Truy tố cựu giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh

Thứ ba, 13/07/2021 21:08
(ĐCSVN) - Truy tố cựu giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh; Bộ Y tế dự kiến thí điểm cách ly F0 tại nhà ở TP HCM; phá đường dây cá độ bóng đá hàng trăm tỷ đồng ở Đà Nẵng; Malaysia có nguy cơ "vỡ trận" vì COVID-19... là những tin đáng chú ý ngày hôm nay 13/7.

Truy tố cựu giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh

Ông Nguyễn Quốc Anh, 62 tuổi, cựu giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, bị truy tố với cáo buộc vi phạm quy định khi liên kết sử dụng robot Rosa trong phẫu thuật, gây thiệt hại 10,5 tỷ đồng.

Trong cáo trạng mới ban hành, VKSND Tối cao truy tố ông Quốc Anh về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

 Ông Nguyễn Quốc Anh. Ảnh: Bộ Công an

7 người còn lại bị truy tố cùng tội danh và mức phạt, gồm: Nguyễn Ngọc Hiền, cựu phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai; Trịnh Thị Thuận, cựu trưởng phòng Tài chính Bệnh viện Bạch Mai; Lý Thị Ngọc Thủy, cựu phó phòng Tài chính Bệnh viện Bạch Mai; Phạm Đức Tuấn, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Công nghệ Y tế BMS; Ngô Thị Thu Huyền, Phó giám đốc Công ty BMS; Trần Lê Hoàng, thẩm định viên Công ty Thẩm định giá và Dịch vụ tài chính Hà Nội (VFS); Phạm Minh Dung, cựu tổng giám đốc Công ty VFS.

Theo cáo buộc, năm 2016, trước việc Bệnh viện Bạch Mai có chủ trương phát triển ngoại khoa, Giám đốc BMS đến gặp ông Quốc Anh để chào bán robot Rosa hỗ trợ phẫu thuật với giá 39 tỷ đồng và robot Mako giá 44 tỷ đồng.

Ông Quốc Anh không đồng ý với lý do thủ tục phức tạp, là phương pháp mới nên chưa đánh giá được hiệu quả, chưa biết có bệnh nhân điều trị hay không. Hai bị can sau đó thống nhất BMS sẽ liên doanh với Bệnh viện Bạch Mai để lắp đặt robot hỗ trợ phẫu thuật với giá do Tuấn đưa ra.

Giám đốc Bạch Mai bị cáo buộc tự ý ký hợp đồng dù không có sự thống nhất giữa Ban giám đốc với Đảng ủy, Công đoàn. Ông không thông báo về giá, đơn vị liên doanh cho Hội đồng Khoa học và Đạo đức Bệnh viện Bạch Mai.

Để hợp thức giá, bị can Tuấn liên hệ với Công ty thẩm định giá VFS. Ngày 20/2/2017, VFS ban hành chứng thư thể hiện robot Rosa có giá 39 tỷ đồng dù 3 hôm sau công ty BMS của Tuấn mới mở tờ khai, nhập khẩu loại robot này.

Tờ khai thể hiện, robot Rosa được nhập khẩu mới từ Pháp có giá 7,4 tỷ đồng, đã gồm thuế. Như vậy, thiết bị này bị nâng giá tới hơn 31 tỷ đồng, VKS xác định.

VKS cáo buộc, Bệnh viện Bạch Mai đã căn cứ chứng thư thẩm định sai quy trình của VFS để ký hợp đồng liên doanh với BMS. Ông Quốc Anh trong vai trò giám đốc Bạch Mai ban hành giá dịch vụ của robot Rosa là 36 triệu đồng/ca phẫu thuật, trong đó Công ty BMS hưởng hơn 27 triệu đồng gồm chi phí khấu hao kèm lãi vay.

Mức giá này bị nâng trái phép tới 16,5 triệu đồng/ca. Tổng cộng, bệnh viện đã dùng robot Rosa phẫu thuật 637 ca bệnh. Hành vi của các bị cáo làm tăng chi phí điều trị, gây thiệt hại hơn 10,5 tỷ đồng cho người bệnh, cáo trạng nêu.

Trong khoản tiền này, Công ty BMS nhận 9,1 tỷ đồng, Bệnh viện Bạch Mai quản lý hơn 1,4 tỷ đồng và đang triển khai việc trả lại số tiền thu chênh của người bệnh.

Tuấn khai trong quá trình triển khai hợp đồng đã tặng ông Quốc Anh 400 triệu đồng và 10.000 USD; bị can Hiền 150 triệu đồng; bà Thuận 50 triệu đồng.VKS cho biết các bị can nhận thức được sai lầm nên đã tự nguyện nộp lại số tiền trên. Trong cáo trạng, VKS không nêu phương án xử lý việc nhận tiền.

Robot Rosa được nhập từ Pháp là thiết bị hỗ trợ phẫu thuật thần kinh sọ não và robot Mako có xuất xứ từ Mỹ được dùng trong phẫu thuật khớp gối. Bệnh viện Bạch Mai đã dùng robot Mako hỗ trợ phẫu thuật cho 55 ca bệnh, thu gần 2,3 tỷ đồng nhưng ngưng sử dụng từ năm 2019 với lý do thị trường Việt Nam không còn được hỗ trợ phần mềm, vật tư.

Cơ quan tố tụng xác định, việc dừng hoạt động của robot Mako là do khách quan và quá trình sử dụng, Công ty BMS đang bị lỗ, chưa được hưởng lợi phần chênh lệch. Vì vậy, nhà chức trách không xem xét dấu hiệu vi phạm trong việc nâng giá, liên doanh loại robot này.

Bộ Y tế dự kiến thí điểm cách ly F0 tại nhà ở TP HCM

Trưa 13/7, trả lời phỏng vấn của phóng viên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Bộ Y tế dự kiến, phương án cách ly F0 sẽ tổ chức thí điểm tại TP HCM. F0 sau khi được bệnh viện điều trị 10-14 ngày mà không có triệu chứng sẽ cho về tiếp tục theo dõi, cách ly tại nhà.

Việc này dựa trên căn cứ khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là bệnh nhân Covid-19 điều trị tại bệnh viện 10 ngày nếu không có triệu chứng có thể cho về nhà.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn. Ảnh: vnexpres.vn

Theo đó "Ban đầu sẽ áp dụng cho nhóm bệnh nhân như nhân viên y tế và những người có khả năng tự theo dõi sức khỏe", Thứ trưởng Sơn nói. Nhóm này phải đáp ứng các điều kiện về nơi cách ly tương tự các tiêu chí khi áp dụng cách ly F1 tại nhà đã được thí điểm triển khai thời gian qua.

"Đặc biệt, F0 cách ly tại nhà phải có hệ thống y tế kết nối trực tiếp và phản ứng hết sức linh hoạt khi có những triệu chứng báo động y tế, phải được cấp cứu đưa ngay đến các cơ sở y tế theo đúng kế hoạch đã phân công", ông Sơn nói.

Trên cơ sở đánh giá thí điểm tại TP HCM, Bộ Y tế sẽ xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương để quyết định việc áp dụng hướng dẫn này trên phạm vi toàn quốc.

Về khả năng TP HCM sẽ thí điểm cách ly F0 không triệu chứng tại nhà, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế thành phố, cho biết việc thực hiện cụ thể ra sao sẽ theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đà Nẵng phá đường dây cá độ bóng đá hàng trăm tỷ đồng

Ngày 13/7, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP Đà Nẵng cho biết chiều tối 12/7, hơn 40 CBCS của Phòng đã triệt phá đường dây đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá do Nguyễn Anh Tùng (37 tuổi, trú phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê) cầm đầu.

Đối tượng Nguyễn Anh Tùng tại Cơ quan Công an. Ảnh: cand.com.vn 

Ngoài Nguyễn Anh Tùng, Cơ quan Công an đã bắt giữ 4 đối tượng khác là Đặng Ngọc Thịnh (37 tuổi, trú phường Tân Chính, quận Thanh Khê), Phan Trường Thanh (46 tuổi, trú phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu), Võ Quang Hiển (38 tuổi, trú phường Hải Châu 2, quận Hải Châu) và Phạm Văn Độ (50 tuổi, trú phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu).

Theo kết quả điều tra ban đầu, từ tháng 2/2020, Nguyễn Anh Tùng đã nhận một tài khoản cá độ Super Master có giá trị 500.000 USD (quy ước 1 USD = 10.000đ) từ một đầu mối bên trên để hoạt động cá độ bóng đá. Tùng đã móc nối với các đối tượng khác, hình thành một đường dây cờ bạc khép kín, có sự phân cấp, tổ chức chặt chẽ, sử dụng điện thoại, máy tính để hoạt động tội phạm.

Theo Thượng tá Trần Nam Hải, Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự Công an TP Đà Nẵng, Nguyễn Anh Tùng và các đối tượng đã chia tách “tài khoản tổng” thành nhiều tài khoản con, đồng thời tự nâng mức quy đổi giá trị tiền cá độ lên từ 20.000-30.000đ/1USD để giao dịch với các đầu mối cấp dưới nhằm thu lợi bất chính. Các đầu mối bên dưới tiếp tục cho các con bạc bên dưới đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá, keno, tài xỉu…

Bước đầu, Cơ quan Công an xác định số tiền đánh bạc qua đường dây này lên tới hàng trăm tỷ đồng. Riêng trong khoản thời gian từ 1/4/2021 đến nay, đã có gần 41.000 lượt người chơi cá cược trong đường dây này với tổng số tiền đánh bạc khoảng 55 tỷ đồng  truy cập.

Malaysia có nguy cơ "vỡ trận" vì COVID-19

Malaysia ngày 13/7 ghi nhận 11.079 ca COVID-19 mới trong 24 giờ qua. Đây không chỉ là con số tăng cao chưa từng có, mà còn là lần đầu tiên Malaysia có số ca bệnh tăng ở mức 5 chữ số trong một ngày. Kỷ lục trước đó ở Malaysia là 9.353 ca, ghi nhận hôm 10/7. Selangor, bang đông dân nhất Malaysia, ghi nhận số ca nhiều nhất, ở mức 5.263 ca.

Malaysia hiện là một trong những vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á (Ảnh: Reuters). 

Số ca bệnh ở Malaysia tăng vọt trong thời gian qua, bất chấp nước này vẫn đang phong tỏa toàn quốc từ ngày 1/6. Malaysia ghi nhận 855.949 ca COVID-19, biến họ trở thành một trong những vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á mặc dù đây là một trong những quốc gia trong khu vực có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất, khi 25% dân số đã tiêm ít nhất một liều vắc xin COVID-19.

Sau hơn một tháng phong tỏa toàn quốc, tình hình của Malaysia vẫn không khá hơn khi các bệnh viện tại nhiều khu vực đã quá tải, tình trạng thiếu ô xi cho người bệnh. Các bệnh viện chuyển các bãi đỗ xe thành khu vực cấp cứu để nhận thêm bệnh nhân. Nhiều nhân viên y tế kiệt quệ vì phải chữa trị cho quá nhiều bệnh nhân.

Malaysia có hơn 6.200 trường hợp tử vong vì Covid-19, trong đó trên 50% người chết ghi nhận trong hơn một tháng qua, gây tình trạng quá tải cho các nhà xác. Thống kê trung bình cho thấy, có 85 người Malaysia mắc COVID-19 tử vong mỗi ngày kể từ khi Malaysia bắt đầu phong tỏa hôm 1/6./.

TH (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực