Tân Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình là cựu Bí thư Trung ương Đoàn

Thứ hai, 25/07/2022 20:47
(ĐCSVN) - Hòa Bình có tân Bí thư Tỉnh ủy là cựu Bí thư Trung ương Đoàn; Hà Nội: Vận hành nhà máy điện rác lớn nhất nước; Dừng tìm kiếm tàu cá Bình Thuận bị chìm cùng 6 thi thể ngư dân; Tiếng Việt là ngoại ngữ phổ biến thứ ba ở Australia… là một số tin trong nước và thế giới đáng chú ý hôm nay (25/7).

Ông Nguyễn Phi Long làm Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình

Chiều 25/7, Tỉnh ủy Hòa Bình tổ chức Hội nghị triển khai quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ. Theo đó, Bộ Chính trị quyết định điều động, phân công, chỉ định ông Nguyễn Phi Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình thay cho ông Ngô Văn Tuấn.

Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã trao quyết định của Bộ Chính trị cho ông Nguyễn Phi Long (Ảnh: Đức Thắng)

Trước đó, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Ngô Văn Tuấn được Bộ Chính trị điều động, chỉ định làm Bí thư Ban Cán sự Đảng Kiểm toán Nhà nước. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết bổ nhiệm ông Tuấn giữ chức vụ Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, phân công phụ trách Kiểm toán Nhà nước. Dự kiến, tại kỳ họp thứ 4 khai mạc ngày 20/10, ông Tuấn sẽ được giới thiệu để bầu giữ chức Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Tân Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình sinh năm 1976; quê quán: tỉnh Yên Bái, trình độ chuyên môn: Thạc sĩ Quản trị kinh doanh giao thông vận tải. Trong quá trình công tác, ông từng giữ chức vụ Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản HCM khóa X, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam khóa VII, nhiệm kỳ 2014 - 2019.

Tháng 1/2018, ông được Ban Bí thư phân công tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định nhiệm kỳ 2015 - 2020. Sau đó ông được bầu làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Hơn 2 năm sau, ông được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (tháng 1/2021), ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng.

Hà Nội: Vận hành nhà máy điện rác lớn nhất nước

Nhà máy điện rác Sóc Sơn, công suất xử lý 4.000 tấn rác khô mỗi ngày, bắt đầu vận hành sáng nay sau nhiều lần trì hoãn. Lúc 08h05 tổ máy số 1 (công suất 15MW) đã hòa lưới điện quốc gia thành công. Với việc vận hành tổ máy số 1, mỗi ngày sẽ có 1.000 tấn rác tươi được đốt phát điện, bằng 1/7 lượng rác phát sinh mỗi ngày của thành phố Hà Nội.

 Phòng điều khiển trung tâm của Nhà máy điện rác Sóc Sơn (Ảnh: Ngọc Thành)
 

Ông Li Ke, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường năng lượng Thiên Ý (tổng thầu MCC, Trung Quốc), cho hay tổ máy số 2 đã hoàn thành tất cả bước hiệu chỉnh kỹ thuật, đang chờ cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép vận hành. Các lò đốt còn lại số 3, 4, 5 cũng đã được hiệu chỉnh thành công, có thể hoạt động khi được phép.

Dự án nằm trong Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, được UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương từ cuối năm 2017, tổng đầu tư 7.000 tỷ đồng, được xem là nhà máy đốt rác lớn nhất Việt Nam với công suất xử lý 4.000 tấn rác khô, tương đương gần 5.500 tấn rác ướt mỗi ngày.

Thủ đô phát sinh khoảng 7.000 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày, chủ yếu được xử lý ở hai khu xử lý rác Nam Sơn, huyện Sóc Sơn (trên 5.000 tấn/ngày) và Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây (khoảng 1.300 tấn/ngày). Công nghệ hiện chủ yếu là chôn lấp, sản xuất phân hữu cơ và đốt không phát điện chiếm tỷ lệ nhỏ.

Hồi tháng 3, nhà máy điện rác công suất 1.500 - 2.000 tấn/ngày đêm cũng được khởi công tại khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, công suất phát điện 37MW và dự kiến hoàn thành sau 20 tháng.

Bình Thuận: Dừng tìm kiếm tàu cá bị chìm cùng 6 thi thể ngư dân

Sau nhiều ngày không thấy dấu vết tàu cá Bình Thuận chìm cùng thi thể 6 ngư dân đã thả xuống biển không xác định vị trí, lực lượng chức năng đã dừng hoạt động tìm kiếm.

Thuyền viên tàu cá Bình Thuận chìm được cứu vớt, đoàn tụ với thân nhân sau khi lên bờ ở Khánh Hòa
(Ảnh: Xuân Ngọc)

Ngày 25/7, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bình Thuận có công văn gửi Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với nội dung dừng tìm kiếm tàu cá BTh 97478 TS do ông Bùi Văn Toàn (50 tuổi) làm thuyền trưởng bị chìm.

Động thái này được đưa ra sau nhiều ngày triển khai lực lượng và trực thăng tham gia tìm kiếm trên biển, song không thấy dấu tích hay thông tin của tàu chìm.

Cùng với đó, 9 người trong số 15 thuyền viên trên tàu bị nạn được cứu vớt, đưa về bờ đều xác định 6 ngư dân đã kiệt sức rồi chết vì đói, khát sau nhiều ngày lênh đênh trên thuyền thúng, trôi dạt giữa biển. Thi thể của họ lần lượt được đồng nghiệp thả xuống biển, không rõ vị trí.

Tiếng Việt là ngoại ngữ phổ biến thứ ba ở Australia

Kết quả điều tra dân số cho thấy hơn 320.000 người Australia nói tiếng Việt, khiến tiếng Việt là ngôn ngữ phổ biến thứ ba ở nước này, không kể tiếng Anh.

 Lớp học tiếng Việt cho trẻ em tại Australia (Ảnh: Baoquocte)

Cơ quan Thống kê Australia (ABS) công bố kết quả tổng điều tra dân số 5 năm một lần từ 2016 tới 2021, cho thấy năm 2021, Australia có 320.758 người (1,26%) nói tiếng Việt ở nhà, xếp sau tiếng Arab (367.159 người) và tiếng Hán (685.274 người).

Năm 2016, số người nói tiếng Việt tại Australia là 277.400, xếp thứ 4 trong số các ngôn ngữ phổ biến nhất, sau tiếng Hán, tiếng Arab và tiếng Quảng Đông. Hiện có 429 ngôn ngữ đang được nói ở Australia, bao gồm 183 ngôn ngữ bản địa. Tiếng Anh là ngôn ngữ phổ biến nhất.

Kết quả điều tra dân số Australia cho thấy đến tháng 8/2021, dân số nước này là gần 25,5 triệu người. Có 334.785 người gốc Việt sống tại Australia, bao gồm 257.997 người sinh ra tại Việt Nam, xếp thứ hai trong nhóm di dân đến từ các nước Đông Nam Á sau Philippines.

Người gốc Việt sinh sống đông nhất ở bang New South Wales với 124.030 người (37,04%), tiếp theo là bang Victoria với 121.136 người (36,18%)./.

PV (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực