Lần đầu tiên nước ta cơ bản làm chủ công nghệ sản xuất alumin

Thứ năm, 16/04/2020 20:00
(ĐCSVN) - Lần đầu tiên nước ta cơ bản làm chủ công nghệ sản xuất alumin; Bằng mọi giá không được để dịch lây lan vào Quân đội; WTO khuyến cáo nên đợi thêm ít nhất 2 tuần để nới lỏng biện pháp hạn chế, là một số tin đáng chú ý hôm nay 16/4.
Lần đầu tiên nước ta cơ bản làm chủ công nghệ sản xuất alumin

""Lãnh đạo Chính phủ và các Bộ, ngành đánh giá đây là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, mang lại hiệu quả tổng thể cả về kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, góp phần quan trọng vào việc thay đổi bộ mặt của Tây Nguyên theo nguyên tắc khai thác hiệu quả tiềm năng của Tây Nguyên để phát triển Tây Nguyên"".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp về Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về Quy hoạch, phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến quặng bauxite giai đoạn từ năm 2007 đến 2015, có xét đến năm 2025 tổ chức tại Hà Nội ngày 16/4.
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, 2 dự án thí điểm đầu tư khai thác và chế biến quặng bauxite thành alumin, nguyên liệu chính để luyện nhôm là Tân Rai ở tỉnh Lâm Đồng và Nhân Cơ ở tỉnh Đắk Nông được khởi công vào năm 2008 và 2010. Sau quá trình hoạt động, từ năm 2017, các nhà máy đã bắt đầu có lãi, sớm hơn 1 năm so với kế hoạch.

Nhờ sử dụng công nghệ Bayer hiện đại, độ tinh khiết của alumin đạt cao hơn thiết kế, tiêu hao năng lượng ít hơn. Cả hai nhà máy này đều thực hiện đúng pháp luật về ngân sách, thuế và phí, đồng thời đã cơ bản trả xong vốn vay và lãi ngân hàng.

Lần đầu tiên nước ta cơ bản làm chủ công nghệ sản xuất alumin với nguồn nhân lực trẻ, đồng thời, thu hút được nhà đầu tư để bước đầu hình thành ngành công nghiệp alumin và luyện nhôm, từ đó thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế tạo cơ khí, thiết bị và hóa chất phụ trợ.

Thu nhập của người dân địa phương tăng cao, từ trung bình 17 triệu đồng/năm trước năm 2007 lên 65 triệu đồng/năm.

Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam khẳng định, nếu giá alumin thế giới xuống thấp từ 12-17% thì cả hai dự án vẫn có hiệu quả kinh tế.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương tiếp thu ý kiến từ lãnh đạo các Bộ, ngành, nhất là của các tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông để hoàn thiện báo cáo và thay mặt Ban cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị. Nội dung báo cáo cần toàn diện, có chiều sâu và tầm nhìn xa hơn về phát triển ngành công nghiệp alumin và nhôm ở Việt Nam đến năm 2025 và 2030.

Trong tương lai nếu phát triển ngành công nghiệp alumin và nhôm trên cơ sở của 2 nhà máy này, thì phải gắn với thị trường, bảo đảm hiệu quả kinh tế, cũng như đặc biệt quan tâm tới bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, nhất là bảo vệ môi trường sống của đồng bào Tây Nguyên bao gồm núi rừng, nước, không khí và không gian văn hóa đặc sắc của các dân tộc ít người.

Bằng mọi giá không được để dịch lây lan vào Quân đội 

“Nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của Quân đội trong thời điểm hiện nay là bằng mọi giá không được để dịch lây lan vào Quân đội”, Thượng tướng Trần Đơn nhấn mạnh tại hội nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Bộ Quốc phòng lần thứ 11 tổ chức chiều 16/4 tại Hà Nội.

Quang cảnh hội nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 Bộ Quốc phòng chiều 16/4. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Theo Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần, bên cạnh điều chỉnh kế hoạch thời gian, lực lượng để thực hiện các nhiệm vụ quân sự, chính trị theo tinh thần Chỉ thị 16-CT/TTg, toàn quân đã sử dụng công nghệ thông tin trong hội nghị, giao ban, giảng dạy, làm việc tại nhà (30% quân số các đơn vị chiến lược), hạn chế tối đa quân nhân ra ngoài doanh trại, các tổ đội cơ động phòng, chống dịch tiếp tục được rà soát, kiện toàn.

Quân đội cũng xây dựng kế hoạch triển khai 7 bệnh viện dã chiến; tổ chức 144 điểm cách ly với lực lượng tham gia hơn 6.000 người. Đến nay đã cách ly 53.431 người, tổ chức đưa 48.968 người hết cách ly về địa phương an toàn. Hiện còn trên 5.300 người đang thực hiện cách ly.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng đã tổ chức 1.540 tổ với gần 6.000 cán bộ, chiến sĩ, phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng trên địa bàn tăng cường tuần tra, kiểm soát cửa khẩu, ngăn chặn nhập cảnh trái phép qua các đường mòn, lối mở trên toàn tuyến biên giới.

Phát biểu tại hội nghị, Thượng tướng Trần Đơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Chỉ đạo biểu dương những nỗ lực của toàn quân trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua. 

Những kết quả bước đầu này sẽ không thể đạt được nếu không có sự đồng lòng, chung tay của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các tầng lớp Nhân dân.

"Chúng ta cảm thấy ấm lòng vì Nhân dân tin yêu Quân đội, có nơi bảo rằng chỉ cần thấy bộ đội là yên tâm. Đó như một lời nhắc nhở cán bộ, chiến sỹ toàn quân phải luôn làm hết trách nhiệm, phận sự của mình, đó là vì Nhân dân phục vụ," Thượng tướng Trần Đơn nói.

Đồng chí Thứ trưởng cũng nhấn mạnh nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của Quân đội trong thời điểm hiện nay là bằng mọi giá không được để dịch lây lan vào Quân đội, phải giữ được quân số khỏe, lường trước những khả năng khác, duy trì sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống./.

WHO khuyến cáo nên đợi thêm ít nhất 2 tuần để nới lỏng biện pháp hạn chế

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các quốc gia đang nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 nên đợi thêm ít nhất 2 tuần để đánh giá tác động của những thay đổi này trước khi tiếp tục bước đi tiếp theo.

WHO: Các biện pháp nới lỏng hạn chế cần thực hiện từ từ (Ảnh: AFP)

Trong Bản cập nhật Chiến lược công bố ngày 15/4, WHO cho rằng thế giới đang đứng trước “bước ngoặt then chốt" trong đại dịch COVID-19, nhấn mạnh “tốc độ, quy mô và tính công bằng phải là những nguyên tắc chỉ đạo" khi quyết định biện pháp nào là cần thiết.

Mỗi quốc gia nên thực hiện các biện pháp y tế công khai toàn diện để duy trì ổn định số ca nhiễm ở mức thấp hoặc không có sự lây nhiễm nào, cũng như chuẩn bị khả năng sẵn sàng ứng phó nhanh chóng để kiểm soát dịch bệnh lây lan.

Một số quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất đang cân nhắc dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa và bắt đầu hướng tới khôi phục cuộc sống bình thường, song bất cứ bước đi nào cũng cần được tiến hành từ từ, và có thời gian để đánh giá tác động của chúng trước khi tiến hành các bước tiếp theo.

“Lý tưởng nhất sẽ là 2 tuần (tương ứng thời kỳ ủ bệnh) giữa mỗi giai đoạn của quá trình chuyển đổi, qua đó cho phép có đủ thời gian để nắm được nguy cơ bùng phát các đợt dịch mới và có ứng phó phù hợp”, Bản cập nhật nêu rõ, đồng thời cảnh báo “nguy cơ tái phát và bùng phát dịch bệnh COVID-19 sẽ vẫn tiếp tục”./.

Anh Tuấn (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực