Một trẻ nhỏ tử vong vì ăn quả hồng châu

Thứ tư, 02/08/2023 21:29
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – 1 trẻ tử vong trong số 11 trẻ bị ngộ độc do ăn quả hồng châu; Xử phạt vi phạm hành chính hơn 500 triệu đồng đối với hành vi mua bán động vật quý hiếm; Công ty thứ 4 tại Ấn Độ phải ngừng hoạt động vì sản xuất siro ho chứa độc tố;… là một số tin tức đáng chú ý trong ngày 2/8.

1 trẻ tử vong trong số 11 trẻ bị ngộ độc do ăn quả hồng châu

Liên quan đến vụ 11 trẻ bị ngộ độc do ăn quả hồng châu xảy ra tại huyện Đồng Văn, theo Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang, bác sỹ Chuyên khoa II Nguyễn Quốc Dũng, mặc dù được điều trị tích cực nhưng vì nhiễm độc quá nặng nên đến khoảng gần 20 giờ ngày 1/8, cháu S.T.M (9 tuổi, ở thôn Chua Só, xã Tả Lủng, huyện Đồng Văn) đã tử vong. Cũng trong chiều tối 1/8, sau khi hội chẩn, Bệnh viện đã chuyển 3 cháu về Bệnh viện Nhi Trung ương. 3 bệnh nhi này vào viện trong tình trạng ngộ độc nặng, gây tình trạng rối loạn chuyển hóa, lúc mơ, lúc tỉnh, hô hấp kém, đau đầu, đau bụng, tổn thương thị giác… Sau nhiều giờ điều trị tích cực, hiện tình trạng của các cháu đã tạm thời ổn định, tỉnh táo, bớt buồn nôn, nôn, đau đầu, thị giác được cải thiện.

 Quả hồng châu chứa độc tố, có thể nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng nếu ăn phải (Ảnh: Sở Y tế Hà Giang)

Trước đó liên tiếp trong 2 ngày 31/7 và 1/8, Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đã tiếp nhận 11 trẻ, độ tuổi từ 3 -12 tuổi, là người dân tộc thiểu số bị ngộ độc do ăn quả hồng châu. Các cháu này ở thôn Chua Só, xã Tả Lủng và thôn Hồng Ngài, xã Lũng Táo, huyện Đồng Văn. Theo gia đình nạn nhân, vào dịp nghỉ hè, các cháu đi cắt cỏ cho gia súc, rồi rủ nhau hái quả hồng châu ăn. Sau khi ăn các cháu đều có triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, đau bụng, buồn nôn.

Hồng châu mọc ở khu vực núi đá thuộc dạng cây leo. Quả hồng châu tròn, to gần bằng quả trứng gà, khi chín quả có màu tím (trông giống nhưng nhỏ hơn quả vú sữa của miền Nam) và thường chín rộ từ tháng 6 - 8. Hồng châu là loại quả rất độc, khi ăn phải sẽ bị suy hô hấp, trụy tim mạch dẫn đến tử vong.

Xử phạt vi phạm hành chính hơn 500 triệu đồng đối với hành vi mua bán động vật quý hiếm

Ngày 2/8, Văn phòng UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, UBND tỉnh đã ban hành hai quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hai vợ chồng ở xã Xà Bang, huyện Châu Đức do vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm. Tổng mức tiền phạt trên hơn 500 triệu đồng.

 Vật chứng thu giữ gồm một cá thể nghi là kỳ đà (còn sống), bị đứt chân sau bên trái được đựng trong túi lưới có khối lượng là 2,4kg. (Ảnh: TTXVN)

Cụ thể, theo Quyết định số 1766/QĐ-XPHC, H.T.B.D (29 tuổi) bị xử phạt hành chính 288 triệu đồng vì có hành vi mua bán động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB trị giá dưới 3 triệu đồng và mua bán động vật rừng, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật rừng thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB với số lượng dưới 3 cá thể lớp chim, bò sát hoặc động vật lớp khác. Ngoài ra, V.Q.T (33 tuổi, chồng của D) cũng bị xử phạt về hành vi tương tự với số tiền 288 triệu đồng.

Trước đó, vào lúc 13 giờ 30 phút ngày 6/5, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế -ma túy, Công an huyện Châu Đức phối hợp với Công an thị trấn Ngãi Giao, Hạt Kiểm lâm liên huyện Châu Đức - Bà Rịa tiến hành kiểm tra, phát hiện T cùng vợ có hành vi mua bán động vật nguy cấp quý hiếm tại trước nhà số 409 Hùng Vương thuộc khu phố Ngãi Giao, thị trấn Ngãi Giao.

Vật chứng thu giữ gồm cá thể nghi là kỳ đà (còn sống), bị đứt chân sau bên trái, đựng trong túi lưới (có khối lượng 2,4kg) và một số tang vật liên quan.

Hai vợ chồng T cũng khai nhận tại nhà ở ấp Liên Đức, xã Xà Bang đang nuôi nhốt cá thể mèo rừng và cá thể chồn. Sau đó đã giao nộp cho Công an.

Công ty thứ 4 tại Ấn Độ phải ngừng hoạt động vì sản xuất siro ho chứa độc tố

Ngày 2/8, giới chức Ấn Độ cho biết lực lượng chức năng nước này đã phát hiện những sai phạm trong quy trình nghiên cứu và sản xuất tại công ty dược Riemann Labs - doanh nghiệp có sản phẩm siro ho liên quan đến các ca tử vong ở trẻ em tại Cameroon.

Sản phẩm siro Naturcold có chứa độc tố  theo cảnh báo của WHO. (Ảnh: DW) 

Riemann Labs đã phải ngừng sản xuất sau cuộc thanh tra trên và là công ty dược phẩm thứ 4 tại Ấn Độ phải tạm dừng hoạt động sau khi bị phát hiện hành vi sai phạm. Trước đó, Ấn Độ cũng đã đình chỉ giấy phép sản xuất của 3 công ty dược phẩm là: QP Pharmachem Ltd, Maiden Pharmaceuticals và Marion Biotech Pvt. Ltd do có những sai phạm trong sản xuất siro ho cho trẻ em.

Riemann Labs là đơn vị sản xuất thuốc siro ho Naturcold. Vào tháng 7 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đề nghị nhà chức trách Ấn Độ hỗ trợ xác định nguồn gốc xuất xứ của loại siro ho liên quan đến các trường hợp trẻ nhỏ tử vong ở Cameroon. Theo WHO, loại siro Naturcold trị ho và cảm lạnh đang được bán tại  Cameroon có chứa hàm lượng chất độc hại diethylene glycol cực cao.

Các cơ quan quản lý Ấn Độ đang tiến hành thanh tra các hãng dược phẩm, sau khi siro ho sản xuất tại nước này bị cho là có liên quan đến hàng chục trường hợp trẻ em tử vong tại nhiều nước. Kể từ tháng 6 năm nay, Ấn Độ đã thắt chặt việc kiểm tra hoạt động xuất khẩu siro ho, buộc các công ty phải có giấy chứng nhận phân tích của phòng thí nghiệm chính phủ trước khi xuất khẩu sản phẩm.

Vào năm 2022, Bộ Y tế Uzbekistan cho biết 18 trẻ em nước này đã tử vong sau khi uống loại siro ho do hãng dược phẩm Marion Biotech của Ấn Độ sản xuất. Trước Uzbekistan, Gambia ghi nhận vụ việc tương tự với 70 trẻ em nước này tử vong sau khi sử dụng siro ho do hãng dược Maiden Pharmaceutical của Ấn Độ sản xuất./.

KG (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực