Đã thu hồi hơn 11.000 tỷ đồng bị chiếm đoạt trong vụ án tham nhũng, kinh tế

Thứ tư, 10/07/2024 15:15
(ĐCSVN) - Về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, trong 9 tháng năm 2024, toàn ngành thi hành án đã thi hành xong 2.117 việc với số tiền trên 11.387 tỷ đồng.

Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo Hệ thống thi hành án dân sự (THADS) tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Quy định số 132-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; các Thông báo kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự, thi hành án hành chính được Quốc hội, Chính phủ giao; phối hợp với các cấp, các ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành án, nhất là các vụ việc trọng điểm, các vụ việc phức tạp, kéo dài, xử lý thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế và án tín dụng, ngân hàng…

Tăng cả về việc và tiền

Kết quả THADS 9 tháng năm 2024 (từ ngày 1/10/2023 đến ngày 30/6/2024), toàn Hệ thống THADS đã thi hành xong 403.769 việc, tăng 21.711 việc (tăng 5,68% so với cùng kỳ năm 2023); đạt tỉ lệ 65,24%. Một số địa phương đạt kết quả cao về việc như: Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên, Bắc Kạn, Tuyên Quang...

Về tiền, đã thi hành xong hơn 73.015 tỷ đồng, tăng hơn 2.736 tỷ đồng (tăng 3,89% so với cùng kỳ năm 2023), đạt tỉ lệ 27,60%. Một số địa phương đạt tỷ lệ cao về tiền như: Cao Bằng, Quảng Ngãi, Đắk Nông...

Riêng về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, đã thi hành xong 2.117 việc, với số tiền trên 11.387 tỷ đồng.

Kết quả thi hành các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, về việc, đã thi hành xong 45/153, 7 vụ việc đã xử lý xong hết tài sản, đã xác minh và phân loại chưa có điều kiện thi hành án; đang tiếp tục tổ chức thi hành 85 vụ việc và 16 vụ việc cơ quan THADS chưa thụ lý do Tòa án chưa xét xử phúc thẩm. Về tiền, đã thi hành xong 85.465 tỷ đồng. Riêng 8 tháng đầu năm 2024 (từ ngày 1/10/2023 đến ngày 31/5/2024), các cơ quan THADS đã xử lý tài sản, thu hồi được số tiền trên 9.243 tỷ đồng.

Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Quang Thái. (Ảnh: TL)

Tập trung thi hành dứt điểm vụ việc có giá trị lớn

Phát biểu tại Hội nghị công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2024, ngày 10/7, Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Quang Thái cho biết, để đạt được những kết quả về THADS như trên, là nhờ sự nỗ lực, vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tư pháp, sự nỗ lực, quyết tâm của toàn Hệ thống THADS, sự phối hợp với các bộ, ngành, địa phương… 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tỷ lệ thi hành xong về việc, về tiền chung đều giảm (giảm 1,29% về việc; giảm 4,86% về tiền); kết quả thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng giảm sâu; vẫn có hiện tượng vi phạm trình tự, thủ tục trong thi hành án, trong đó có công chức vi phạm tới mức phải khởi tố hình sự; số chuyển kỳ sau, đã trừ số chuyển sổ theo dõi riêng vẫn tăng mạnh cả về việc và về tiền so với cùng kỳ năm 2023 (việc tăng 13,27%, tiền tăng 26,91%)…

Lý giải cho những hạn chế, vướng mắc nêu trên, Tổng cục trưởng Nguyễn Quang Thái cho hay: Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan, thì những nguyên nhân khách quan phát sinh trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thi hành án cũng tác động rất lớn đến kết quả THADS của toàn Hệ thống THADS. Đó là một số quy định của pháp luật chưa hoàn thiện ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thi hành án, dẫn đến khó khăn trong xử lý tài sản. Trong khi đó, lượng án phải thi hành ở các địa bàn trọng điểm như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng có giá trị phải thi hành lớn, tính chất phức tạp, tài sản phải xử lý nhiều hoặc có tranh chấp hoặc đang có vướng mắc về pháp luật khi xử lý như đã nêu trên dẫn đến kéo dài thời gian tổ chức thi hành án.

Mặt khác, hiệu quả công tác phối hợp của một số cơ quan hữu quan, có nơi, có lúc, còn chưa cao; trình tự, thủ tục triển khai dự án đầu tư phức tạp, liên quan đến nhiều quy định của pháp luật chuyên ngành: Nguồn lực bảo đảm cho công tác THADS chưa đáp ứng yêu cầu...

Trên cơ sở kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế, cũng như khó khăn, vướng mắc đã chỉ ra, Tổng Cục trưởng Nguyễn Quang Thái cho biết, trong thời gian tới, Tổng cục THADS sẽ tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành liên quan; thường xuyên, tập trung quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách về công tác THADS, quán triệt thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Nhà nước liên quan đến công tác thi hành án. Đồng thời, kiên quyết xử lý sai phạm; thực hiện có hiệu quả việc hoàn trả nhằm thu hồi tài sản cho Nhà nước.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; tập trung mọi nguồn lực, rà soát, đánh giá, xây dựng kế hoạch để tổ chức thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành án, đặc biệt là các vụ việc có giá trị lớn, các vụ việc thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo; các vụ việc thi hành các khoản thu có liên quan đến tổ chức tín dụng có giá trị trên 20 tỷ đồng, có điều kiện thi hành, đã quá 03 năm chưa thi hành xong; kiểm soát chặt chẽ số vụ việc có điều kiện thi hành án, đã ra quyết định thi hành án quá 01 năm chưa thi hành xong, số việc chuyển sổ theo dõi riêng; đảm bảo số liệu thống kê, phân loại việc, tiền THADS chính xác.../.

Vy Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực