Vụ "Chuyến bay giải cứu": Hối lộ hơn 226 tỷ đồng để cấp phép cho các chuyến bay

Thứ ba, 11/07/2023 21:24
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Vụ "Chuyến bay giải cứu": Hối lộ hơn 226 tỷ đồng để cấp phép cho các chuyến bay; trẻ mắc tay chân miệng tiếp tục gia tăng tại Thành phố Hồ Chí Minh; Vụ rơi máy bay trực thăng ở Nepal: Toàn bộ hành khách và phi công thiệt mạng; Ấn Độ: Các cơ quan quản lý dược phẩm khởi kiện 105 công ty liên quan đến thuốc ho dạng siro là một số tin tức đáng chú ý trong ngày 11/7.

Vụ "Chuyến bay giải cứu": Hối lộ hơn 226 tỷ đồng để cấp phép cho các chuyến bay

Sáng 11/7, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 54 bị cáo trong vụ án "Chuyến bay giải cứu" bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về các tội: "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ", "Môi giới hối lộ", "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Hội đồng xét xử gồm 5 người: 2 thẩm phán, 3 hội thẩm nhân dân, do thẩm phán Vũ Quang Huy làm Chủ tọa phiên tòa. 5 kiểm sát viên của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm tại phiên tòa.

Vụ án này có số lượng luật sư bào chữa kỷ lục trong số các phiên tòa tại Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội với gần 120 luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo. Trong đó, bị cáo Vũ Hồng Quang (cựu Phó Trưởng phòng Vận tải Hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải) có nhiều luật sư bào chữa nhất (6 luật sư).

Hội đồng xét xử cũng đã triệu tập khoảng 60 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và 40 người làm chứng đến phiên tòa. Tuy nhiên, tại phiên tòa sáng 11/7, nhiều người liên quan và người làm chứng vắng mặt. Hội đồng xét xử tuyên bố, nếu xét thấy cần thiết sẽ tiếp tục triệu tập những người này đến phiên tòa.

Trong số 54 bị cáo, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố: 21 bị cáo về tội "Nhận hối lộ" theo quy định tại điều 354 - Bộ luật Hình sự; 23 bị cáo về tội "Đưa hối lộ" theo quy định tại Điều 364 - Bộ luật Hình sự; 4 bị cáo về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo quy định tại Điều 356 - Bộ luật Hình sự; 4 bị cáo về tội "Môi giới hối lộ" theo quy định tại Điều 365 - Bộ luật Hình sự. Một bị cáo bị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 174 - Bộ luật Hình sự. Một bị cáo bị truy tố về cả hai tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Đưa hối lộ". 10 bị cáo được tại ngoại, 44 bị cáo còn lại bị tạm giam.

Cụ thể, trong số 21 bị cáo bị xét xử về tội "Nhận hối lộ", có 18 bị cáo gồm: Tô Anh Dũng (sinh năm 1964, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao), Nguyễn Thị Hương Lan (sinh năm 1974, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao), Đỗ Hoàng Tùng (sinh năm 1980, cựu Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao), Nguyễn Quang Linh (sinh năm 1974, cựu Trợ lý Phó Thủ tướng), Chử Xuân Dũng (sinh năm 1973, cựu Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội), Trần Văn Tân (sinh năm 1979, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam), Trần Văn Dự (sinh năm 1961, cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an), Nguyễn Thanh Hải (sinh năm 1971, cựu Vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế, Văn phòng Chính phủ), Lê Tuấn Anh (sinh năm 1982, cựu Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự), Phạm Trung Kiên (sinh năm 1981, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế), Vũ Anh Tuấn (sinh năm 1979, cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an), Vũ Sỹ Cường (sinh năm 1986, cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an),…bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội "Nhận hối lộ" theo quy định tại Điều 354, khoản 4, điểm a - Bộ luật Hình sự.

Hai bị cáo: Vũ Ngọc Minh (sinh năm 1961, cựu Đại sứ Việt Nam tại Angola), Lưu Tuấn Dũng (sinh năm 1987, cựu Phó trưởng Phòng Bảo hộ công dân, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao) bị truy tố về tội "Nhận hối lộ" theo quy định tại Điều 354, khoản 3, điểm a - Bộ luật Hình sự.

Bị cáo Lý Tiến Hùng (sinh năm 1969, cựu chuyên viên Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo) bị truy tố về tội "Nhận hối lộ" theo quy định tại Điều 354, khoản 2, điểm c - Bộ luật Hình sự.

Trong số 23 bị cáo bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội "Đưa hối lộ" theo quy định tại Điều 364 - Bộ luật Hình sự, có 19 bị cáo gồm: Nguyễn Thị Thanh Hằng (sinh năm 1972, Phó Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky), Lê Hồng Sơn (sinh năm 1975, Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky), Hoàng Diệu Mơ (sinh năm 1980, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại du lịch dịch vụ Hàng không An Bình), Nguyễn Tiến Mạnh (sinh năm 1970, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại du lịch Lữ hành Việt), Vũ Thùy Dương (sinh năm 1987, Giám đốc Công ty Cổ phần thương mại Lữ hành Việt),…bị truy tố về tội "Đưa hối lộ" theo quy định tại Điều 364, khoản 4, điểm a - Bộ luật Hình sự.

Hai bị cáo: Trần Tiến (sinh năm 1981, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại và du lịch Phi Trường), Phạm Bá Sơn (sinh năm 1983, nhân viên Công ty Cổ phần Xây dựng Thái Hòa) bị truy tố về tội "Đưa hối lộ" theo quy định tại Điều 364, khoản 3, điểm a - Bộ luật Hình sự.

Hai bị cáo: Tào Đức Hiệp (sinh năm 1976, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn du lịch và dịch vụ Công đoàn Đường sắt), Đào Thị Chung Thúy (sinh năm 1982, trú tại phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, Hà Nội) bị truy tố về tội "Đưa hối lộ" theo quy định tại Điều 364, khoản 2, điểm e - Bộ luật Hình sự.

Bốn bị cáo: Trần Việt Thái (sinh năm 1974, cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia), Nguyễn Lê Ngọc Anh (sinh năm 1988, cựu cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia), Nguyễn Hoàng Linh (sinh năm 1986, cựu cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia), Đặng Minh Phương (sinh năm 1985, cựu kế toán Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia) bị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo quy định tại Điều 356, khoản 3 - Bộ luật Hình sự,…

Viện Kiểm sát xác định, trong vụ án này có 25 bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao để nhận hối lộ tổng cộng gần 165 tỷ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng. 23 cá nhân là đại diện các doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỷ đồng, 4 cá nhân môi giới hối lộ hơn 74 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 25 tỷ đồng.

Dự kiến, phiên tòa diễn ra trong 1 tháng.

 Bị cáo Vũ Hồng Nam, cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản khai báo trước toà. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Thành phố Hồ Chí Minh: Trẻ mắc tay chân miệng tiếp tục gia tăng

Những ngày gần đây, số ca mắc tay chân miệng nhập viện tại các bệnh viện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh gia tăng nhanh chóng. Một số bệnh viện tuyến cuối của Thành phố đã phải kê thêm giường bệnh, bổ sung nhân sự nhằm đảm bảo công tác điều trị.

Ghi nhận thực tế tại Khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, trung bình mỗi ngày có thêm 60 trẻ mắc tay chân miệng nhập viện điều trị nội trú. Hiện đơn vị này điều trị cho khoảng 200 trẻ mỗi ngày, trong đó có nhiều trẻ nặng phải đặt nội khí quản và chuyển xuống các phòng hồi sức. Theo bác sĩ Dư Tấn Quy, Trưởng Khoa Nhiễm – Thần kinh, so với 3 tuần trước thì hiện nay số trẻ nhập viện đã tăng gấp 3-4 lần và xu hướng sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới.

Khoa Khám bệnh của Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng tiếp nhận khám và điều trị ngoại trú cho khoảng 400 trẻ mắc tay chân miệng/ngày. Còn tại Khoa Hồi sức tích cực -  Chống độc có 12 trẻ phải nằm hồi sức, trong đó có 6 trẻ phải thở máy và 2 trường hợp phải lọc máu. Khoa đã chuẩn bị sẵn sàng 20 trong tổng số 30 giường bệnh để điều trị cho bệnh nhi mắc tay chân miệng nặng.

 Bác sĩ Dư Tấn Quy, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh khám cho trẻ mắc tay chân miệng. Ảnh: TTXVN

Trước tình hình trẻ mắc tay chân miệng đến khám, điều trị gia tăng, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã mở rộng thêm một tầng lầu để Khoa Nhiễm - Thần kinh tiếp nhận trẻ mắc bệnh điều trị nội trú; bổ sung nhân sự cho Khoa Nhiễm – Thần kinh, mỗi kíp trực tăng thêm 1 bác sĩ chính, 2 bác sĩ phụ và 2 điều dưỡng.

Tình hình cũng diễn ra tương tự tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh. Bác sĩ Lê Thị Kim Ngọc, Phó Trưởng Khoa Nhi C cho biết, số ca mắc tay chân miệng nặng đang tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Khoa Nhi C có sức chứa 50 giường nhưng hiện tại đã có 40 ca bệnh độ 2a. Theo bác sĩ Ngọc, đây là những trẻ cần nhập viện để theo dõi kỹ bởi ngay khi trẻ có dấu hiệu của độ 2b sẽ được chuyển xuống Khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực – Chống độc để được xử trí, điều trị kịp thời.

Theo các bác sĩ, một trong những nguyên nhân chính khiến bệnh tay chân miệng năm nay gia tăng nhanh với nhiều ca bệnh nặng là do sự xuất hiện của chủng virus EV71. Dự báo dịch tay chân miệng năm nay sẽ "nóng" nên Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã yêu cầu các bệnh viện: Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới… lên phương án sẵn sàng ứng phó với các tình huống số ca bệnh gia tăng. Về vấn đề thuốc điều trị, Bộ Y tế cũng đã có phương án đảm bảo các loại thuốc điều trị hiệu quả cho các bệnh viện của Thành phố.

Các bác sĩ khuyến cáo, điều quan trọng nhất là cần kịp thời phát hiện dấu hiệu biến chứng của trẻ khi mắc tay chân miệng. Khi mắc tay chân miệng, trẻ có thể đột ngột chuyển nặng, suy hô hấp, nguy kịch chỉ trong vài giờ. Do đó, phụ huynh nên cho con đi khám ở cơ sở y tế gần nhất khi nghi ngờ mắc tay chân miệng để được xác định bệnh, theo dõi sát. “Phụ huynh cũng không nên vì quá lo lắng mà đổ xô lên các bệnh viện tuyến trên. Hiện nay bệnh tay chân miệng có thể được điều trị tốt ở các bệnh viện tuyến tỉnh. Nếu không được chăm sóc, điều trị kịp thời ở tuyến dưới trẻ có thể chuyển nặng và nguy kịch", bác sĩ Dư Tấn Quy cảnh báo.

Vụ rơi máy bay trực thăng ở Nepal: Toàn bộ hành khách và phi công thiệt mạng

 Hiện trường một tai nạn máy bay trực thăng tại sân bay Lukla, cửa ngõ vào vùng núi Everest, Nepal. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Ngày 11/7, toàn bộ 6 người, trong đó có 5 người Mexico, đã thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay trực thăng tại khu vực gần đỉnh Everest ở Nepal.

Chiếc trực thăng thương mại tư nhân mang số đăng ký 9N-AMV thuộc sự điều hành công ty Manang Air, xuất phát từ thị trấn Surke thuộc huyện Solukhunvhu - nơi có đỉnh Everest và các đỉnh núi khác, đã mất liên lạc sau 15 phút cất cánh.

Báo The Kathmandu Post xác định cơ trưởng Chet Bahadur Gurung là một trong những nạn nhân của vụ tai nạn này. Ông đã làm việc cho hãng hàng không Manang Air được một thập kỷ và bắt đầu bay từ năm 1998.

Theo các báo cáo, chiếc trực thăng đang quay trở lại thủ đô Kathmandu thì phải thay đổi lộ trình bay do điều kiện thời tiết không thuận lợi. Trước đó có tin chiếc trực thăng đã biến mất khỏi màn hình radar vào khoảng 10h00 sáng tại khu vực đèo Lamjura. Sau đó, người dân đã phát hiện các mảnh vỡ máy bay tại một ngôi làng ở Lamjura thuộc huyện Solukhunvhu.

Trực thăng 9N-AMV chuyên chở khách du lịch muốn ngắm nhìn những đỉnh núi cao chót vót của đất nước, bao gồm cả đỉnh Everest, ngọn núi cao nhất thế giới.

Ấn Độ: Các cơ quan quản lý dược phẩm khởi kiện 105 công ty liên quan đến thuốc ho dạng siro

 Văn phòng của công ty công nghệ sinh học Marion Biotech ở ngoại ô New Delhi, Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các cơ quan quản lý dược phẩm cấp quốc gia và cấp bang ở Ấn Độ đã khởi kiện 105 công ty dược phẩm sau cuộc thanh tra và kiểm toán các nhà máy sản xuất.

Ngày 11/7, Bộ Y tế nước này cho biết vụ kiện được đưa ra sau khi các loại thuốc ho dạng siro do Ấn Độ sản xuất có liên quan đến cái chết của hàng chục trẻ em ở nước ngoài. Theo bộ trên, 31 công ty đã được yêu cầu ngừng sản xuất, trong khi các quyết định hủy hoặc treo giấy phép sản xuất cũng đã được đưa ra đối với 50 công ty khác.

Năm 2022, ngành dược phẩm trị giá 41 tỷ USD của Ấn Độ đã đối mặt với cú sốc, khi siro ho do hai công ty có trụ sở gần New Delhi sản xuất có liên quan đến cái chết của gần 70 trẻ em tại Gambia và 19 em tại Uzbekistan. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kết luận rằng thuốc ho của công ty Maiden xuất khẩu sang Gambia có chứa chất độc ethylene glycol (EG) và diethylene glycol (DEG), vốn được sử dụng làm dầu phanh xe ô tô. Tháng 12/2022, Uzbekistan thông báo một số trẻ em đã tử vong ở nước này sau khi uống thuốc ho của một công ty khác của Ấn Độ là Marion Biotech và các sản phẩm này cũng chứa EG hoặc DEG. Cả hai công ty trên đều bác bỏ các cáo buộc./.

PV (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực