Chú trọng phát hiện, xử lý những quy định có dấu hiệu, cài cắm “lợi ích nhóm”

Thứ tư, 06/09/2023 09:30
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan của Quốc hội phối hợp với các Bộ, cơ quan chủ trì dự án; tăng cường tham vấn, lấy ý kiến, khảo sát thực tiễn, chú trọng phát hiện và xử lý những quy định có dấu hiệu sơ hở, cài cắm “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ”, tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, tiêu cực.

Sáng 6/9, tại Nhà Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội khoá XV.

Đã ban hành 1.010 văn bản

Báo cáo đánh giá tình hình triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội được thông qua từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4  và công tác triển khai các luật, nghị quyết, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 1.010 văn bản, bao gồm 23 luật và 101 nghị quyết của Quốc hội, 04 pháp lệnh và 882 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, điều chỉnh toàn diện mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, giám sát tối cao và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần quan trọng hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, tăng cường bảo đảm quyền con người, quyền công dân, phục vụ có hiệu quả yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 Toàn cảnh Phiên họp. Ảnh: QH

Về tình hình triển khai các luật, nghị quyết được ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 5, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, thực hiện chủ trương “gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật”, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Bộ, ngành, địa phương, theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã quyết liệt, chủ động, kịp thời triển khai đưa các luật, nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống.

Các cơ quan đã tiến hành rà soát 1.651 văn bản quy phạm pháp luật, qua đó phát hiện một số quy định trong 07 luật và 130 văn bản dưới luật có sơ hở, bất cập, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tham nhũng, tiêu cực hoặc có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp; trên cơ sở đó đã đề nghị Chính phủ, các cơ quan có liên quan chỉ đạo nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung để khắc phục.

Đối với Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, công tác truyền thông chính sách được Chính phủ chú trọng, giúp người dân, doanh nghiệp kịp thời nắm bắt nội dung các chính sách lớn, quan trọng ngay từ khâu soạn thảo, tạo thuận lợi cho việc đóng góp ý kiến, tăng cường đồng thuận xã hội. Công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật được tăng cường, chú trọng những lĩnh vực có nhiều vướng mắc, đáp ứng yêu cầu chủ động trong phản ứng chính sách.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Công tác giám sát của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đối với việc triển khai luật, nghị quyết có trọng tâm, trọng điểm nhưng chưa bảo đảm tính toàn diện; việc giám sát văn bản quy định chi tiết trong một số trường hợp chưa đánh giá đầy đủ về tính hợp pháp, thống nhất, tính khả thi và hiệu lực của văn bản, chưa bám sát yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội. Một số luật có số lượng nội dung giao quy định chi tiết nhiều, chưa bảo đảm tính cụ thể; còn một số nội dung thuộc trách nhiệm ban hành văn bản quy định chi tiết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng chưa được các cơ quan chuẩn bị, trình theo đúng kế hoạch…

Kiên quyết khắc phục tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ: Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng được đề ra tại Văn kiện Đại hội XIII, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, nhất là Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật; kịp thời ban hành kế hoạch triển khai thi hành các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua; có giải pháp kiên quyết khắc phục tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày báo cáo đánh giá tình hình triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội được thông qua từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 . Ảnh: QH

Đối với các luật, nghị quyết mới được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, trong quá trình triển khai thi hành, đề nghị Chính phủ lưu ý một số vấn đề quan trọng hoặc đang có nhiều vướng mắc, bất cập để hướng dẫn, có giải pháp xử lý hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và đúng quy định của luật, nghị quyết. Đồng thời, đề nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin, đa dạng hóa phương thức, hình thức truyền thông chính sách, pháp luật phù hợp với từng nhóm đối tượng theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chú trọng các luật, nghị quyết đã có hiệu lực pháp luật.

Để bảo đảm tiến độ, chất lượng triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2023 và năm 2024, hoàn thành kế hoạch đề ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan của Quốc hội được phân công thẩm tra, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý cần chủ động phối hợp chặt chẽ “từ sớm, từ xa” với các Bộ, cơ quan chủ trì dự án; tăng cường tham vấn, lấy ý kiến, khảo sát thực tiễn, chú trọng phát hiện và xử lý những quy định có dấu hiệu sơ hở, cài cắm “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ”, tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, tiêu cực.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục dành nhiều thời gian để thảo luận tập thể, cho ý kiến kỹ các nội dung quan trọng, vấn đề còn có ý kiến khác nhau của các dự án luật cả trong quá trình soạn thảo và tiếp thu, chỉnh lý. Đối với các dự án luật, nghị quyết có nội dung phức tạp, phạm vi tác động lớn, các dự án điều chỉnh về tổ chức và hoạt động của lực lượng vũ trang nhân dân, việc thí điểm các chính sách mới, khác với quy định của luật hiện hành, đề nghị Ban cán sự Đảng Chính phủ chủ động báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền; bảo đảm dự án trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải được chuẩn bị kỹ cả về nội dung và kỹ thuật văn bản, có sự đồng thuận cao giữa các Bộ, ngành có liên quan.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục dành thời gian thỏa đáng để nghiên cứu, tham vấn ý kiến của các cơ quan, tổ chức ở địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học và cử tri, nhất là lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản; tổ chức thảo luận, tham gia đóng góp ý kiến có chất lượng, góp phần hoàn thiện dự án luật, dự thảo nghị quyết…/.

Vy Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực