Khó thực hiện việc 100% người dân đồng tình thu hồi đất

Thứ ba, 14/03/2023 21:59
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nêu quy định thu hồi đất phải được 100% người dân đồng tình thì sẽ khó thực hiện và không khả thi, do đó, quy định 80% sự đồng thuận sẽ khả thi hơn. Mặt khác, cũng rất cần chính quyền địa phương nơi có đất bị thu hồi vào cuộc quyết liệt...

Ngày 14/3, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố (TP) Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

PGS.TS Trần Trọng Phương phát biểu tại Hội nghị. 

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, thị xã; các chuyên gia, nhà khoa học.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung góp ý vào một số nhóm vấn đề như: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Tài chính về đất đai, giá đất; Giải quyết tranh chấp đất đai...

Về ý kiến phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, PGS.TS Trần Trọng Phương, Trưởng khoa Tài nguyên môi trường (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng, dự thảo luật nêu quy định thu hồi đất phải được 100% người dân đồng tình thì sẽ khó thực hiện và triển khai không khả thi. Do đó, quy định 80% sự đồng thuận là có thể tiến hành phương án thu hồi sẽ khả thi hơn. Mặt khác, cũng rất cần chính quyền địa phương nơi có đất bị thu hồi vào cuộc quyết liệt, tuyên truyền để người dân nhận thức tốt, để việc giải phóng mặt bằng các dự án kinh tế - xã hội được thuận lợi hơn.

Đồng tình với quan điểm trên, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Toàn cầu (GP Invest) cho rằng việc quy định phải 100% người dân bị thu hồi đất đồng tình rất khó thực hiện. "Tỷ lệ bao nhiêu Quốc hội cần cân nhắc, nhưng yếu tố chắc chắn là công tác giải phóng mặt bằng cần có quyết định đúng mức. Trong đền bù giải phóng mặt bằng cần phân loại, xác định từng loại đất nông nghiệp, đất ở, đất thương mại để có các mức giá khác nhau", ông Nguyễn Quốc Hiệp nêu.

Ông Phạm Đức Bảo, chuyên gia pháp luật, Hội truyền thông số Việt Nam cho rằng: Luật Đất đai năm 2013 đã có bước tiến mới khi cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất để đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc bán kết hợp cho thuê; được nhận chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ bộ dự án đầu tư có sử dụng đất để đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê... Tuy nhiên, Dự thảo Luật sửa đổi cần khắc phục những vướng mắc liên quan đến quyền của nhà đầu tư và người sở hữu nhà ở là người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Chia sẻ thực tế tại địa phương về việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường quận Hoàng Mai Nguyễn Đức Thọ đề xuất bỏ việc lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện đối với các khu vực quận đã có quy hoạch chi tiết và quy hoạch phân khu đô thị chi tiết, bởi việc lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm hầu như không thực hiện được trước ngày 31/12 theo quy định và vừa làm xong năm nay thì lại làm tiếp năm sau.

Ở quy mô lớn hơn, TS.KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đề nghị cần xem lại quy định quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt trong năm đầu tiên của kỳ quy hoạch vì với khối lượng lớn, quy định này chưa sát với nguồn lực thực tế. Về điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trong giai đoạn tới thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TƯ về phát triển đô thị bền vững, Nghị quyết số 19-NQ/TƯ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, sẽ có nhiều đột phá về phát triển đô thị và nông thôn; do đó, cần cụ thể hơn về điều chỉnh định kỳ và điều chỉnh cục bộ với quy hoạch, nhất là với kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện.

Nhận định việc xác định bảng giá đất sẽ rất khó khăn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho rằng, nguyên tắc định giá đất rất chính xác nhưng cần có dữ liệu chuẩn đầu vào để định giá đất. “Hiện nay, trên thực tế giao dịch đất đai, chuyện mua bán “2 giá” rất nhiều, chỉ dựa vào việc nộp thuế mua bán đất đai thì sẽ rất khó khăn để xác định sát giá đất. Rất khó có ai dám đặt bút ký bảng giá đất khi không đủ dữ liệu đầu vào. Cần thể chế trong luật nội dung này để bảo đảm khả thi trong thực hiện”, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng nói.

Các đại biểu trao đổi trong khuôn khổ hội nghị. 

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho biết, qua theo dõi hoạt động hành nghề công chứng, việc hộ gia đình sử dụng đất tham gia giao dịch gây ra nhiều bất cập, kể cả trong việc giao dịch đất ở (thổ cư) khi tất cả các thành viên của hộ gia đình tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đủ tuổi) phải tham gia ký kết dù họ không có đóng góp gì đối với việc hình thành tài sản; việc xác nhận hoặc chứng minh thành viên hộ gia đình đôi khi rất khó khăn...  

“Để phù hợp với quy định về chủ trong quan hệ dân sự của Bộ luật Dân sự năm 2015, cần hạn chế việc quy định chủ thể sử dụng đất là hộ gia đình. Chỉ nên quy định hộ gia đình là chủ thể sử dụng đất đối với một số loại đất cụ thể như sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp”, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội nêu quan điểm.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai đánh giá, các đại biểu đã phát biểu tập trung, đặc biệt là về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nghĩa vụ tài chính đất đai, điều kiện thu hồi, đặc biệt là các điểm mới của dự thảo Luật… Ghi nhận về những điều vướng mắc trong thực tiễn và đề xuất đóng góp cụ thể vào các điều khoản, đồng chí Phạm Thị Thanh Mai mong muốn tiếp tục được lắng nghe, phân tích thêm của các chuyên gia, nhà khoa học, các đơn vị, địa phương về các nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), từ đó tổng hợp chuyển đến các cơ quan soạn thảo và Quốc hội xem xét./.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực