Hải Dương ghi nhận cả hai biến thể nCoV nguy hiểm

Thứ tư, 24/02/2021 20:22
(ĐCSVN) - Hải Dương ghi nhận cả hai biến thể nCoV nguy hiểm; 117.600 liều vaccine COVID-19 đầu tiên đã về Việt Nam; Đề xuất cấm xe thô sơ ở TP Hồ Chí Minh sau năm 2025; Mỹ cảnh báo Trung Quốc "tránh xa" quần đảo tranh chấp với Nhật Bản… là những tin đáng chú y trong ngày hôm nay (24/2).

Hải Dương ghi nhận cả hai biến thể nCoV nguy hiểm

Hải Dương ghi nhận cả hai biến thể nCoV nguy hiểm. (Ảnh minh họa) 

Kết quả giải trình tự gene bệnh nhân Hải Dương ghi nhận 28 ca nhiễm nCoV biến thể Anh, một trường hợp nhiễm biến thể Nam Phi, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết hôm nay 24/2.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói rõ chủng nCoV gây bệnh phổ biến tại Hải Dương hiện nay là biến thể từ Anh. Ngoài ra, từ kết quả giải trình tự gene một ca nhiễm biến thể Nam Phi, có thể cho thấy một số trường hợp cũng nhiễm chủng này.

Đây đều là những biến thể nCoV có khả năng lây truyền cao hơn 70% so với chủng đã biết. Trong đó biến thể từ Nam Phi nguy hiểm hơn biến thể Anh do có khả năng đánh lừa kháng thể.

"Ngành y tế đang tiến hành xét nghiệm gene diện rộng để xem tại sao xuất hiện biến chủng Nam Phi ở thành phố Hải Dương", Bộ trưởng Long nói.

Sau khi phát hiện trường hợp nhiễm biến thể Nam Phi, Bộ Y tế đã chỉ đạo Hải Dương quyết liệt khoanh vùng cách ly, triển khai phòng chống dịch.

Hai biến thể nCoV khiến COVID-19 tại Hải Dương bùng phát mạnh, lan nhanh chóng. 28 ngày qua, Hải Dương ghi nhận 627 ca COVID-19, nhiều nhất cả nước. Dịch lan tại 13 tỉnh thành.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Long cũng công bố kết quả giải trình tự gene "bệnh nhân 2229" (người Nhật tử vong tại Hà Nội), nhiễm biến thể nCoV nhóm 20C, lần đầu xuất hiện ở Việt Nam.

Việt Nam ghi nhận 5 biến chủng nCoV kể từ giữa năm ngoái đến nay, xuất phát từ chủng gốc Vũ Hán, gồm Anh, Nam Phi, Rwanda, nhóm 20C và một đột biến thể G (đợt dịch Đà Nẵng tháng 7-8/2020).

Các chuyên gia trên thế giới cảnh báo dù số người mắc COVID-19 đang giảm mạnh nhưng dịch hoàn toàn có thể tái bùng phát vì có nhiều biến chủng xuất hiện.

117.600 liều vaccine COVID-19 đầu tiên đã về Việt Nam

 Vận chuyển đưa lô vaccine từ sân bay về VNVC. (Ảnh: Báo SGGP)

Khoảng 10 giờ sáng nay (24/2), lô vaccine phòng COVID-19 đầu tiên đã có mặt tại Việt Nam trên chuyến bay KE351 của Hãng hàng không Korean Air (Hàn Quốc). Đây là vaccine của hãng dược phẩm nổi tiếng toàn cầu AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford (Vương quốc Anh) nghiên cứu và sản xuất.

Lô vaccine được đưa về Việt Nam theo hợp đồng giữa Hệ thống tiêm chủng VNVC và Tập đoàn AstraZeneca đã ký từ tháng 11/2020.

Theo đó, hệ thống tiêm chủng VNVC đã đặt mua 30 triệu liều vaccine COVID-19 của AstraZeneca trong năm 2021. Số vaccine này được giao thành nhiều đợt, lô đầu tiên gồm 117.600 liều sẽ được đưa về hệ thống kho lạnh chuyên dụng của VNVC và AstraZeneca.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, lô vaccine đầu tiên về rất kịp thời cho công tác phòng, chống dịch của chúng ta hiện nay. Mặc dù Việt Nam đã nỗ lực kiểm soát tốt dịch bệnh, tuy nhiên để thực hiện được mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế thì nhất định cần thực hiện tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho người dân để tạo miễn dịch cộng đồng.

Ngay sau khi về đến sân bay Tân Sơn Nhất, hoàn thành các thủ tục thông quan, lô vắc xin này sẽ được đưa tới hệ thống kho lạnh chuyên dụng của Trung tâm tiêm chủng VNVC và AstraZeneca tại TP. Hồ Chí Minh.

Trước đó, Việt Nam đã đặt mua 30 triệu liều vắc xin COVID-19 của AstraZeneca. Số vắc xin được giao thành nhiều đợt, lô đầu tiên gồm 117.600 liều.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 vào sáng cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, số vắc xin này sẽ được thực hiện tiêm trên cả nước vào đầu tháng 3.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Bộ Y tế sẽ chuẩn bị kịch bản tiêm với lộ trình cung cấp vaccine trong năm 2021. Trong quý 1 sẽ tiêm 1,3 triệu liều, quý 2 sẽ tiêm 9,5 triệu liều, quý 3 sẽ có 25,9 triệu liều và quý 4 sẽ tiêm 51,1 triệu liều.

Đề xuất cấm xe thô sơ ở TP Hồ Chí Minh sau năm 2025

Người đàn ông chạy xe ga gác chở tôn cồng kềnh trên đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp, năm 2020. (Ảnh: https://vnexpress.net). 

Sở Giao thông Vận tải đề xuất lập vành đai giới hạn xe cơ giới 3 bánh và thô sơ 3-4 bánh chạy vào nội đô TP Hồ Chí Minh, tiến đến cấm toàn bộ loại xe này sau năm 2025.

Trong tờ trình phương án điều chỉnh tổ chức giao thông với xe cơ giới 3 bánh và xe thô sơ 3-4 bánh ở TP Hồ Chí Minh vừa được Sở Giao thông Vận tải gửi UBND thành phố, trước khi cấm toàn bộ loại xe này, việc hạn chế hoạt động được đề xuất theo hai lộ trình.

Trong đó từ nay đến năm 2022, toàn bộ xe cơ giới 3 bánh và thô sơ 3-4 bánh bị cấm chạy vào khu trung tâm, được giới hạn bởi các tuyến đường: Hai Bà Trưng - Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi - Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thị Nghĩa - Cách Mạng Tháng Tám - Điện Biên Phủ - Hai Bà Trưng.

Ngoài ra, các xe này không được chạy vào các tuyến: Phan Đình Giót (đoạn từ đường Nguyễn Văn Trỗi đến Trường Sơn), Trường Sơn (từ đường Phan Đình Giót đến Hồng Hà), Nam Kỳ Khởi Nghĩa (từ đường Nguyễn Văn Trỗi đến Điện Biên Phủ), Võ Văn Kiệt (từ đường Lò Gốm đến Tôn Đức Thắng) và 3 tuyến Trần Quốc Hoàn, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Văn Trỗi.

Cũng từ nay đến năm 2022, khung 5h-13h và 16h-22h, tất cả xe 3 bánh và thô sơ từ 3-4 bánh bị cấm chạy vào nội đô thành phố, giới hạn bởi hành lang: hướng Bắc và Tây là quốc lộ 1 (từ giao lộ quốc lộ 1 - xa lộ Hà Nội đến nút giao quốc lộ 1 - đường Nguyễn Văn Linh); hướng Đông là xa lộ Hà Nội (từ giao quốc lộ 1 - xa lộ Hà Nội đến nút giao Cát Lái) - Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống (đến đường Võ Chí Công);

Hướng Nam là đường Võ Chí Công (từ Đồng Văn Cống đến cầu Phú Mỹ) - cầu Phú Mỹ - đường trên cao (từ cầu Phú Mỹ đến nút giao Khu A Nam Sài Gòn) - đường Nguyễn Văn Linh (đoạn từ nút giao Khu A Nam Sài Gòn đến Quốc lộ 1).

Ngoài ra trong giờ cao điểm 6h-8h và 16h-19h, xe 3 bánh và thô sơ từ 3-4 bánh cũng bị đề xuất cấm chạy vào 8 tuyến: quốc lộ 1; 1K, 13, 50, 22, xa lộ Hà Nội, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Lương Bằng. Việc cấm sẽ áp dụng từng đoạn trên các tuyến này.

Giai đoạn 2022-2025, vành đai và các tuyến đường cấm xe 3 bánh, thô sơ từ 3-4 bánh không thay đổi nhưng được đề xuất tăng giờ cấm vào khu nội đô suốt thời gian 5h-22h. Sau năm 2025, loại xe này bị cấm hoạt động ở TP Hồ Chí Minh.

Mỹ cảnh báo Trung Quốc "tránh xa" quần đảo tranh chấp với Nhật Bản

Quần đảo Senkaku tại biển Hoa Đông (Ảnh: Kyodo) 

Bộ Quốc phòng Mỹ yêu cầu Trung Quốc dừng đưa tàu vào vùng biển xung quanh quần đảo tranh chấp với Nhật Bản ở biển Hoa Đông.

"Chúng tôi tán thành với cộng đồng quốc tế về quần đảo Senkaku và chủ quyền đối với quần đảo Senkaku. Chúng tôi ủng hộ Nhật Bản trong việc tuyên bố chủ quyền tại đó và chúng tôi kêu gọi Trung Quốc tránh những hành động, như sử dụng tàu hải cảnh, dẫn đến tính toán sai lầm và có thể gây thiệt hại", Thư ký Báo chí Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby nói trong cuộc họp báo ngày 23/2.

Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi hoan nghênh tuyên bố của đại diện Lầu Năm Góc, cho rằng tuyên bố này phù hợp với quan ngại chung của hai nước về nỗ lực đơn phương của Trung Quốc hòng làm thay đổi hiện trạng tại biển Hoa Đông.

Nhật Bản và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) trên biển Hoa Đông. Hiện Nhật Bản kiểm soát quần đảo này và chính phủ Nhật Bản tuyên bố Senkaku là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Nhật Bản.

Tuyên bố của Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc được đưa ra sau khi 2 tàu hải cảnh Trung Quốc xuất hiện gần Senkaku trong 2 ngày 20-21/2. Trước đó, Nhật Bản thường xuyên phát hiện tàu hải cảnh Trung Quốc đi vào vùng biển xung quanh quần đảo tranh chấp.

Bộ Ngoại giao Mỹ tuần trước đã bày tỏ quan ngại về luật hải cảnh mới của Trung Quốc, trong đó cho phép lực lượng hải cảnh Trung Quốc nổ súng vào tàu nước ngoài hoặc phá hủy các thực thể tại các vùng biển Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền. Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng Trung Quốc có thể sử dụng luật này để hăm dọa các nước láng giềng.

Tương tự các chính quyền tiền nhiệm, chính quyền Tổng thống Joe Biden tuyên bố quần đảo Senkaku nằm trong phạm vi kiểm soát của hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật. Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ bảo vệ Nhật Bản trong trường hợp xảy ra xung đột./.

 

 

 

Trung Anh (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực