Tập trung giải cứu hơn 700 người Việt từ vùng chiến sự Myanmar về nước

Thứ năm, 23/11/2023 21:00
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Làm việc 24/24h để giải cứu hơn 700 người Việt từ vùng chiến sự Myanmar về nước; Cảnh báo giả mạo đường dây nóng của Bảo hiểm Xã hội thành phố Hà Nội; Lỗ thủng tầng Ozone tại Nam Cực đang có xu hướng ngày càng trầm trọng... là một số tin đáng chú ý hôm nay (23/11).
 Người phát ngôn trả lời tại họp báo chiều nay. (Ảnh: vietnamnet.vn)

Làm việc 24/24h để giải cứu hơn 700 người Việt từ vùng chiến sự Myanmar về nước

Tại buổi họp báo thường kỳ chiều 23/11, thông tin về tình hình công dân Việt Nam ở Myanmar, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết: Theo thông tin mới nhất của cơ quan đại diện Việt Nam tại Myanmar, tình hình an ninh tại một số bang của miền Bắc Myanmar tiếp tục có diễn biến phức tạp. "Cho đến nay, khoảng 700 công dân Việt Nam đang ở khu vực tạm thời an toàn. Nhiều trường hợp khác đang chờ xác minh thông tin" - bà Phạm Thu Hằng nói.

Cũng theo người phát ngôn, ngay từ khi nhận được thông tin về tình hình Myanmar cũng như tình hình công dân Việt Nam tại Myanmar vào cuối tháng 10, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar làm việc với các cơ quan chức năng của Myanmar, đề nghị phía Myanmar bảo đảm an toàn và điều kiện sinh hoạt cho công dân Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của công dân Việt Nam ra khỏi khu vực giao tranh.

Bà Hằng cho biết, hiện, Bộ Ngoại giao tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng cả trong và ngoài nước để triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn và các biện pháp sơ tán công dân trong thời gian sớm nhất có thể. "Chúng tôi đã và đang làm việc 24/24. Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ theo dõi sát tình hình và giữ liên lạc với đầu mối các công dân Việt Nam tại khu vực lánh nạn và sẵn sàng triển khai công tác bảo hộ dân, đưa công dân về nước sau khi đã thống nhất được phương án di chuyển" - Người phát ngôn Phạm Thu Hằng nhấn mạnh.

Xung đột nổ ra ở miền bắc Myanmar từ ngày 27/10, khi liên minh quân nổi dậy dân tộc thiểu số hùng mạnh ở Myanmar, được gọi là Liên minh Huynh đệ, phát động một loạt cuộc tấn công vào lực lượng của chính quyền ở bang Shan thuộc miền Bắc. Trong những ngày sau đó, xung đột lan ra các bang khác như Rakhine, Sagaing, Chin, Mon, Kachin và Kayin.

 Cảnh báo giả mạo đường dây nóng của Bảo hiểm Xã hội Thành phố Hà Nội (Ảnh: TTXVN)

Cảnh báo giả mạo đường dây nóng của Bảo hiểm Xã hội Thành phố Hà Nội

Ngày 23/11, Bảo hiểm Xã hội Thành phố Hà Nội cho biết, theo thông tin phản ánh từ người dân, có một số điện thoại đường dây nóng (hotline) nhận tư vấn các vấn đề liên quan đến chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế thu cước phí cao và dễ làm người dân hiểu lầm đây là hotline của cơ quan Bảo hiểm Xã hội Thành phố Hà Nội.

Cụ thể, bài viết tại đường dẫn https://luatduonggia.vn/thong-tin-dia-chi-so-dien-thoai-cua-bao-hiem-xa-hoi-thanh-pho-ha-noi/ của một văn phòng luật sư đưa các thông tin về cơ quan Bảo hiểm Xã hội Thành phố Hà Nội như ngày thành lập, chức năng, nhiệm vụ…, kèm trong bài viết có số hotline 1900.6568 với mô tả “HOTLINE BẢO HIỂM XÃ HỘI TẠI TP HÀ NỘI”, thu cước phí 8.000 đồng/phút. Điều này sẽ khiến người đọc, người dân lầm tưởng đây là hotline của cơ quan Bảo hiểm Xã hội Thành phố Hà Nội.

Theo Bảo hiểm Xã hội Thành phố Hà Nội, hiện nay, ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chỉ có một số hotline duy nhất là 1900.9068 với cước phí 1.000 đồng/phút và số hotline của Bảo hiểm Xã hội Thành phố Hà Nội là 024.37236555. Ngoài ra, số hotline của Bảo hiểm xã hội 30 quận, huyện, thị xã được công khai trên Cổng Thông tin điện tử Bảo hiểm Xã hội Thành phố Hà Nội tại đường dẫn https://hanoi.baohiemxahoi.gov.vn/Pages/lien-he.aspx với cước phí theo quy định của nhà mạng cung cấp dịch vụ.

Bảo hiểm Xã hội Thành phố Hà Nội khuyến cáo người dân đọc kỹ các thông tin trên môi trường mạng, chỉ liên hệ tới các số điện thoại chính thống của cơ quan Bảo hiểm Xã hội hoặc đến trực tiếp bộ phận Tiếp nhận hồ sơ (một cửa) của Bảo hiểm Xã hội Thành phố và các quận, huyện, thị xã để được tư vấn, giải đáp.

Ghi nhận thực tế tại Hà Nội, không chỉ ngành Bảo hiểm Xã hội mà ngành Thuế và Tài nguyên Môi trường thành phố cũng bị một số đối tượng lợi dụng hình ảnh, thông tin, số điện thoại để mời tham gia tư vấn, mua sách báo, tài liệu nhằm trục lợi.

Liên quan đến hành vi giả mạo,  Công an phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) vừa cảnh báo trên nhóm Zalo cộng đồng về việc xuất hiện thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao giả mạo người của UBND quận thông báo công dân sai dữ liệu dân cư...

Trung tá Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng Công an phường Mễ Trì cho biết, trên địa phường đã xuất hiện hình thức lừa đảo mới. Một công dân trên địa bàn phường nhận được điện thoại thông báo công dân bị sai lệch dữ liệu. Ban đầu người gọi điện thoại mời công dân đến chỉnh sửa dữ liệu, nhưng sau đó gợi ý hướng dẫn từ xa để lừa đảo. “Tôi khẳng định dữ liệu dân cư của cư dân có hộ khẩu tại đây chỉ Cảnh sát khu vực mới có thể chỉnh sửa”, Trung tá Nguyễn Mạnh Cường nêu rõ.

Theo Công an Thành phố Hà Nội, thủ đoạn lừa đảo công nghệ cao trong thời gian qua có nhiều diễn biến phức tạp. Các đối tượng với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, có xu hướng đan xen, kết hợp giữa nhiều hình thức lừa đảo khác nhau. Bộ Công an khuyến cáo, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, tự xưng là cán bộ các cơ quan Nhà nước và các cơ quan tư pháp, tiến hành tố tụng hình sự, để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại hoặc giả danh nhân viên ngân hàng, bưu điện, bảo hiểm, thanh tra, hải quan... yêu cầu nhận tiền, quà bưu phẩm có giá trị lớn hoặc đóng các khoản phí, trả các khoản nợ không xác định. Không làm theo các yêu cầu, hướng dẫn của nhóm đối tượng liên lạc trên qua điện thoại.

Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu nêu trên, người dân cần bình tĩnh, không lo sợ, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè để được tư vấn. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thông báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được hướng dẫn xử lý.

Vụ phun trào dưới đáy biển Tonga được đánh giá là đã tác động mạnh tới gia tăng lỗ thủng tầng Ozone ở Nam Cực. (Nguồn: ABC)

Lỗ thủng tầng Ozone tại Nam Cực đang có xu hướng ngày càng trầm trọng

Theo kết quả nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học New Zealand, trong 20 năm gần đây, lỗ thủng tần Ozone ở Nam Cực đang có xu hướng ngày càng mở rộng và đáng báo động, chủ yếu do những tác động của biến đổi khí hậu.

Theo báo cáo khoa học của các nhà nghiên cứu từ Đại học Otago, New Zealand, lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực hiện có diện tích tối đa lên tới 26 triệu km2, gấp khoảng 3,4 lần diện tích đất liền Australia và lượng ozone trong lõi lỗ thủng đã giảm 26% kể từ năm 2004.

Trước đó, nhiều người vẫn cho rằng, kể từ khi chlorofluorocarbons (CFC), loại hoá chất làm suy giảm tầng ozone bị cấm sản xuất vào năm 1987, lỗ thủng tầng ozone đã được phục hồi đáng kể và dự kiến sẽ phục hồi về mức trước những năm 1980 vào năm 2066. Nhưng kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học New Zealand mới đây lại chỉ ra những dấu hiệu đáng lo ngại và có xu hướng ngày càng trầm trọng trong bối cảnh những tác động của biến đổi khí hậu và sự chậm chạp trong hành động giảm phát thải của con người.

Theo bà Hannah Kessenich, nhà nghiên cứu Đại học Otago, New Zealand - tác giả chính của báo cáo, kết quả nghiên cứu mới cho thấy xu hướng phục hồi không rõ ràng của lỗ thủng tầng Ozone trong 20 năm qua khi lượng Ozone ở hạ tầng bình lưu có dấu hiệu phục hồi nhẹ trong khi ở những vĩ độ cao hơn, thuộc lớp giữa và trên của tầng bình lưu, lượng ozone lại giảm tới 26%.

Theo đó, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, trong đó có ảnh hưởng của các hiện tượng thời tiết cực đoan như El Nino và La Nina, khiến xoáy cực trong tầng bình lưu có xu hướng mạnh hơn và lạnh hơn bình thường, khiến lượng ozone giảm mạnh. Ngoài ra, các sự kiện như cháy rừng tại Úc vào năm 2019, phun trào núi lửa trên vành đai lửa Thái Bình Dương những năm gần đây, đặc biệt là vụ phun trào núi lửa Hunga Tonga năm 2022, được cho là đã góp phần tạo ra những "lỗ thủng tầng Ozone" lớn hơn bình thường ở Nam Cực trong những năm gần đây.

Nhà khoa học khí quyển của Đại học New South Wales, Australia, Martin Jucker đánh giá, đây là một nghiên cứu quan trọng gióng lên hồi chuông cảnh báo các chính phủ phải hành động tích cực hơn nữa vì môi trường. Bầu khí quyển là một hệ thống phức tạp và nhiều yếu tố có thể dẫn đến những thay đổi về độ dày của tầng Ozone, trong đó sự tác động của ô nhiễm môi trường do con người tạo ra đóng vai trò chủ yếu đối với lỗ thủng tầng Ozone./.

P.V (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực