Tiến tới xem COVID-19 là bệnh đặc hữu

Thứ năm, 03/03/2022 21:02
(ĐCSVN) - Tiến tới xem COVID-19 là bệnh đặc hữu; Cả nước gần 119.000 ca COVID-19, 2 tỉnh bổ sung gần 60.000 F0; Hầu hết người Việt ở Ukraine đã được sơ tán, chưa ghi nhận thương vong; Đại hội đồng Liên Hợp quốc thông qua nghị quyết kêu gọi Nga rút quân khỏi Ukraine;… là những tin đáng chú ý trong ngày hôm nay (3/3).

Tiến tới xem COVID-19 là bệnh đặc hữu

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, ngày 3/3. (Ảnh: Nhật Bắc) 

Việt Nam sẽ tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, hiệu quả; tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu quan điểm trên, khi chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2, ngày 3/3.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Bộ Y tế đánh giá chính xác tình hình và nghiên cứu tình trạng kháng thể bảo vệ trước virus trên phạm vi cả nước.

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, từ khi thực hiện nghị quyết của Chính phủ về thích ứng an toàn, đến nay tỷ lệ tử vong/số ca mắc đã giảm. Một khảo sát gần đây nêu tỷ lệ người dân Việt Nam hài lòng với các biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ đạt 96%.

Tuy nhiên, Bộ Y tế dự báo dịch bệnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các quốc gia nhận định chưa thể kiểm soát được COVID-19 trước năm 2023, đặc biệt là biến chủng mới Omicron và các biến chủng khác tiềm ẩn nhiều nguy cơ chưa lường trước được.

Dự kiến chương trình phòng, chống dịch COVID-19 sẽ được ban hành trong tuần này, đặt mục tiêu kiểm soát hiệu quả đại dịch; hạn chế lây lan trong cộng đồng; hạn chế đến mức thấp nhất các ca bệnh nặng, tử vong do COVID-19 và các nguyên nhân khác...

Một số mục tiêu cụ thể được đặt ra như đạt tỷ lệ bao phủ vaccine và chủ động cung ứng vaccine; giảm tối thiểu 30% tỷ lệ tử vong do COVID-19 trong tổng số bệnh nhân được phát hiện; quản lý và điều trị tại cơ sở y tế và tại cộng đồng...

Tất cả các biện pháp chống dịch, chiến lược tiêm vaccine phòng COVID-19 sẽ được thông tin kịp thời tới người dân để tạo đồng thuận khi thực hiện.

Cả nước gần 119.000 ca COVID-19, 2 tỉnh bổ sung gần 60.000 F0

Ngày 3/3, cả nước gần 119.000 ca COVID-19, 2 tỉnh bổ sung gần 60.000 F0.

Ngày 3/3, Bộ Y tế cho biết số ca mắc trong ngày tăng vọt, cả nước ghi nhận 118.790 F0, trong đó 77.226 ca cộng đồng. Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước với 18.661 ca bệnh mới.

Tính từ 16h ngày 2/3 đến 16h ngày 3/3, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 118.790 ca nhiễm mới, trong đó 10 ca nhập cảnh và 118.780 ca ghi nhận trong nước (tăng 8.500 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 77.226 ca trong cộng đồng).

Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước với 18.661 F0 ghi nhận trong ngày. Tiếp đó là Nghệ An (6.152), Bắc Ninh (5.648), Quảng Ninh (3.956), Nam Định (3.801), Sơn La (3.751), Hưng Yên (3.497), Lạng Sơn (3.250), Phú Thọ (3.168)…

Trong ngày, Sở Y tế Hải Dương đăng ký bổ sung 29.360 ca và Sở Y tế Thái Bình đăng ký bổ sung 28.000 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (tăng 3.547 ca), Nghệ An (tăng 1.823 ca), Bình Dương (tăng 1.249 ca).

Về số bệnh nhân tử vong, từ 17h30 ngày 2/3 đến 17h30 ngày 3/3 ghi nhận 95 ca tử vong, trong đó Hà Nội chiếm 20 ca.

Hầu hết người Việt ở Ukraine đã được sơ tán, chưa ghi nhận thương vong

Người Việt tại Ukraine được hỗ trợ sơ tán khỏi vùng chiến sự. (Ảnh: Bộ Ngoại giao) 

Trong cuộc họp báo chiều 3/3, trả lời câu hỏi về tình hình cộng đồng người Việt tại Ukraine, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết trong bối cảnh tình hình phức tạp hiện nay, người Việt Nam tại Ukraine đã sơ tán ra khỏi vùng chiến sự và ra khỏi Ukraine bằng nhiều cách khác nhau, bao gồm sự hỗ trợ của các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở Ukraine cũng như địa bàn lân cận, của các tổ chức hội đoàn tại địa phương và có một số trường hợp là tự túc.

Đến trưa 3/3, hầu hết bà con người Việt Nam đã ra khỏi Kiev, Odessa, hàng trăm người ở Khakrov đã được sơ tán khỏi vùng chiến sự và bố trí sang các nước lân cận. Khoảng 400 người đã tới Moldova và hiện trên đường tới Romania, 140 người sang Ba Lan, 70 người sang Romania, 33 người tới Slovakia và khoảng 30 người đã tới Hungary.

"Các cơ quan đại diện Việt Nam tại Ukraine cũng như địa bàn lân cận liên tục cập nhật thông tin qua đường dây nóng bảo hộ công dân, thông qua thông tin từ hội đoàn để cập nhật con số và nhu cầu của bà con nhằm hỗ trợ một cách kịp thời" - bà Hằng cho biết.

Các cơ quan đại diện Việt Nam đã hỗ trợ thủ tục, giấy tờ cần thiết cho bà con trong quá trình nhập cảnh, quá cảnh và lưu trú, phối hợp với nhà chức trách địa phương, hội đoàn người Việt Nam đón và thu xếp chỗ ăn nghỉ tạm thời, cung cấp các vật dụng cần thiết.

Bộ Ngoại giao đã phối hợp các bộ ngành liên quan và các hãng hàng không báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án sơ tán bằng đường hàng không cho công dân Việt Nam. Đây là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên cao nhất hiện nay.

"Chúng tôi sẽ thông báo cụ thể, chi tiết, một cách công khai, minh bạch về lộ trình, điều kiện và chi phí (nếu có) đối với các chuyến bay", người phát ngôn nói thêm.

Đại hội đồng Liên Hợp quốc thông qua nghị quyết kêu gọi Nga rút quân khỏi Ukraine

Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine. (Ảnh: UN). 

Trong ngày cuối cùng của phiên họp đặc biệt về cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đã thông qua nghị quyết kêu gọi Nga ngay lập tức rút quân khỏi Ukraine.

Nghị quyết nhận được 141 phiếu thuận trong tổng số 193 nước thành viên LHQ, đạt tỷ lệ đồng thuận 73%. Trung Quốc là một trong 35 quốc gia bỏ phiếu trắng và 5 nước bỏ phiếu chống gồm Eritrea, Triều Tiên, Syria, Belarus và Nga.

Nghị quyết được thông qua sau khi hơn 100 quốc gia thành viên LHQ đã lên tiếng phát biểu quan điểm của mình trong 3 ngày diễn ra phiên họp đặc biệt.

Nghị quyết của ĐHĐ LHQ không mang tính ràng buộc thực thi, song có sức mạnh mang tính biểu tượng, thể hiện sự nhất trí của cộng đồng quốc tế trong việc kêu gọi các bên tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho các vấn đề xung đột.

Đây là phiên họp đặc biệt lần thứ 11 của ĐHĐ LHQ trong 77 thành lập và phát triển. Phiên họp được tổ chức theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an sau khi cơ quan này họp khẩn lần thứ tư hôm 27/2 vừa qua./.

       

Trung Anh (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực