quang cảnh họ nhìn thấy giống như "bãi chiến trường". Việc thống kê số thương vong và thiệt hại trở nên khó khăn vì một số khu vực bị cắt đứt liên lạc.

AP đưa tin ít nhất 112 người đã thiệt mạng sau khi siêu bão Rai đổ bộ Philippines. Nguy cơ lở đất và lũ lụt có thể cướp đi nhiều sinh mạng hơn trong những ngày tới.

Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) vừa đưa ra thông báo khẩn, yêu cầu hỗ trợ 21,5 triệu USD để phục vụ công tác cứu trợ dài hạn. Chủ tịch Chữ thập đỏ Philippines Richard Gordon nói rằng nhà cửa, bệnh viện, trường học và các tòa nhà cộng đồng đã bị xé toạc thành những mảnh vụn.

Hàng ngàn binh sĩ, lực lượng tuần duyên và cứu hỏa được triển khai ở các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất để tìm kiếm và cứu hộ. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cũng đáp máy bay thị sát các khu vực bị bão tàn phá. Những khu vực bị ảnh hưởng nặng bao gồm Siargao, Dinagat và Mindanao. Thống đốc quần đảo Dinagat, Arlene Bag-Ao, mô tả khu vực này "đã bị bão san bằng".

Rai là cơn bão mạnh nhất đổ bộ Philippines kể từ đầu năm nay. Thiệt hại mà siêu bão này gây ra đang gợi nhớ tới siêu bão Haiyan năm 2013 khiến hơn 6.000 người ở Philippines thiệt mạng.

Trong khi đó, hàng ngàn người ở Malaysia phải đi sơ tán do lũ lụt sau 2 ngày mưa lớn. Các quan chức địa phương ngày 18/12 cho biết lũ lụt xuất hiện ở nhiều nơi khi mưa lớn tiếp tục trút xuống từ sáng 17/12, làm nhiều tuyến đường cao tốc bị cô lập.

Hơn 3.500 người đã được sơ tán ở bang Selangor, theo Thủ hiến bang này Amirudin Shari. Cơ quan Khí tượng học Malaysia cảnh báo rằng mưa lớn dự kiến sẽ kéo dài ở 12/16 bang và vùng lãnh thổ cho đến ngày 19/12.

Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob đã ra lệnh cho quân đội, cảnh sát và các cơ quan an ninh khác nhanh chóng sơ tán người dân.

Lũ lụt tồi tệ nhất ở Malaysia trong nhiều thập kỷ xảy ra vào năm 2014, buộc khoảng 118.000 người phải sơ tán./.

P.V (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực