Hà Nội xử lý hơn 25.300 vụ buôn lậu, hàng giả năm 2021

Thứ sáu, 21/01/2022 20:24
(ĐCSVN) - Năm 2021, các lực lượng chức năng TP Hà Nội đã xử lý hành chính hơn 25.300 vụ buôn lậu, hàng giả với 140 đối tượng đã bị khởi tố hình sự. Tổng số tiền phạt hành chính, truy thu thuế, thu hồi thuế và tiền bán hàng tịch thu là 3.145 tỷ đồng.

Ngày 21/01, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả TP Hà Nội (Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội) tổ chức hội nghị tổng kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 chủ trì hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại hội nghị - Ảnh: PC

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội năm 2021, các lực lượng chức năng đã thanh tra, kiểm tra 28.585 vụ; xử lý hành chính hơn 25.300 vụ buôn lậu, hàng giả với 140 đối tượng đã bị khởi tố hình sự. Tổng số tiền phạt hành chính, truy thu thuế, thu hồi thuế và tiền bán hàng tịch thu là 3.145 tỷ đồng.

Báo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội đánh giá năm 2021 hoạt động buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Trong đó có lợi dụng dịch vụ chuyển phát nhanh để vận chuyển hàng lậu, tập kết hàng hóa tại nhà riêng, các nhà ở bỏ trống tại khu đô thị gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.

Cùng với đó, nhu cầu mua bán của người dân qua môi trường mạng internet ngày càng cao, việc chủ động phát hiện vi phạm trên môi trường mạng internet gặp nhiều khó khăn do các đối tượng vi phạm thường giới thiệu trên website là hàng chính hãng, nhưng khi giao hàng thì là hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng. Một số doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều đến công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chưa thực sự chặt chẽ, dẫn tới nội dung quy định còn mâu thuẫn, gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ việc...

Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, lực lượng chức năng trong quá trình chống hàng lậu, hàng giả gặp nhiều khó khăn bởi một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chống buôn lậu, hàng giả chưa thực sự chặt chẽ, dẫn tới nội dung quy định trong một số văn bản còn mâu thuẫn gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ việc.

Phó Trưởng phòng PC03 (Công an TP Hà Nội) Cao Văn Lộc, kiến nghị thời gian tới cần tăng cường công tác phối hợp trao đổi thông tin với các tỉnh, thành, nhất là các tỉnh biên giới trọng điểm như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hải Phòng, Lào Cai… qua đó ngăn chặn kịp thời hoạt động vận chuyển hàng nhập lậu từ biên giới về Hà Nội để tiêu thụ.

Đồng thời, cần bổ sung các quy định về việc cấp giấy phép hoạt động có điều kiện các kho tàng, bến bãi; có chế tài xử lý đối với các chủ kinh doanh nếu các kho, bến bãi phát hiện là nơi tập kết hàng hóa nhập lậu, hàng giả.

Lực lượng chức năng kiểm tra sản phẩm mứt Tết của cơ sở sản xuất Gia Huy tại xã La Phù (huyện Hoài Đức) - Ảnh: Chu Dũng 

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 TP chủ động xây dựng và triển khai thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin nhanh, chính xác; tăng cường công tác phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng chức năng, từ đó đưa ra các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, toàn diện, kiên quyết ngăn chặn, triệt phá tận gốc các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, chuyển giá trốn thuế.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị tập trung vào các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, phòng ngừa các vi phạm gây bất ổn cho thị trường. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông, các ga tàu, bến xe, kho hàng, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại tập trung buôn bán hàng hóa số lượng lớn nhằm ngăn chặn việc vận chuyển, tập kết hàng lậu, hàng giả.

“Việc kiểm tra, kiểm soát thị trường phải gắn liền với mục tiêu ổn định, lành mạnh thị trường, không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh hợp pháp của các doanh nghiệp làm ăn chân chính. Đồng thời yêu cầu doanh nghiệp nêu cao trách nhiệm đối với công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả”, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội lưu ý các đơn vị tiếp tục kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền chỉnh sửa, bổ sung, sớm khắc phục những bất cập, chồng chéo trong công tác quản lý,  những văn bản quy phạm pháp luật về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả./.

Phạm Cường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực