Hoàn thiện thể chế, pháp luật trong công tác thi hành án dân sự

Thứ sáu, 01/12/2023 19:45
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi khẳng định Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, toàn diện các ý kiến đóng góp để hoàn thiện báo cáo tổng kết Luật Thi hành án dân sự (THADS), làm cơ sở để nghiên cứu, hoàn thiện các tài liệu, hồ sơ, đề nghị xây dựng Luật THADS sửa đổi, hướng tới việc hoàn thiện thể chế, pháp luật trong công tác THADS…

Chiều ngày 1/12, Tổng Cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị tổng kết Luật Thi hành án dân sự (THADS) năm 2008.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi; Tổng Cục trưởng Tổng Cục THADS Nguyễn Quang Thái, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục THADS Nguyễn Văn Sơn đồng chủ trì Hội nghị.

Khẳng định vị thế, vai trò đặc biệt của hệ thống THADS trong đời sống xã hội

Báo cáo tại Hội nghị, Tổng Cục trưởng THADS Nguyễn Quang Thái nêu rõ, Luật THADS đã đánh dấu mốc quan trọng trong công tác THADS bởi lần đầu tiên công tác này được điều chỉnh bằng văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất.

Luật THADS và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành cơ bản được ban hành, sửa đổi, bổ sung kịp thời, phù hợp với yêu cầu, đặc điểm tình hình của từng giai đoạn đã hình thành hệ thống pháp luật thi hành án cơ bản đồng bộ, từ chức năng, nhiệm vụ; cơ cấu tổ chức bộ máy; trình tự, thủ tục tổ chức thi hành án…

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: TH.

Cùng đó, quy trình, thủ tục THADS từng bước được hoàn thiện, xác định rõ quyền, nghĩa vụ của đương sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan; quy định thời hạn thực hiện các thủ tục THADS, các khoản phí, chi phí thi hành án…

Việc phân công cho Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm chính trong quản lý và tổ chức THADS theo ngành dọc đã tăng cường vị thế cơ quan THADS, tương xứng chức năng, nhiệm vụ được giao, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý, chỉ đạo chuyên ngành, thống nhất từ Trung ương đến cấp huyện, đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương với công tác THADS.

Kết quả đã đạt được của công tác THADS trong những năm qua góp phần nâng cao nhận thức của các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác THADS; khẳng định vị thế, vai trò đặc biệt của hệ thống THADS trong đời sống xã hội. 

Tuy nhiên, sau hơn 14 năm triển khai Luật đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: Luật THADS chưa có quy định đầy đủ các bản án, quyết định giao cho cơ quan THADS tổ chức thi hành để phù hợp với quy định của một số luật khác có liên quan; thời gian tổ chức thi hành án còn dài, phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc trong trình tự, thủ tục thi hành án; chưa có quy định riêng đối với một số loại việc đặc thù…

Hướng tới hoàn thiện cơ chế, nâng cao chất lượng THADS theo hướng rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí

Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã tập trung trao đổi, thảo luận vào các nội dung trọng tâm liên quan đến những kết quả đạt được ,cũng như chỉ ra các bất cập, hạn chế, vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai thi hành Luật THADS năm 2008. Trên cơ sở đó, đưa ra những đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện thể chế, pháp luật trong công tác THADS, qua đó nâng cao hiệu quả thi hành trong lĩnh vực này.

 Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: TH.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi đánh giá cao các ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu. 

Thứ trưởng khẳng định Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ, toàn diện các ý kiến đóng góp để hoàn thiện Báo cáo tổng kết Luật THADS, làm cơ sở để nghiên cứu, hoàn thiện các tài liệu, hồ sơ, đề nghị xây dựng Luật THADS sửa đổi theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hướng tới việc hoàn thiện thể chế, pháp luật trong công tác THADS; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, củng cố niềm tin của người dân vào hoạt động của bộ máy Nhà nước, trong đó có hoạt động THADS.

Qua đó, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao năng lực cạnh tranh, vị thế của đất nước trong tiến trình hội nhập quốc tế và khu vực, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của toàn quốc; góp phần hướng tới mục tiêu hoàn thiện cơ chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả THADS, THAHC theo hướng rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí; nhằm xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, liêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân theo đúng yêu cầu của Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới./.

Vy Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực