Tàu hỏa container Việt Nam chở hàng chạy thẳng sang châu Âu

Thứ ba, 20/07/2021 19:19
(ĐCSVN) - Lần đầu tiên tàu hỏa container Việt Nam chở hàng chạy thẳng sang châu Âu; Gói an sinh 26.000 tỷ đã hỗ trợ 375.000 doanh nghiệp; Truyền thông Triều Tiên chỉ trích Hàn Quốc thúc đẩy tập trận với Mỹ, là những tin nóng ngày 20/7.

Lần đầu tiên tàu hỏa container Việt Nam chở hàng chạy thẳng sang châu Âu

Đoàn tàu xuất phát từ Hà Nội sáng 20/7, dự kiến kết thúc hành trình trong khoảng 25-27 ngày.
(Nguồn: dantri.com.vn)

Sáng ngày 20/7, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) phối hợp tổ chức chạy chuyến tàu chuyên container đầu tiên xuất phát từ Ga Yên Viên - Hà Nội kết nối với thành phố Liege - Bỉ.

Thành phần đoàn tàu gồm 23 container 40 feet được vận chuyển với các loại hàng hóa như dệt may, da giày, điện tử. Khi tới Bỉ, đoàn tàu chở hàng sau đó tiếp chuyển đường bộ đi đến điểm đích là thành phố Rotterdam - Hà Lan.

Đoàn tàu xuất phát từ Ga Yên Viên, di chuyển đến Trịnh Châu - Trung Quốc sau đó được kết nối vào đoàn tàu Á - Âu để đến điểm đích. Tổng thời gian vận chuyển dự kiến cho toàn bộ hành trình là từ 25 đến 27 ngày.

Việc tổ chức thành công đoàn tàu từ Việt Nam sang Bỉ được kỳ vọng sẽ tiếp tục mở ra những tuyến vận tải đường sắt đi sâu nội địa châu Âu ngoài các tuyến đã khai thác sang Đức, Ba Lan…

Hiện nay,  ĐSVN và đối tác châu Âu đang bắt đầu xây dựng kế hoạch và tổ chức vận chuyển 8 chuyến mỗi tháng xuất phát tại Việt Nam.

ĐSVN đang cung cấp dịch vụ vận chuyển container bằng đường sắt giữa Việt Nam - Trung Quốc và quá cảnh đi Nga, châu Âu, các nước ASEAN và các nước Trung Á.

Gói an sinh 26.000 tỷ đã hỗ trợ 375.000 doanh nghiệp

 (Ảnh minh họa của: Ng.Nga)

Ngày 20/7, đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết cơ quan này đã hoàn thành giảm mức đóng bằng 0% vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho hơn 375.000 doanh nghiệp.

Đây là một trong 12 chính sách nằm trong gói an sinh 26.000 tỷ đồng, áp dụng cho các doanh nghiệp đang tham gia bảo hiểm xã hội. Số tiền được miễn, doanh nghiệp phải sử dụng để hỗ trợ người lao động (thuộc đơn vị quản lý) bị ảnh hưởng bởi dịch.

Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp đóng 1% tiền lương tính đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Quỹ này dùng để trả phí khám giám định thương tật, bệnh tật, phục hồi sức khỏe, hỗ trợ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động... Nay áp dụng chính sách hỗ trợ nêu trên nghĩa là doanh nghiệp được giảm mức đóng (0%) trong một năm, tính từ tháng 7/2021 đến hết tháng 6/2022.

Hơn 375.000 doanh nghiệp hưởng chính sách này tương ứng 11,2 triệu lao động; số tiền giảm đóng tạm tính khoảng 4.300 tỷ đồng.

TP Hồ Chí Minh là địa phương giảm mức đóng lớn nhất cả nước với 101.356 doanh nghiệp, tương ứng hơn 2,3 triệu lao động, tổng số tiền trên 1.000 tỷ đồng. Hà Nội trên 87.000 doanh nghiệp, 1,4 triệu lao động, kinh phí hơn 640 tỷ đồng. Đồng Nai gần 11.000 doanh nghiệp với hơn 750.000 lao động, tương ứng 330 tỷ đồng. Các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng, Bắc Ninh, Nghệ An, Đà Nẵng, Hải Dương, Quảng Ninh... thuộc nhóm được hỗ trợ tương đối lớn.

Truyền thông Triều Tiên chỉ trích Hàn Quốc thúc đẩy tập trận với Mỹ

Binh lính và xe thiết giáp trong một tập trận đổ bộ chung của các quân đoàn thủy quân lục chiến Hàn Quốc và Hoa Kỳ, hồi tháng 4/2020. (Nguồn: en.yna.co.kr/ vietnamplus.vn) 

Uriminzokkiri - trang mạng tuyên truyền đối ngoại của Triều Tiên, ngày 20/7 đã đăng bài xã luận chỉ trích Hàn Quốc vì thúc đẩy cuộc tập trận quân sự chung mùa Hè với Mỹ, dự kiến diễn ra vào tháng tới.

Bài báo cáo buộc Seoul vi phạm thỏa thuận quân sự ngày 19/9/2020 và tuyên bố liên Triều được thông qua trong Hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên vào năm 2000, đồng thời gọi cuộc tập trận là "một kế hoạch tăng cường lực lượng vũ trang".

Cùng ngày, Meari - một trang web tuyên truyền khác, cũng chỉ trích Hàn Quốc lập kế hoạch tập trận bất chấp đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, cáo buộc cuộc tập trận này đe dọa tới hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên và thế giới.

Trước đó, ngày 5/7, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc thông báo nước này và Mỹ đang thảo luận về thời điểm và cách thức tổ chức cuộc tập trận chung mùa Hè thường niên, trong bối cảnh có những lo ngại cuộc tập trận có thể ảnh hưởng đến nỗ lực nối lại đàm phán với Triều Tiên.

Người phát ngôn bộ trên Boo Seung-chan cho biết thời gian, quy mô và cách thức tổ chức cuộc tập trận vẫn chưa được quyết định và hai bên vẫn đang thảo luận về việc kiểm chứng năng lực tác chiến toàn diện (FOC) - một bước đi nhằm chuẩn bị tốt hơn cho việc Seoul tiếp nhận quyền chỉ huy thời chiến (OPCON) từ Washington.

Seoul và Washington khẳng định các cuộc tập trận chung giữa hai nước là diễn tập thường kỳ và mang tính chất phòng vệ, song Bình Nhưỡng cáo buộc đây là hoạt động diễn tập xâm lược Triều Tiên.

Mới đây nhất, một quan chức của Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho rằng quyết định về các cuộc tập trận chung với Mỹ cần được xử lý một cách "khéo léo" và "linh hoạt" để tránh làm gia tăng căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực