Toàn bộ 6 đối tượng truy nã đặc biệt tại Đắk Lắk đã bị bắt giữ

Thứ sáu, 21/07/2023 20:22
(ĐCSVN) - Toàn bộ 6 đối tượng truy nã đặc biệt trong vụ “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” tại Đắk Lắk đã bị bắt giữ; Khởi tố Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia Hoàng Quốc Hùng; Hơn 60% dân số thế giới hoạt động trên mạng xã hội… là một số tin đáng chú ý hôm nay (21/7).

Vụ “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” tại Đắk Lắk: Toàn bộ 6 đối tượng truy nã đặc biệt đã bị bắt giữ

 Các đối tượng bị bắt giữ trong vụ “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” tại Đắk Lắk. (Ảnh: Cổng thông tin Bộ Công an/TTXVN phát)

Ngày 21/7,  Thiếu tướng Lê Vinh Quy, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh vừa bắt thêm 3 đối tượng bị truy nã đặc biệt liên quan đến vụ “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” tại Đắk Lắk vào ngày 11/6. Đến nay, toàn bộ 6 đối tượng bị truy nã đặc biệt đã bị bắt giữ.

Vào sáng 21/7, lực lượng Công an tỉnh Đắk Lắk đã truy bắt thành công ba đối tượng đang lẩn trốn trên địa bàn huyện Cư Kuin, gồm: Y Khing Liêng (sinh năm 1992, trú xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông), Nay Dương (sinh năm 1968, trú buôn Ea KLok, xã Cư Pơng, huyện Krông Búk) và Y Hoăl Êban (sinh năm 1970, trú tại buôn Mấp, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar).

Trước đó, ngày 15/7, lực lượng Công an đã bắt giữ ba bị can bị truy nã đặc biệt tại xã Ea Lê, huyện Ea Súp, gồm: Y Jũ Niê (sinh năm 1968, trú buôn Kang, xã Ea Knuêc, huyện Krông Pắc), Nay Yên (sinh năm 1970, trú buôn Ea Klok, xã Cư Pơng, huyện Krông Búk) và Nay Tam (sinh năm 1974, trú buôn Ađrơng Điêt, xã Cư Pơng, huyện Krông Búk).

Cả 6 đối tượng trên đều liên quan đến vụ tấn công vào trụ sở UBND hai xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin vào ngày 11/6/2023 khiến 9 người chết, hai người bị thương; đã bị Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Đắk Lắk truy nã đặc biệt về tội “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” quy định tại Điều 113 Bộ luật Hình sự.

Khởi tố Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia
Từ trái qua là các bị can: Hoàng Quốc Hùng, Lương Nhân Hoà, Nguyễn Đình Cảnh. (Ảnh: VOV) 
  Ngày 21/7, theo thông tin từ Bộ Công an, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Tổ chức, môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép; Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, Long An và một số tỉnh, thành phố khác.

Bên cạnh đó, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố bị can về hành vi “Nhận hối lộ” để giải quyết cấp Phiếu lý lịch tư pháp trái quy định, theo quy định tại khoản 4 Điều 354 Bộ luật Hình sự và ra Lệnh tạm giam đối với: Hoàng Quốc Hùng (sinh năm 1963, Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia); Lương Nhân Hòa (sinh năm 1978, Phó Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia); Nguyễn Đình Cảnh, (sinh năm 1991, Phó trưởng Phòng Hành chính - Tổng hợp, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia).

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố bị can về hành vi “Đưa hối lộ” để được cấp Phiếu lý lịch tư pháp trái quy định, theo quy định tại khoản 4 Điều 364 Bộ luật Hình sự và ra Lệnh tạm giam đối với: Nguyễn Xuân Thọ (sinh năm 1988, Đại diện Văn phòng giao dịch Công ty Luật TNHH Vicco); Phạm Quang Hậu (sinh năm 1978, Cộng tác viên của Công ty Luật TNHH Vicco) và Nguyễn Thị Ngọc (sinh năm 1982, Chuyên viên Phòng Quản lý xử lý vi phạm hành chính, Sở Tư pháp thành phố Hà Nội).

Các Quyết định khởi tố bị can và Lệnh tạm giam đã được Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phê chuẩn trước khi thi hành.

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ án để làm rõ các sai phạm trong việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, cấp Giấy phép lao động tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, Long An và một số tỉnh, thành phố khác.

Hơn 60% dân số thế giới hoạt động trên mạng xã hội

 Các biểu tượng của mạng xã hội. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Gần 5 tỷ người, tương đương hơn 60% dân số thế giới, hoạt động trên mạng xã hội. Thông tin trên vừa được công ty tư vấn kỹ thuật số Kepios đưa ra trong báo cáo hằng quý.

Theo Kepios, số người dùng mạng xã hội đã tăng tới 3,7% trong 1 năm qua. Tuy nhiên, có sự chênh lệch về tỷ lệ sử dụng giữa các khu vực. Ở Đông và Trung Phi, tỷ lệ hoạt động trên mạng xã hội chiếm 9%, trong khi ở Ấn Độ - hiện là quốc gia đông dân nhất thế giới, tỷ lệ sử dụng là 33%.

Báo cáo của Kepios còn cho thấy lượng dành cho mạng xã hội trong năm qua đã tăng 2 phút mỗi ngày, lên 2 giờ 26 phút. Có sự khác biệt lớn giữa các nước về thời gian sử dụng mạng xã hội. Cụ thể, mỗi ngày người dân Brazil dành trung bình 3 giờ 49 phút hoạt động trên mạng xã hội, trong khi con số này ở Nhật Bản chưa đầy 1 giờ.

Cũng theo báo cáo của Kepios, người dùng mạng xã hội chủ yếu tập trung trên 7 nền tảng. Meta có 3 ứng dụng được yêu thích gồm WhatsApp, Instagram và Facebook, trong khi Trung Quốc có 3 ứng dụng gồm WeChat, TikTok và Douyin phiên bản địa phương. Twitter, Messenger và Telegram là những nền tảng truyền thông xã hội hàng đầu thế giới./.

 

PV (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực