Hơn 80.000 bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi bệnh

Thứ ba, 10/08/2021 20:36
(ĐCSVN) - Hơn 80.000 bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi bệnh; 3 nhóm người cần trì hoãn tiêm vaccine COVID-19; Đề xuất giảm phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; Tuyên bố cứng rắn của em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, là một số tin đáng chú ý hôm nay 10/8.

Hơn 80.000 bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi bệnh

Tính từ 06h00 đến 18h00 ngày 10/8 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 3.241 ca nhiễm ở trong nước, với 453 ca cộng đồng, tại 32 tỉnh thành.

Tính chung trong ngày 10/8, cả nước có 8.390 ca COVID-19 mới, trong đó 5 ca nhập cảnh và 8.385 ca ghi nhận trong nước (giảm 938 ca so với hôm qua), với 1.115 ca được phát hiện trong cộng đồng.

Bệnh nhân COVID-19 được ra viện (Ảnh: MoH)

Việt Nam có 228.135 ca nhiễm trong đó có 2.367 ca nhập cảnh và 225.768 ca nhiễm trong nước. Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 224.198 ca, trong đó có 77.574 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Đáng chú ý, trong ngày có 4.428 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 80.348 ca.

Việt Nam đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng, với tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 9.987.587 liều, trong đó tiêm một mũi là 8.984.300 liều, tiêm mũi 2 là 1.003.287 liều.

3 nhóm người cần trì hoãn tiêm vaccine COVID-19

Trong Hướng dẫn tạm thời Khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine phòng COVID-19, ban hành ngày 10/8, Bộ Y tế vẫn phân chia người tiêm chủng thành 4 nhóm lớn, gồm: Đủ điều kiện tiêm chủng; Cần thận trọng tiêm chủng; Trì hoãn; và Chống chỉ định. Có những thay đổi trong từng nhóm.

Trước đây, có 5 phân nhóm người phải trì hoãn tiêm chủng, tuy nhiên, theo hướng dẫn mới, chỉ còn ba phân nhóm, gồm: Người có tiền sử rõ ràng đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng; Người đang mắc bệnh cấp tính; Phụ nữ mang thai dưới 13 tuần.

 Tiêm vaccine COVID-19 (Ảnh: Hữu Khoa)

Vì vậy, phụ nữ mang thai trên 13 tuần và cho con bú vẫn được tiêm vaccine (nếu có cam kết), tuy nhiên không áp dụng với vaccine Sputnik V. Họ thuộc nhóm người cần thận trọng tiêm chủng.

Bộ Y tế cũng yêu cầu cơ quan tiêm chủng phải ghi chép, lưu giữ cơ sở dữ liệu tiêm chủng của các đối tượng bao gồm cả trường hợp chống chỉ định vào phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe toàn dân. Phiếu khám sàng lọc trước tiêm chủng và phiếu cam kết đồng ý tiêm chủng được lưu tại đơn vị tổ chức tiêm trong 15 ngày.

Đề xuất giảm phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Ngày 10/8, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết đơn vị này đã có văn bản đề xuất tới Bộ Giao thông Vận tải giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, trong đó giảm 30% giá vé hiện tại đang áp dụng cho đối tượng xe tải từ loại 2 trở lên.

Theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, thành phố Hà Nội và các địa phương lân cận đã lập các chốt kiểm soát để kiểm soát dịch bệnh, dẫn đến ùn tắc cục bộ trên một số tuyến quốc lộ, trong đó có Quốc lộ 5.

 Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (Ảnh: VIDIFI)

Thời gian thực hiện giảm giá trong vòng 1 tháng sau khi Bộ Giao thông Vận tải có văn bản chấp thuận việc giảm giá. Phần doanh thu thu phí bị giảm do việc giảm giá được cập nhật vào phương án tài chính của dự án.

Tổng cục Đường bộ cũng đề nghị Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) có trách nhiệm xây dựng biểu giá mới sau khi giảm giá để làm cơ sở thu phí dịch vụ sử dụng dịch vụ đường bộ.

Hết thời gian trên, VIDIFI sẽ thu phí dịch vụ sử dụng đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng như mức trước khi thực hiện giảm giá. Trường hợp dịch bệnh còn diễn biến phức tạp cần tiếp tục hỗ trợ, Tổng cục Đường bộ sẽ báo cáo Bộ Giao thông Vận tải xem xét chấp thuận việc gia hạn thời gian giảm giá.

Theo đánh giá của Tổng cục Đường bộ, việc giảm phí cũng góp phần chia sẻ chi phí với các đơn vị vận tải và thu hút các phương tiện chuyển hướng lưu thông từ Quốc lộ 5 sang cao tốc Hà Nội-Hải Phòng.

Tuyên bố cứng rắn của em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

Bà Kim Yo-jong, em gái quyền lực của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ngày 10/8 đã chỉ trích chính quyền Hàn Quốc "phản bội" khi tiến hành cuộc tập trận quân sự chung với Mỹ. Trước đó, truyền thông Hàn Quốc đưa tin Mỹ và Hàn Quốc sẽ bắt đầu cuộc huấn luyện sơ bộ kéo dài 4 ngày, bắt đầu từ 10/8, trước khi tổ chức tập trận giả lập trên máy tính từ ngày 16-26/8.

Tuyên bố của bà Kim Yo-jong - Phó chủ nhiệm thứ nhất của Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên - được đưa ra bất chấp sự tan băng gần đây trong quan hệ Hàn - Triều, khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in liên tục trao đổi thư cá nhân.

Bà Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un, gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Seoul năm 2018 (Ảnh: AP)

Tháng trước, Hàn Quốc và Triều Tiên đã nhất trí khôi phục đường dây liên lạc xuyên biên giới, vốn bị cắt đứt từ hơn một năm trước, đồng thời thông báo các nhà lãnh đạo của hai nước đã đồng ý cải thiện quan hệ.

Em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho rằng sẽ không thể có hòa bình ổn định trên bán đảo Triều Tiên trừ khi Mỹ rút binh sĩ và vũ khí khỏi Hàn Quốc.

Theo giới phân tích, hiện vẫn chưa rõ liệu việc bà Kim Yo-jong đe dọa nâng cao năng lực tấn công phủ đầu có báo hiệu việc Triều Tiên nối lại hoạt động thử nghiệm vũ khí hay không. Tuy nhiên, Triều Tiên không thực hiện bất kỳ vụ thử vũ khí nào kể từ đó, khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un tập trung mọi nỗ lực vào việc đối phó với đại dịch COVID-19 và cứu vãn nền kinh tế đang gặp khó khăn nghiêm trọng do đóng cửa biên giới để chống dịch.

Mỹ hiện duy trì khoảng 28.500 quân tại Hàn Quốc. Các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc đã được thu hẹp lại trong những năm gần đây để tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng để đổi lại việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Các cuộc đàm phán đã sụp đổ vào năm 2019. Mặc dù cả Triều Tiên và Mỹ đều khẳng định sẵn sàng đối thoại, song cả hai cũng nói rằng hành động của bên này sẽ phụ thuộc vào thiện chí của phía bên kia./.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực