Hàng loạt cán bộ lãnh đạo bị thi hành kỷ luật

Thứ ba, 26/04/2022 19:40
(ĐCSVN) - Hàng loạt cán bộ lãnh đạo bị thi hành kỷ luật; VN-Index cắt chuỗi giảm liên tiếp trong nhiều ngày; Giá đồng ruble tăng lên mức cao nhất trong hơn 2 năm... là những tin đáng chú ý trong ngày 26/4.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư kỷ luật hàng loạt cán bộ

Ngày 26/4, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật.

Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận thấy những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận các nhiệm kỳ 2010 - 2015, 2015 - 2020, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận các nhiệm kỳ 2011 - 2016, 2016 - 2021 và các đồng chí: Huỳnh Văn Tí, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy (nhiệm kỳ 2005 - 2010, 2010 - 2015); Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy (nhiệm kỳ 2015 - 2020); nguyên Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy (nhiệm kỳ 2010 - 2015); Lê Tiến Phương, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy (nhiệm kỳ 2005 - 2010, 2010 - 2015); nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (nhiệm kỳ 2011 - 2016); Nguyễn Ngọc Hai, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy (nhiệm kỳ 2015 - 2020); nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (nhiệm kỳ 2016 - 2021); Lương Văn Hải, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy (nhiệm kỳ 2015 - 2020), nguyên Phó Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh (nhiệm kỳ 2016 - 2021), Hồ Lâm, nguyên Tỉnh ủy viên (nhiệm kỳ 2015 - 2020), nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (giai đoạn 2014 - 2020) đã gây hậu quả nghiêm trọng và rất nghiêm trọng, thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, phát sinh nhiều đơn, thư tố cáo, phản ánh kéo dài, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy và chính quyền địa phương. 

Đồng chí Nguyễn Ngọc Hai, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy (nhiệm kỳ 2015 - 2020); nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận (nhiệm kỳ 2016 - 2021) bị khai trừ ra khỏi Đảng - Ảnh: Zing 

Vi phạm của các đồng chí: Võ Tấn Thái, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa; Lê Văn Dẽ, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa; Diệp Dũng, nguyên Thành ủy viên, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh gây hậu quả rất nghiêm trọng, gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, mất uy tín cá nhân.

Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm, theo quy định của Đảng về xử lý kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận các nhiệm kỳ 2010 - 2015, 2015 - 2020, Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận các nhiệm kỳ 2011 - 2016, 2016 - 2021 và đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng; khiển trách đồng chí Huỳnh Văn Tí. 

Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với các đồng chí: Nguyễn Ngọc Hai, Lương Văn Hải, Hồ Lâm, Võ Tấn Thái, Lê Văn Dẽ, Diệp Dũng; cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với đồng chí Lê Tiến Phương.

VN-Index cắt chuỗi giảm liên tiếp trong nhiều ngày

Thị trường chứng khoán ngày 26/4 chứng kiến lực cầu bắt đáy tăng mạnh vào cuối phiên chiều, giúp VN-Index cắt chuỗi giảm liên tiếp trong những ngày qua. Đóng phiên, VN-Index tăng 30,42 điểm lên 1.341,34 điểm. Toàn sàn có 338 mã tăng, 42 mã giảm và 10 mã đứng giá. HNX-Index tăng 7,66 điểm lên 345,17 điểm. Toàn sàn có 173 mã tăng, 64 mã giảm và 34 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 1,61 điểm lên 101,15 điểm. Tính chung toàn thị trường, tổng giá trị khớp lệnh đạt 24.322 tỷ đồng; trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE đạt 21.004 tỷ đồng.

Đóng phiên 26/4, VN-Index tăng 30,42 điểm lên 1.341,34 điểm, toàn sàn có 338 mã tăng, cắt chuỗi giảm liên tiếp trong những ngày qua 

Điểm sáng của thị trường hôm nay phải kể tới nhóm ngân hàng, khi đóng vai trò dẫn dắt cũng như trụ đỡ cho thị trường. Các cổ phiếu vốn hoá lớn như như BID, MBB, VPB, TCB, CTG, ACB, SHB… đồng loạt xanh điểm từ phiên sáng và duy trì được sắc xanh đến cuối phiên.

Cùng lúc đó, nhóm bất động sản, xây dựng khi các cổ phiếu đồng loạt phục hồi và bứt phá tăng mạnh giúp thị trường nhuộm màu xanh. Thậm chí, một vài cổ phiếu đầu phiên sáng giảm sàn và sát giá sàn nhưng kết phiên lại tăng kịch trần như DIG, CEO, NLG, NBB, ITA, HBC…

Nhóm chứng khoán cũng thu hút được lực cầu tham gia lớn; trong đó, APG, APS hay VND đảo chiều từ sàn lên trần, trong khi đó HBS, HAC tăng hơn 8%, VIG, VIX, MBS, HCM cũng tăng hơn 5%. 

Sự trở lại của nhóm VN30 với mức tăng hơn 30,51 điểm cũng củng cố đà tăng cho thị trường hôm nay; trong đó, VRE tăng trần, SAB, VPB, BVH, MBB, POW, GAS, HDB đều tăng hơn 4%. 

Về cuối phiên, sắc xanh của thị trường lan tỏa sang các nhóm ngành nghề trên thị trường, chỉ có ngành thuỷ sản sau những phiên tăng điểm ấn tượng thì hôm nay tiếp tục bị điều chỉnh mạnh, cổ phiếu đại diện ngành như IDI, ANV, FMC, CMX đỏ điểm, ACL thậm chí nằm sàn, chỉ VHC tăng song biên độ rất hẹp.

Khối ngoại vẫn ghi nhận tâm lý lạc quan với giá trị mua ròng ở sàn HoSE lên tới hơn 1.040 tỷ đồng, tập trung vào các mã VHM, DGC, DPM, BVH, DCM…

Trước đó, kết phiên sáng nay, VN-Index giảm nhẹ 3,8 điểm xuống 1307,12 điểm. Thậm chí, thị trường vẫn diễn biến có phần kém tích cực, có thời điểm VN-Index giảm gần 50 điểm về ngưỡng 1.260 điểm. 

Giá đồng ruble tăng lên mức cao nhất trong hơn 2 năm  

Giá đồng ruble của Nga đã chạm mức cao nhất trong hơn 2 năm so với đồng euro trong đầu phiên giao dịch ngày 26/4, trước khi chốt phiên ổn định gần mức ghi nhận vào cuối ngày 25/4.  

Đồng ruble tiền giấy và tiền xu tại thủ đô Moskva, Nga. Ảnh: THX/TTXVN 

Vào lúc 08h17 GMT (tức 15h17 giờ Việt Nam), giá đồng ruble tăng 0,3% lên giao dịch ở mức 76,90 ruble đổi 1 euro, sau khi chạm mức 75,95 ruble/euro trước đó đầu phiên - mốc cao nhất kể từ đầu tháng 3/2020. Giá đồng nội tệ Nga cũng tăng hơn 0,1% so với đồng USD, ở mức 73,04 ruble đổi 1 USD. 

Hoạt động giao dịch vẫn khá trầm lắng và có phần thất thường so với mức ghi nhận trước ngày 24/2, thời điểm Nga bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. 

Theo nhóm phân tích của ngân hàng Promsvyazbank, yếu tố có thể hỗ trợ cho đồng ruble trong tuần này là việc các công ty Nga sẽ phải trả thuế thu nhập vào ngày 28/4. Tuy nhiên, thời hạn thanh toán đối với thuế khai thác khoáng sản của Nga kết thúc vào ngày 25/4. Điều này có thể hạn chế phần nào mức tăng giá của đồng ruble. 

Các nhà phân tích nhận định các khoản thanh toán thuế trong tháng 4/2022 của các doanh nghiệp Nga có thể đạt mức kỷ lục mới. Trong khi đó, một báo cáo ngắn gần đây của ngân hàng đầu tư Sberbank CIB cho biết hoạt động bán ngoại tệ của các nhà xuất khẩu sau khi Chính phủ Nga nới lỏng kiểm soát tiền tệ gần đây có thể kết thúc trong tuần này. Khi đó, đồng ruble có thể sẽ chịu áp lực. 

Một yếu tố khác cũng chi phối tâm lý thị trường trong phiên này là quyết định về lãi suất của Ngân hàng trung ương Nga tại cuộc họp vào ngày 29/4 tới. 

Cuộc thăm dò của hãng tin Reuters dự báo Ngân hàng Trung ương Nga sẽ giảm lãi suất cơ bản khoảng 20% xuống còn 15%, trong nỗ lực kích thích cho vay nhiều hơn khi nền kinh tế đối mặt với lạm phát cao. Lãi suất thấp hơn hỗ trợ nền kinh tế, nhưng cũng có thể thúc đẩy lạm phát và khiến đồng ruble dễ bị tổn thương hơn trước các cú sốc từ bên ngoài./.

Gia Hưng (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực